Cho ý kiến các phương án trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – nam

Sáng ngày 19/7 tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo 'Giải pháp công nghệ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam' nhằm cho ý kiến các phương án đầu tư dự án. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có các lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện tác hiệp hội vận tải, cơ khí cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vận tải, đường sắt…

Theo Bộ Giao thông vận tải, hành lang Bắc - Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước (chiếm tới 49% về dân số và 61% về GDP của cả nước). Tuy nhiên, thị phần vận tải trên hành lang này chưa cân đối giữa các phương thức, chị phí logistic cao (gấp 2 lần mức trung bình trên thế giới); tai nạn giao thông và phát sinh khí thải môi trường rất lớn...

Dự báo nhu cầu vận tải cho thấy, trong tương lai hành lang Bắc - Nam sẽ thiếu hụt lớn về năng lực vận tải, nếu đầu tư các phương thức (đường bộ, hàng không và đường biển) và nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại theo quy hoạch thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, ngày 14/02/2019, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương. Đồng thời xây dựng tuyến đường sắt mới tốc độ cao trên trục Bắc-Nam có chiều dài 1.559km chạy dọc hành lang Bắc-Nam, nối Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, đi qua 20 tỉnh/thành phố. Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Theo đó, thời gian chạy tàu từ Hà Nội- Tp. Hồ Chí Minh là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỷ đồng (58,7 tỉ USD), nguồn vốn nhà nước chiếm 80%. Dự án thuộc tiêu chí dự án đặc biệt quan trọng quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.

Dự án sử dụng công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán; công nghệ hệ thống thông tin tín hiệu, sử dụng công nghệ truyền tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến, đóng đường sử dụng phân khu di động. Tại hội thảo, đại diện liên danh tư vấn dự án (Tedi-Tricc-Tedishouth) trình bày các đặc điểm của công nghệ trên, đồng thời cho biết đây là xu thế công nghệ của thế giới đang hướng tới.

Các đại biểu cho ý kiến về phương án thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Tuy nhiên, mới đây tại báo cáo trình Thủ tướng phương án thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư của dự án thì đường sắt tốc độ cao tối đa chỉ là 200km/h, chở cả hành khách và hàng hóa, với mức đầu tư khoảng 26 tỷ USD.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Theo đó, Hội đồng được có quyền yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn cung cấp tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định. Kết luận thẩm định dự án quan trọng quốc gia của hội đồng trước khi trình Chính phủ phải được ít nhất 2/3 thành viên thông qua.

Theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014, thời gian thẩm định của Nhà nước là 90 ngày và thời gian Chính phủ trình đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ hợp Quốc hội. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là dự án phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau và phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra nên thời gian thẩm định sẽ phải kéo dài hơn, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5/2020.

Trong quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ nghiên cứu hồ sơ dự án, ý kiến thẩm tra của Tư vấn, ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến phản biện của xã hội để có đánh giá khách quan nhất về các phương án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quết định chủ trương đầu tư khi hồ sơ dự án đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Tại hội thảo, vẫn còn nhiều ý kiến xoay quanh dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam như việc vận chuyển người với 300 – 350km/giờ hay vận chuyển cả người và hàng hóa với tốc độ 200 km/giờ? Một số đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, việc sử dụng đường sắt cao tốc 300 – 350km/giờ chưa thông dụng trên thế giới, thậm chí ở nước Đức còn đang có phương án quay trở lại sử dụng đường sắt cao tốc với vận tốc 249 km/giờ…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng kết luận hội thảo

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, giao thông đường sắt đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải nước ta. Đường sắt nước ta có từ rất sớm, tuy nhiên đến nay, khoảng hơn 100 năm, đường sắt nước ta đã trở nên lạc hậu so với khu vực và thế giới, với tốc độ 50 – 70km/giờ. Do vậy, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao mới là cấp thiết. Từ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XII, Chính phủ đã trình ra dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhưng chưa được thông qua. Hiện nay, Chính phủ đang rất tích cực trình Quốc hội về dự án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục cân nhắc nhiều mặt hiệu quả kinh tế, mức độ hội nhập, khả năng chịu đựng của nền kinh tế trước khi trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác để Quốc hội có cơ sở nghiên cứu; có báo cáo thuyết phục thì mới nhận được sự ủng hộ của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, hội thảo là cơ sở quan trọng để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xây dựng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và trình ra Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian tới./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=41161