'Cho vay tiêu dùng' qua tiệm cầm đồ: Nguy cơ biến tướng tín dụng đen

Hàng loạt vụ án đã được khởi tố thời gian qua liên quan đến tín dụng đen đều núp bóng dưới các tiệm cầm đồ khiến việc nở rộng các chuỗi, hệ thống cầm đồ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cao nếu không quản lý tốt.

Tiệm cầm đồ dễ biến thành nơi cho vay nặng lãi - Ảnh: Ngọc Dương

Cho vay nặng lãi núp bóng

Thực tế, hầu hết các tiệm cầm đồ đều cho vay với lãi suất (LS) cao ngất ngưởng, nhiều tiệm đã bị phát hiện. Chẳng hạn đầu tháng 6 vừa qua, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên xác định, khởi tố về hành vi cho vay nặng lãi với chủ 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại H.Văn Lâm có biểu hiện cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Theo đó, LS các đối tượng cho vay từ 4.000 - 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương LS từ 12 - 21%/tháng hay từ 144 - 252%/năm.

Trước đó, Công an TP.Quy Nhơn (Bình Định) đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi. Hai đối tượng này làm dịch vụ cầm đồ kiêm cho vay với LS 30%/tháng. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng sử dụng rất nhiều hung khí như rựa, dao, mác để hăm dọa, đánh người vay nếu trả tiền lãi không đúng thời hạn. Nhóm này còn in tờ rơi rải ở những nơi đông người nhằm bôi nhọ người đi vay nếu họ chậm trả tiền.

Tương tự vào giữa tháng 4, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt 2 nhóm cho vay nặng lãi núp bóng tiệm cầm đồ. Tiệm cầm đồ sẽ cho vay với LS từ 3.000 - 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương từ 109,5 - 255,5%/năm)... Đi kèm với việc cho vay cầm cố với LS cắt cổ, các chủ tiệm cầm đồ sẵn sàng sử dụng hình thức đòi nợ như chửi bới, hăm dọa, thậm chí hành hung khách hàng hoặc khủng bố tinh thần người thân, gia đình.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, nhận định hầu hết các tiệm cầm đồ chỉ có một biên lai ghi nhận với khách hàng. Nếu có hợp đồng cũng chỉ ghi nội dung chung chung, LS không rõ ràng, các điều khoản chỉ có lợi cho chủ cửa hàng. Đặc biệt, hầu hết đều áp dụng lãi vay rất cao trong khi bộ luật Dân sự 2015 có quy định về LS vay cụ thể. Theo đó, LS vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (1,66%/tháng) của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

Chiếu theo quy định này, các tiệm cầm đồ hiện nay đều vi phạm về quy định LS cho vay. Đồng thời bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định với những người cho vay với LS gấp 5 lần LS cao nhất quy định và có thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là có hành vi cho vay nặng lãi. Tùy thuộc vào số tiền thu lợi bất chính mà người cho vay có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án với thời gian phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

“Nhiều vụ án triệt phá cho vay nặng lãi thì trong đó phần lớn từ các tiệm cầm đồ. Chưa kể các hệ lụy phát sinh khác có thể gây bất ổn xã hội thì LS quá cao là gây hại cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Vì vậy cơ quan quản lý cần phải xem xét siết chặt hơn”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Siết chặt quản lý

Đăng ký dịch vụ cầm đồ khá đơn giản, LS thả nổi khiến các tiệm cầm đồ mọc lên như nấm. Thực chất đây cũng là hoạt động cho vay tiêu dùng nhưng trong khi công ty tài chính (CTTC) bị hạn chế cho vay bằng tiền mặt thì cầm đồ lại thoải mái. Cụ thể, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của các CTTC, Ngân hàng Nhà nước quy định các công ty này chỉ được giải ngân trực tiếp (cho khách hàng vay tiền mặt - PV) đối với những khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó và được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt cũng như không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN. Đồng thời, tổng dư nợ cho vay tiền mặt của CTTC không được vượt quá 30% tổng dư nợ.

TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật), nhận định đây là hai hoạt động tương tự nhau, nhưng trong khi các quy định về hoạt động của CTTC khá chặt và được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước thì hoạt động cầm đồ hầu như chỉ giao cho địa phương.

Đặc biệt, việc thả nổi LS cho vay của các hoạt động này đã tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng lẫn nền kinh tế. Trong “cuộc chiến” chống tín dụng đen, cần phát triển hệ thống tài chính tín dụng chính thức để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ví dụ như các CTTC tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân... với sự quản lý của cơ quan chuyên ngành. Từ đó người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn có chi phí thấp thay vì chỉ nghĩ đến tiệm cầm đồ khi cần vốn, dù là rất nhỏ. Riêng việc LS do các đơn vị, cá nhân tự thỏa thuận nhưng sẽ chiếu theo quy định của bộ luật Dân sự đã nêu. Nếu quá cao thì cơ quan quản lý nhà nước phải ngăn chặn.

Mai Phương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cho-vay-tieu-dung-qua-tiem-cam-do-nguy-co-bien-tuong-tin-dung-den-1115555.html