Cho vay tiêu dùng: Đang trong giai đoạn vàng?

Năm 2014, tỷ lệ người trưởng thành có ít nhất một khoản vay trong vòng 1 năm trở lại chiếm tới 46,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân có các khoản vay tại tổ chức tài chính chính thức chỉ là 18,45%...

Ảnh minh họa.

Không thay thế ngân hàng truyền thống

Hiện nay, hoạt động tài chính tiêu dùng ở nước ta đã khá đa dạng, như tài chính tiêu dùng được cung cấp bởi các tổ chức tín dụng, các dịch vụ cho vay trực tuyến bởi các fintech,...

Tại Hội nghị Quốc tế về Tài chính Tiêu dùng do StoxPlus tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng được cung cấp bởi các TCTD hiện nay đạt khoảng 960 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng dư nợ toàn hệ thống, gấp 6 lần năm 2011, trong đó, nhóm công ty tài chính tiêu dùng có quy mô tín dụng đạt 74 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần năm 2011, đây cũng là nhóm có tăng trưởng tiêu dùng mạnh nhất.

So sánh với quốc tế cho thấy tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang đạt ở mức trung bình, với đa số các nước có quy mô tín dụng tiêu dùng từ 5-10% GDP. Khách hàng thị trường này chủ yếu thuộc nhóm trẻ tuổi, có mức thu nhập thấp từ 5 đến 10 triệu/tháng.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Thị Hiền, tín dụng tiêu dùng sẽ giúp khách hàng, đặc biệt là tầng lớp thu nhập trung bình và thấp tiếp cận được các khoản vay, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, chủ động quản trị tài chính cá nhân, đồng thời, giảm bớt các cú sốc tài chính, từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối với nền kinh tế, thông qua kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng GDP, đẩy lùi nạn tín dụng đen và tín dụng phi chính thức.

Đối với các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính, tài chính tiêu dùng giúp đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, tăng lợi nhuận, từ đó, tăng hiệu quả hoạt động, tính bền vững của ngân hàng.

“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tín dụng tiêu dùng cũng là một cấu phần của hệ thống tài chính, không thay thế mà bổ sung các dịch vụ của ngân hàng truyền thống, do đó, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển một các hoàn thiện hơn, đẩy đủ hơn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu và thực thi một cách hiệu quả hơn vai trò của hệ thống tài chính trong nền kinh tế”, TS. Hiền nói.

Một giai đoạn vàng cho công ty tài chính

Từ 2012 trở lại đây chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của tài chính tiêu dùng. Theo đánh giá của chuyên gia, điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới cũng như phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Thời gian tới được đánh giá vẫn là giai đoạn vàng cho lĩnh vực này phát triển với hai lý do chủ yếu.

Thứ nhất, đời sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện và nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân của người dân đã đạt 50 triệu/người/năm. Đi cùng với đó, nhận thức của người dân về tiêu dùng cũng từng bước thay đổi. Thay vì tiết kiệm thì giờ đây, người dân đã có thói quen đi vay để mua sắm, phục vụ đời sống, đặc biệt là giới trẻ.

Thứ hai, mức độ tiếp cận tín dụng tại các tổ chức tín dụng của người dân hiện nay còn khiêm tốn. Theo kết quả nghiên cứu của WorldBank tại Việt Nam, năm 2014, tỷ lệ người trưởng thành có ít nhất một khoản vay trong vòng 1 năm trở lại chiếm tới 46,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân có các khoản vay tại tổ chức tài chính chính thức chỉ là 18,45%.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn người dân vay vốn qua các hình thức khác, có thể là qua các cửa hiệu cầm đồ, tín dụng đen,...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của bà Hiền, điều này chủ yếu là do người dân có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng, người yếu thế, không đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng thương mại.

Theo đó, lúc này, kênh cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ phát huy được hiệu quả.

Theo Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ góp phần gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng của đại bộ phận người dân, đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ để từ đó người dân có thể sử dụng các dịch vụ tài chính với chất lượng tốt hơn.

Bên cạnh đó, sự phát triển của tài chính tiêu dùng được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính thức còn góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi nạn tín dụng đen, đẩy lùi rủi ro của người dân khi tiếp cận các khoản vay này.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chuyên gia cho rằng, các công ty tài chính tiêu dùng cần đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân trong nền kinh tế, tức là các sản phẩm phải đa dạng, hướng tới tất cả các đối tượng.

Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm phải hết sức thuận tiện, xóa bỏ các thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian cũng như công sức của các người sử dụng và cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, tính cạnh tranh trên thị trường cần phải được nâng cao để giảm thiểu chi phí cho các bên, từ đó, có thể tiến tới giảm lãi suất cho vay.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/cho-vay-tieu-dung-dang-trong-giai-doan-vang-3311584.html