Choáng váng giá thịt lợn tăng 'sốc', người dân chuyển hướng ăn món khác

Giá thịt lợn tăng mạnh lên tới 200 nghìn đồng/kg, nhiều người dân chuyển hướng lựa chọn món ăn chính khác.

“Giá thịt lợn quá đắt, tôi chuyển hướng sang lựa chọn cho gia đình các món ăn khác như cá, hải sản, thịt bò...”, chị Mai, một bà nội trợ tại Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết.

Cũng như chị Mai, chị Lan (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Nếu trước kia nhà tôi thường xuyên ăn thịt lợn thì nay là cơ hội chuyển sáng các món sông, món đồng, hải sản.... Giá các loại cá vẫn giữ nguyên như cũ, tính ra ăn rẻ hơn nhiều so với thịt lợn, lại tốt hơn".

Theo khảo sát của PV, giá thịt lợn đang đạt mức tăng cao kỷ lục. Tại các chợ dân sinh, thịt ba chỉ có giá bán tăng vọt từ 9.000 đồng lên tới 150.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt loại này trong siêu thị có thể lên mức 180 nghìn đồng/kg. Thịt nạc, thịt đùi cũng tăng cao lên mức 120.000-130.000đồng/kg, sườn non lên 180.000-200.000 đồng/kg…

 Giá thịt lợn tăng cao, người dân có xu hướng chuyển sang chọn các món ăn chính khác.

Giá thịt lợn tăng cao, người dân có xu hướng chuyển sang chọn các món ăn chính khác.

“Đây là mức giá cao kỷ lục của thịt lợn trong thời gian qua”, chị Hải, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết.

Theo chị Hải, do giá thịt lợn cao nên sức mua kém hơn. “Nhiều khách sau khi hỏi giá lại quay đi chọn mua món ăn khác”, chị Hải cho hay.

Xác nhận thực trạng này, VTV dẫn lời đại diện Cục chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, do giá lợn hơi tăng quá nhanh trong tuần qua nên sức mua chậm lại. Hiện nay, lượng thịt bán ra chỉ đạt 50% so với cách đây 2 tháng.

Liên quan đến tình hình này, Bộ Công Thương cho hay mới đây đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán. Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2019, cung cầu các mặt hàng thiết yếu bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và dịp tết, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tại các báo cáo tháng 6, 8, 9 và tháng 10 về một số biện pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa.

Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Sở ngành phối hợp triển khai, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt heo. Các địa phương có biên giới kiểm soát chặt chẽ việc mua bán thịt lợn qua biên giới không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường cuối năm và tết Nguyên đán. Cũng như phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc bảo đảm nguồn cung thịt heo nói riêng và thực phẩm nói chung cho thị trường, phục vụ bình ổn thị trường.

Đáng chú ý hồi tháng 10, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và tết đối với mặt hàng thịt lợn để Bộ có căn cứ điều hành thị trường hợp lý. Bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn.

Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục theo dõi sát diến biến thị trường thịt lợn, kịp thời có phương án điều hành thị trường hiệu quả. Đồng thời, Bộ cũng đã có kế hoạch làm việc với UBND một số tỉnh, thành phố có nguồn cung, hệ thống phân phối mặt hàng thịt lợn lớn về kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và tết.

Trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ, hai Bộ đã thống nhất nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá mặt hàng này.

Thu Hà

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/choang-vang-gia-thit-lon-tang-soc-nguoi-dan-chuyen-huong-an-mon-khac-d165906.html