Choáng: 'heo lai khủng long' khổng lồ thống trị Nam Cực 250 triệu năm trước

Một sinh vật hết sức kỳ dị vừa được khai quật ở Nam Cực, được xác định là quái thú của siêu lục địa đã mất Pangaea.

Sinh vật được đặt tên Lystrosaurus, trông như sự pha trộn quái dị của nhiều sinh vật thời kỳ sau. Nó có nhiều đặc điểm của thằn lằn hay khủng long, nhưng ục ịch như những con heo và lại có cặp ngà ngắn.

Theo tiến sĩ Megan Whitney từ Đại học Harvard (Mỹ), nhóm của cô đã khai quật được hóa thạch lạ lùng này từ năm 2017. Kết quả nghiên cứu trong những năm qua đã tái hiện bức tranh trọn vẹn về con vật kỳ lạ.

Chân dung sinh vật Nam Cực cổ đại "không giống ai" - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Chân dung sinh vật Nam Cực cổ đại "không giống ai" - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Lystrosaurus là người họ hàng lâu đời của rất nhiều động vật có vú ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi và Nam Cực ngày nay. Nó lang thang trên địa cầu tận 250 triệu năm về trước, tức đầu kỷ Tam Điệp, trước cả khi loài khủng long xuất hiện trên Trái Đất. Khi đó, mảnh đất nay là Nam Cực vẫn là một phần của siêu lục địa Pangaea.

Kết quả phân tích một mẩu ngà của sinh vật kỳ dị cho thấy nó đã vượt qua những đêm tối mùa đông kéo dài hàng tháng trời ở miền đất khắc nghiệt này bằng cách ngủ đông. Đây là phát hiện thú vị, vì trước đây giới cổ sinh vật học tin rằng tập tính ngủ đông ra đời sớm nhất ở loài khủng long. Giai đoạn ngủ đông, cơ thể giảm sự trao đổi chất và nhiệt độ đến cực điểm nên sẽ để lại "dấu vết căng thẳng" trên ngà hay răng.

Các nhà cổ sinh vật học đang làm việc tại hiện trường khai quật ở Nam Cực - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Bài công bố trên Communications Biology cũng cho biết sinh vật này rất to lớn như hầu hết "quái vật" của Trái Đất kỷ Tam Điệp. Chiều dài trung bình của nó là hơn 2,4 m. Hai chiếc ngà ngắn giúp nó có thể đào được các loại rễ, củ để làm thức ăn.

Lát cắt ngà của sinh vật tiết lộ cơ chế giúp nó sống sót qua đêm trường mùa đông - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Nghiên cứu cũng cho thấy thời điểm mà Lystrosaurus sinh ra trên Trái Đất là trước sự kiện Đại tuyệt chủng cuối kỷ Permi (252 triệu năm về trước, được cho là do chuỗi vụ nổ sao – siêu tân tinh – làm Trái Đất bị tắm trong bức xạ chết chóc). Việc một sinh vật đồ sộ như vậy có thể sống tốt qua thảm họa rất đáng ngạc nhiên. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục làm việc với sinh vật dị hình này.

Các cuộc nghiên cứu tiếp nối đã tìm ra 6 mẫu vật ở Nam Cực và 4 mẫu vật ở Nam Phi, nhưng chỉ những con ở Nam Cực có dấu vết rõ ràng của sự ngủ đông.

Anh Thư (Theo Daily Mail, Nature)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/khoa-hoc/choang-heo-lai-khung-long-khong-lo-thong-tri-nam-cuc-250-trieu-nam-truoc-20200828162226447.htm