Choáng váng: 30 năm qua Mỹ không hay biết đã dùng thép tồi đóng tàu ngầm hạt nhân

Một xưởng đúc thuộc sở hữu của hãng Bradken trong 30 năm qua sản xuất thép không đạt tiêu chuẩn bán cho... quân đội Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

 Bradken, công ty con thuộc hãng Cơ khí Công trình Hitachi của Nhật Bản, đã đồng ý nộp 10.896.924 USD để dàn xếp cáo buộc "sản xuất và bán các cấu kiện thép không đạt tiêu chuẩn để lắp trên tàu ngầm hải quân Mỹ", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 15-6.

Bradken, công ty con thuộc hãng Cơ khí Công trình Hitachi của Nhật Bản, đã đồng ý nộp 10.896.924 USD để dàn xếp cáo buộc "sản xuất và bán các cấu kiện thép không đạt tiêu chuẩn để lắp trên tàu ngầm hải quân Mỹ", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 15-6.

Bradken là nhà cung cấp thép đàn hồi cao cho hải quân Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, công ty này năm 2008 mua lại một xưởng đúc ở Tacoma, bang Washington, nơi chuyên sản xuất vật liệu để các nhà thầu chính sử dụng làm vỏ tàu ngầm.

Trong 30 năm qua, xưởng đúc này "sản xuất các sản phẩm không vượt qua được các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm và không đạt tiêu chuẩn của hải quân". Hành vi này vẫn tiếp diễn ngay cả khi Bradken mua lại xưởng đúc.

Các công tố viên cho biết không một nhân sự cấp cao nào của Bradken biết về hành vi gian lận cho đến khi một nhân viên phòng thí nghiệm vào tháng 5-2017 phát hiện hồ sơ của công ty có nhiều điểm sai lệch, như phần kết quả kiểm tra đã bị thay đổi nội dung.

Bradken sau đó ra tuyên bố cho rằng các sai lệch này không phải là kết quả của hành vi gian lận. Công ty sau này thừa nhận các tuyên bố này là sai lầm.

Elaine Thomas, 66 tuổi, người từng đứng đầu bộ phận phụ trách luyện kim của Bradken, bị buộc tội "lừa đảo quy mô lớn nhằm vào Mỹ".

Ông Thomas bị cáo buộc làm sai lệch kết quả thử nghiệm với hơn 200 sản phẩm thép, chiếm tỷ lệ đáng kể trong số kim loại đúc được chuyển cho hải quân Mỹ.

Ông Thomas tuyên bố là không cố ý làm sai lệch kết quả thử nghiệm và sẽ hầu tòa ngày 30-6. Hiện chưa rõ bao nhiêu tàu ngầm của Mỹ sử dụng sản phẩm thép không đạt tiêu chuẩn do Bradken sản xuất.

"Bradken đẩy mạng sống của các thủy thủ và hoạt động của hải quân Mỹ vào nguy hiểm", Tổng công tố Brian Moran cho biết trong thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ.

"Hải quân đã thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho các tàu ngầm bị ảnh hưởng. Các biện pháp này sẽ làm tăng chi phí và bảo trì. Thỏa thuận của chúng tôi với Bradken nhằm đảm bảo họ cải thiện quy trình và thông báo các công ty cùng cấp cách phát hiện gian lận".

Đặc vụ Bryan Denny, phụ trách Văn phòng Hiện trường phía Tây thuộc Cơ quan điều tra Hình sự Quốc phòng (DCIS) nói, "trường hợp này chứng minh rõ ràng bất cứ hành vi vô đạo đức nào của các nhà thầu hoặc nhà thầu phụ của chính phủ đều sẽ bị xem xét, có thể bị điều tra toàn diện bởi DCIS và các đối tác thực thi pháp luật nếu cần thiết".

Hải quân Mỹ tiếp tục cho phép Bradken làm nhà thầu sau khi đồng ý "chỉnh lý quy trình kiểm soát và tuân thủ các thủ tục về chất lượng", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong thông cáo.

Hiện Mỹ đang là quốc gia sở hữu lực lượng tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới.

Rõ ràng chất lượng thép đóng tàu ngầm hạt nhân không đảm bảo sẽ tác động đến năng lực tác chiến của đội tàu ngầm này.

Việt Hùng (Theo Sputnik)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-choang-vang-30-nam-qua-my-khong-hay-biet-da-dung-thep-toi-dong-tau-ngam-hat-nhan/857553.antd