Chơi chữ trong thơ trữ tình

Ngày xuân những người sành điệu không chỉ chơi hoa mà còn chơi chữ! Những lúc ngồi dưới cặp liễn đỏ, bên đám người bạn cùng lớp, cùng trường vào khi trà đậm rượu đà thì chữ nghĩa cứ như nhờ người mà thêm xuân sắc!

1. Trong nghề thơ, chơi chữ nhiều lúc là chơi đùa, cười cợt nhưng không phải lúc nào cũng cười cợt chơi đùa. Trên sân chơi này có những khi con chữ quên hẳn việc tấu hài, thọc lét, mà nhận lãnh các vai chính kịch được giao để diễn tả những bi ai thống thiết nhất, những trữ tình mãnh liệt nhất, những chính kiến kịch liệt nhất.

Những khi như thế, chữ của Hồ Xuân Hương trong trò “hạn từ” như lưỡi dao sắc, từng nhát, từng nhát cắt đứt ruột người nghe. Từng nhát cắt chia thiếp và chàng, sống với chết, âm cùng dương. Mỗi nhát dao được đếm bằng tên của những vị thuốc để nỗi đau cắt chia vơi bớt. Nhưng dù đã làm thơm làm đẹp bằng những quế chi, trần bì, cam thảo, liên nhục… thì lúc này con dao cầu văn chương vẫn phải khách quan vận hành theo quy luật sinh tử:

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì / Thương chồng nên nỗi khóc tỉ ti / Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo / Cay đắng chàng ơi vị quế chi / Thạch nhũ trần bì sao để lại / Quy thân, liên nhục tẩm mang đi / Dao cầu thiếp biết trao ai nhẽ / Sinh kí chàng ơi tử tắc quy.

Đấy là chơi chữ để ti tỉ khóc chồng! Người đàn bà xưa nỉ non khóc sống cho thân phận chính mình thì có cách chơi chữ trong câu ca dao miền Trung:

Non sông một gánh cheo leo

Qua sông nỉ nước, qua đèo nỉ non

Một gánh trên đường cheo leo! Đã có trên vai non sông, lại còn thêm non nước, non đèo. Đã nặng đến ba bốn gánh vật chất như thế, cuộc đời còn chất thêm gánh nặng tinh thần của những van vỉ, nỉ non. Vất vả như vừa đi vừa khóc. Nhưng vẫn phải đi, đi thật mau cho có trớn, có đà.

Cái thế người đi tạo ra thế chữ để đã có ni non thì thuận miệng chiết tự chẻ chữ mà hát lên nỉ nước. Trong trường hợp này, sự cân đối chữ nghĩa nỉ nước / nỉ non lại như chia đều, chia cân cái nặng ra hai đầu đòn gánh tạo cân bằng vật lý, làm nhẹ khúc đường trường vượt dốc!

Trở lên là những chơi chữ thời xưa, thời chữ Hán, chữ Nôm. Thời nay, chơi chữ quốc ngữ có cách chiết tự của ông Việt Phương. Trong tập CỬA MỞ (NXB Văn Học 1989) rất nổi tiếng của mình, ông Việt Phương đưa ra chữ NGƯỜI và giải thích: “Chữ NGƯỜI bị phá tung ra và chắp thành NƠI GỪ […] ở đó con người hiện còn bị chà đạp, nơi tiếng nói thống trị chưa phải là tiếng nói chân chính của con người mà hiện còn là tiếng gầm gừ của bầy thú dữ” ham ném đá.

Phải chăng cũng nghĩ về nơi đó, nhà thơ Thi Hoàng không chỉ nghe gầm gừ từ một từ mà còn rũ từ ra thành từng chữ cái để thấy:

Chữ A há ra không được / Căn bnh mới làm chữ B co quắp / Chữ C chết nửa vòng tròn / Đen như hố bom / Trắng như đạn thủng / Và chữ tồi bớt dấu huyền đi để thành tôi (Thi Hoàng – Bổn Phận trích từ tập Bóng ai gió tạt).

Bỏ tồi để thành tôi chỉ bằng chơi chữ, thì rất nên chơi chữ ngay cả vào những lúc nghiêm túc nhất!

2. Câu đố dân gian là nơi có thể tìm ra những thí dụ thật hay về ẩn dụ trữ tình, nhất là trữ tình trong những hứng cảm chính trị xã hội. Một lần về Đồng Tháp chép được bài lục bát bốn dòng. Chỉ là bốn dòng truyền miệng, các nhà nghiên cứu văn học xếp vào mục câu đố dân gian. Nhưng độ lóe sáng từ ngữ và chiều sâu ý nghĩa của bốn dòng diêm quẹt này (vâng, đây là câu đố về một hộp diêm) khiến tôi trân trọng, bái phục, coi nó, bài thơ chân đất kia là một tứ tuyệt:

Nhà vuông mở cửa hai đầu

Có trăm thằng lính trong lầu bước ra

Thằng nào không nón thì tha

Thằng nào có nón đem ra chặt đầu!

Ghê quá! Đọc đến chữ cuối chặt đầu không chỉ thấy lửa bùng lên từ cách giải câu đố, từ tầng nghĩa nổi bên ngoài, mà còn thấy máu vọt ra từ tầng nghĩa chìm bên trong, từ cái nhà tù mini mở cửa đưa 100 tù nhân vào cuộc thanh lọc và kẻ phải chết lại là người có khả năng thắp sáng cuộc sống, nhóm ấm cuộc sống, những người sẵn sàng hóa thành một sơi than đen cong queo để người khác được ấm và được sáng! Còn những thứ diêm chẳng ra diêm, những thứ diêm mù lửa, điếc lửa, câm lửa, lại xênh xang như người, ngu si hưởng thái bình!

Một chơi chữ tóe lửa khác là cách chơi của thi sĩ chiến sĩ Hồ Chí Minh. Chuyện rằng, trước khi Bác Hồ đi Pháp, dự hội nghị Fontainebleau ông Hải Thần sai người mang tới bài thất ngôn bát cú không mấy nhã nhặn:

Lỡ bước đành cam thua nửa ngựa

Còn hơn miệng thế nói mười voi

Mấy lời nhắn nhủ ông ghi nhớ

Nước ngược buông câu khéo mất mồi.

Nhận thư, ngay lập tức Hồ Chủ tịch gõ máy chữ, thảo thơ họa, trả lời:

Trách kẻ đem thân vào miệng cọp

Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi

Tàn cờ mới biết tay cao thấp

Há phải như ai cá thấy mồi!

Kẻ hậu sinh này đọc thơ bút chiến, thơ thép của cụ Hồ, nghe rào rào tiếng ngón tay gõ phím điểm hỏa, làm bắn ra liên thanh những viên đạn chữ đang theo đường vần mà tìm tới đích.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/choi-chu-trong-tho-tru-tinh-3916146-b.html