Choáng với tỷ lệ dương tính trên số xét nghiệm COVID-19 ở Mexico

Tỷ lệ dương tính trên số xét nghiệm COVID-19 ở Mexico đang ở mức cao nhất thế giới.

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại khu chợ ở Mexico City, Mexico ngày 18/6 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại khu chợ ở Mexico City, Mexico ngày 18/6 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Bloomberg, khi các quốc gia tìm cách mở cửa lại nền kinh tế, tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 dương tính trở thành một thước đo để theo dõi tình hình dịch bệnh. 5% là ngưỡng để mở cửa lại an toàn. 10% là tỷ lệ ở mức đáng lo. 20% cho thấy dịch bệnh hoành hành ác liệt.

Còn ở Mexico, tỷ lệ là 50%. Tỷ lệ cao ngất ngưởng này không khó giải thích dù rất khó giải quyết.

Nước Mỹ Latinh này kiên quyết không xét nghiệm trên diện rộng mà thay vào đó chỉ xét nghiệm những bệnh nhân nặng nhất.

Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez Gatell cuối tháng 5 nói rằng xét nghiệm nhiều là tốn thời gian, công sức và tiền bạc.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Mexico City ngày 26/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong suốt thời gian đại dịch, Mexico và nhiều nước Mỹ Latinh đã có tỷ lệ dương tính cao hơn bất kỳ nước nào, kể cả những điểm nóng như bang Arizona và Texas ở Mỹ.

Với một nửa số xét nghiệm có kết quả dương tính, Mexico chỉ có Bolivia là nước “ngang tầm” về tỷ lệ đáng lo này.

Ở Argentina và Chile, cứ 10 xét nghiệm thì có gần 3 xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Ở Brazil, nước có trên 1,4 triệu ca mắc COVID-19, không ai nắm rõ con số vì chính phủ không công bố dữ liệu này.

Ông Amesh A. Adalja, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Sức khỏe thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói: “Không ai muốn tìm ca bệnh lại dễ dàng như vậy. Nỗ lực của họ chưa đủ mạnh”.

Khi tỷ lệ cao như vậy, điều đó có nghĩa là các chính phủ không thể nắm rõ và có đủ khả năng xử lý dịch bệnh ở nước mình.

Tại Mỹ, nơi tỷ lệ dương tính tăng trở lại và ở mức 8%, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết quy mô thực sự của đại dịch có thể gấp 10 lần so với con số xét nghiệm.

Xét về con số chính thức, tính tới sáng 2/7 (giờ Việt Nam), Mexico ghi nhận gần 232.000 ca mắc COVID-19 và gần 29.000 người tử vong. Mỹ Latinh có trên 2,5 triệu ca bệnh và chiếm một nửa tổng số ca mắc hàng ngày trên toàn cầu.

Điều khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại là cả Mexico, Brazil và các nước Mỹ Latinh khác đều không quyết tâm hoặc không có khả năng thay đổi xu hướng dịch bệnh.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil ngày 8/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Brazil Jair Bolsonari, người ủng hộ mở cửa nền kinh tế thay vì phong tỏa, đã hòa mình vào đám đông biểu tình cuối tuần trước. Ông còn chụp ảnh với một bé gái mà không ai đeo khẩu trang.

Còn Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador vừa kết thúc chuyến công du dài hàng tuần khắp đất nước.

Bộ trưởng Y tế Mexico nói trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mexico cuối tháng 5: “Mục đích của chúng ta không phải là đếm mọi ca bệnh, mà là dùng cơ chế hiện đại, hiệu quả để xử lý đại dịch”. Ngày 30/6, ông cho rằng các ca tử vong ở Mexico có liên quan tới tiểu đường, huyết áp cao và béo phì.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Buenos Aires, Argentina ngày 7/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Nói một cách công bằng, ở khu vực mà hơn 1/3 dân số sống trong đói nghèo, phần lớn các nước Mỹ Latinh không thể đóng cửa hoàn toàn hoặc không có đủ tiền để thông qua các gói kích thích kinh tế khổng lồ.

Khi bước vào đại dịch, Mỹ đang ở thời điểm có nền kinh tế mạnh mẽ, còn kinh tế ở Mỹ Linh thì phần lớn trì trệ.

Đào mộ tại nghĩa trang Xico khi số ca COVID-19 tiếp tục tăng cao ở Mexico. Ảnh: Reuters

Argentina và Ecuador ngập trong khủng hoảng nợ nần. Mexico đang suy thoái kinh tế, còn Brazil năm 2019 ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trên 10% trong 4 năm liên tiếp. Tình hình ở Venezuela cũng rất khó khăn, khiến hàng triệu người phải rời bỏ đất nước.

Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ dương tính có thể giảm. Ở Chile, Bộ trưởng Y tế muốn giảm tỷ lệ này xuống 10%. Bộ trưởng Y tế Brazil tuần trước tuyên bố kế hoạch xét nghiệm trên 20% dân số 210 triệu người vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các nước chỉ mở cửa trở lại nếu có tỷ lệ dương tính ở mức 5% hoặc thấp hơn trong 14 ngày liên tiếp. Chuyên gia Adalja nhấn mạnh: “Cần xét nghiệm những ca có triệu chứng nhẹ. Những ca bị bỏ qua đang ở ngoài kia và lây nhiễm cho mọi người”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/choang-voi-ty-le-duong-tinh-tren-so-xet-nghiem-covid19-o-mexico-20200702091345079.htm