Chơi lồng chim xứ Vác

Bên chồng chồng lớp lớp các lồng chim lớn nhỏ cho đơn hàng cuối năm gửi vào Nam, có cái cao đến 2,4m, anh Huy Vũ - thợ lồng chim làng Vác bảo: 'Họ đặt chơi lồng, không phải chơi chim'.

Xứ Vác, từ xa xưa nổi tiếng với nghề làm quạt. Từ những kỹ thuật chẻ nan tre trúc, chuốt vót, tạo hình cho quạt, khi giới chơi chim phát triển mạnh thời Pháp thuộc, một số thợ làm quạt lành nghề ở làng Vác nảy chuyện tạo ra lồng chim, đem xuống bán cho người chơi ở Hà Thành. Số những người làm lồng danh tiếng của làng từ thời Tây nay còn lưu tiếng là cụ Nguyễn Văn Nghi, người làng Vác gọi là cụ Ba Mi - với những chiếc lồng nuôi chim họa mi trứ danh của xứ bắc.

Biến tấu từ kỹ thuật chẻ nan làm quạt, lồng chim xứ Vác ra đời, phát triển gần trăm năm qua, cung ứng cho thị trường chơi chim cả nước

Về lại làng Vác chiều mùa đông, bên khoảnh sân nhà chất đầy các loại lồng chim lớn nhỏ của anh Huy Vũ ngay đầu làng, hàng đống đáy lồng xếp lớp, chờ khớp vào các vành nan của lồng họa mi, chào mào. Tôi ấn tượng với loạt lồng phóng cao vút, cái thấp nhất cũng đã trên 1,8m. Trong nghề chơi chim, những chiếc lồng phóng ngoại cỡ kiểu này chỉ dành cho người chơi chim họa mi thuộc hàng siêu cao thủ, mục đích để các chú chim phóng mình, luyện thể lực cho những trận tỉ thí đẳng cấp trong giới chơi chim.

Thợ làm lồng cũng phải có trình độ cao, bởi lồng càng cao, những đường nan - vanh mỏng manh sẽ càng trở nên yếu ớt, đòi hỏi độ đáp ghép các chi tiết với đế, đáy, tang, thân, vai, gánh, móc phải thật chính xác, hoàn hảo, nếu không lồng sẽ bị èo ọt, cong vênh tức thì. Đi khắp các vùng miền có chế tác lồng chim, tôi cũng chưa từng gặp những chiếc lồng khủng như nơi xứ Vác.

Chiếc lồng chim ngoại cỡ dành cho dân nuôi chim họa mi

Tất bật bắt nốt những chiếc cầu cuối cùng cho loạt lồng phóng ngoại cỡ, anh Vũ cho biết: “Lô hàng hơn chục chiếc này được người trong Sài Gòn ra tận nơi đặt, họ không dùng để nuôi chim đâu, mà làm trang trí nội thất”. Quả thật, nhìn về lối tạo hình, cũng là một kết cấu của lồng chim, nhưng độ cao khác biệt tạo một hình ảnh ấn tượng, kết hợp với những đường nan mong manh, khiến cho hình ảnh chiếc lồng vừa gần gũi, thân quen, nhưng lại phô diễn một vẻ đẹp kiêu sa, thật dễ hợp cho mọi không gian trang trí trong kiến trúc nội - ngoại thất. Vậy là từ một làng nghề chỉ làm ra lồng nuôi chim, Vác đã đẩy sản phẩm của làng nghề lên một công dụng khác.

Một góc trang trí nội thất hài hòa và ấn tượng bằng lồng chim làng Vác

Trở lại chuyện kỹ thuật, từ xa xưa, người làng Vác lưu giữ một bí kíp đặc biệt, ấy là con dao chuốt tự chế. Chỉ cần một mũi khoan, một con dao, là từng ống tre nứa nguyên bản được tỉa tót, chuốt vót đúc thành chiếc lồng chim. Ngày nay dù có nhiều công cụ hỗ trợ việc làm lồng, với khoan máy, thiết bị đánh bóng, đục tỉa… nhưng người làm lồng chim ở Vác vẫn không buông con dao bí truyền của làng nghề. Người xứ Vác quan niệm, muốn làm được một lồng chim đẹp, chắc, bền, phải là người sử dụng thuần thục, cầm chắc tay dao.

Nét chạm triện gấm chỉ bằng con dao đặc dụng của người làng Vác, đây là một kỹ thuật khó trong chế tác lồng chim

Công đoạn vuốt nan thủ công trước khi dựng lồng

Cuối năm, nhà nhà nơi xứ Vác rộn ràng với nghề làm lồng chim xuất xưởng. Những nghệ nhân tên tuổi của làng như Nguyễn Văn Nghệ (hậu duệ của cụ Ba Mi), Bùi Văn Quý - người sở hữu hơn 100 mẫu chế tác biến thể từ lồng chim thành các loại đèn, đồ dùng trang trí… xuất đi khắp trong và ngoài nước. Lồng chim làng Vác đi khắp nơi trong nước, sang cả các vùng lân cận như Trung Quốc, Lào… Mỗi tháng chỉ tính riêng gia đình anh Huy Vũ xuất xưởng vào Sài Gòn khoảng 200 lồng chim hoàn chỉnh, chưa kể các hộ khác của làng nghề này.

Khách châu Âu đến làng Vác đặt hàng các loại đèn treo do nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ chế tác

Nói về nghề của làng, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ chia sẻ: “Cụ thân sinh tôi từng bảo rằng nghề này của Vác không lúc nào tàn lụi, vì còn thú chơi chim là người Vác còn theo nghề. Những năm gần đây chúng tôi không chỉ làm lồng chim, mà những kỹ thuật trong tạo dáng của lồng được biến tấu để tạo nên các vật phẩm khác dùng trang trí. Những sản phẩm mới này được người nước ngoài ưa chuộng lắm, nhất là các nước châu Âu”.

Một chiếc lồng tí hon dùng trang trí nội thất của nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ

Vẫn sản xuất sản phẩm chủ lực là lồng chim, điều khác biệt dễ nhận trong lồng chim xứ Vác ấy là các chi tiết từ bộ quai gánh trên nóc lồng, kế đến là cửa và vai lồng. Cửa lồng chim Vác chi tiết, vai mang dáng chuông, bo tròn, các nơi khác làm lồng thường có vai hơi vuông. Các mối ghép của người làng Vác cũng chắc tay, kỹ vào chi tiết. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cho biết dưới Hà Nội nhiều gia đình phố cổ còn sở hữu lồng do cụ thân sinh anh là Ba Mi chế tác, đã hơn 50 năm mà vẫn sử dụng tốt. Hai dòng sản phẩm lồng tiêu thụ nhiều ở thị trường là lồng chào mào và lồng chim khuyên, hoàng anh. Mỗi lồng khuyên có 8 vòng vanh, vòng nóc là đơn giản nhất, các vòng vanh thân khó vì lồng nhỏ, vanh mỏng, phải là thợ cứng tay dao mới thực hiện được vì chỉ một sơ sểnh trong mũi tách đơn hoặc tách kép, lẹm vào đường vanh là hỏng cả.

Ngoài kỹ thuật tách vanh, lồng Vác cũng tạo ra nhiều mẫu đục chạm các đề tài bát tiên, trúc lâm, mai điểu, cửu long, hoa mai - chữ Phúc, bát bửu… dựng vào thân lồng để đáp ứng yêu cầu khách hàng thuộc phân khúc cao cấp.

Phần đế lồng với các nét đục chạm mang đề tài bát bửu, dơi, chữ phúc

Từ kiểu dáng cơ bản của chiếc lồng chim, nghệ nhân và thợ thủ công làng Vác đã dựng nên những sản phẩm mỹ nghệ đỉnh cao theo yêu cầu người sử dụng. Lồng chim truyền thống biến tấu thành đèn treo, thành khay trầu rượu, thành bàn tiếp khách… Nói như anh Bùi Văn Quý - người thiết kế mẫu sản phẩm mới nhiều nhất của làng Vác: “Đặc tính của tre nứa là mềm dẻo, nên việc chế tác những biến thể khác từ lồng chim không khó. Thị trường dễ tính sử dụng các sản phẩm làm bán thủ công, có can thiệp của máy móc, nhưng với những khách hàng cao cấp, họ vẫn chuộng các loại sản phẩm làm 100% bằng tay. Tùy yêu cầu và đơn hàng, người làng Vác chúng tôi đều có khả năng đáp ứng”.

Anh Bùi Văn Quý - người sở hữu hơn 100 mẫu thiết kế sản phẩm dựa trên nền chiếc lồng chim

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/choi-long-chim-xu-vac-152732.html