'Chọc giận' Nga bằng việc điều tàu chiến ra biển Đen, Ukraine toan tính làm hại quan hệ Trump-Putin?

Kiev có thể đã nhận được sự cổ vũ từ bên ngoài, nhằm có những hành động khoét sâu thêm căng thẳng giữa Moscow với phương Tây, khiến cơ hội 'làm lành' giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trở nên xa vời, giới chuyên gia nhận định.

Theo Asia Times, khi hải quân Ukraine đưa 1 tàu pháo thiết giáp và 1 tàu kéo hôm 25/11 tìm đường băng qua eo biển Kerch để tiến vào biển Azov, dường như họ biết rõ rằng Nga sẽ nổi giận với những phản ứng nhanh chóng và quyết liệt. Và thực tế, Nga cũng đã phản ứng một cách quyết liệt bằng cách triển khai tàu cảnh sát biển truy đuổi, sau đó bắt giữ tàu cùng hơn 20 thủy thủ Ukraine.

Pepe Escobar, chuyên gia phân tích quốc tế chuyên về tình hình Trung Á và Trung Đông cho rằng Kiev có những tính toán chính trị khá rõ ràng trong vụ này. Đó là làm gia tăng căng thẳng với Moscow và thu hút sự chú ý của các đồng minh, đối tác phương Tây cũng như sự ủng hộ của cử tri Ukraine trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Putin

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Putin

Ukraine và nhiều nước phương Tây đã chỉ trích rằng Nga "hành động hung hăng" và "phản ứng thái quá" trong sự việc, nhưng cố tình phớt lờ thực tế rằng phương tiện vi phạm là tàu chiến được trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược, không phải là tàu cá hay tàu chở hàng bình thường.

Các lời chỉ trích cũng không đả động gì đến thực tế rằng hành động của các tàu chiến Ukraine trên eo biển Kerch đã vi phạm cả luật pháp Nga lẫn UNCLOS.

Nga hoàn toàn đủ điều kiện để giám sát mọi tàu thuyền di chuyển trên Biển Đen suốt 24/7 và có thể triển khai tàu chiến, chiến đấu cơ từ các căn cứ trong khu vực tới Biển Azov chỉ trong vài phút. Nga biết điều đó, Ukraine biết điều đó, cả NATO và Lầu Năm Góc cũng không xa lạ gì với thực tế này.

Vì lẽ đó nên ông Escobar tin rằng Kiev có thể đã nhận được sự cổ vũ từ bên ngoài, nhằm có những hành động khoét sâu thêm căng thẳng giữa Moscow với phương Tây, khiến cơ hội gắn kết giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Putin trở nên xa vời.

Ngay sau khi căng thẳng trên Biển Đen bùng phát, nhiều học giả từ Đại học Chiến tranh Mỹ hay Hội đồng Đại Tây Dương đã kêu gọi NATO và Lầu Năm Góc điều tàu chiến tiến vào biển Azov và có hành động trừng phạt mạnh mẽ Nga.

"Sự cố này chẳng khác gì một trò khiêu khích rẻ tiền mang đậm dấu ấn của một tổ chức tư vấn phương Tây để chứng minh ‘hành động hung hăng của Nga’ bất chấp các sự kiện thực tế", ông Escobar nhận định. "Mục đích của nó có thể là nhằm chệch hướng cuộc gặp Trump - Putin tại hội nghị G20 sắp diễn ra ở Argentina".

Những tổn hại của Nga

Một số chuyên gia nhận định, căng thẳng trên Biển Đen cũng sẽ gây nhiều thiệt hại về chính trị cho Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Tổng thống Putin đang muốn "làm hòa" với phương Tây nhằm giảm bớt lệnh trừng phạt đối với kinh tế nước này.

"Dù nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước trong sự việc, Nga vẫn có thể hứng chịu thêm lệnh trừng phạt từ phương Tây và cuộc gặp Trump - Putin bên lề hội nghị G20 tới đây có thể bị hủy", bình luận viên Benny Avni của NYPost cảnh báo.

Và thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (G20) ở Argentina.

"Có lẽ tôi sẽ không tổ chức cuộc gặp với ông ấy ", Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post.

Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng, ông đang chờ các báo cáo đầy đủ về vụ việc ở eo biển Kerch.

Giới phân tích cho rằng vụ căng thẳng mới nhất giữa Nga và Ukraine có thể là “cơ hội tốt” cho Kiev khi các nước có khả năng sẽ gia tăng sức ép trừng phạt lên Moscow. Kể từ năm 2014, Nga đã phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi căng thẳng leo thang.

“Xét trên quan điểm của Ukraine, ở cấp độ nào đó, đây lại là thời điểm tốt (cho Ukraine)”, Tim Stanley, giám đốc điều hành cấp cao phụ trách Nga tại hãng tư vấn rủi ro Control Risks, nói với CNBC hôm 27/11.

“Hiện có phong trào tại châu Âu kêu gọi nới lỏng trừng phạt Nga. Tuy nhiên xét từ quan điểm của Ukraine, sức ép (trừng phạt) cần phải được duy trì. Rõ ràng, chúng ta sắp chứng kiến hội nghị G20 vào cuối tuần này tại Buenos Aires (Argentina) và có khả năng diễn ra cuộc gặp Trump - Putin, do vậy phía Ukraine cần duy trì sức ép (với Nga)”, ông Stanley nhận định.

Alex Brideau, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Á - Âu tại hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho rằng vụ việc căng thẳng gần đây với Ukraine có thể khiến Nga phải hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/choc-gian-nga-bang-viec-dieu-tau-chien-ra-bien-den-ukraine-toan-tinh-lam-hai-quan-he-trump-putin-a412595.html