Cho vay tiêu dùng: Dần bộc lộ điểm yếu và rủi ro

Hoạt động cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng nhưng thị trường này cũng đang đối mặt với không ít thách thức, rủi ro. Có cách nào để vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa có thể 'mở đường' cho vay tiêu dùng phát triển?

 Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, năm năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần. Ảnh minh họa Thành Hoa

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, năm năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần. Ảnh minh họa Thành Hoa

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo nhận định của Financial Times, lĩnh vực cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn tương đối “trẻ” trong khi hình thức cho vay này đã trở nên phổ biến tại nhiều nước châu Á. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực này với dân số trẻ (quy mô dân số đạt trên 92 triệu dân với 70% dân số đang trong độ tuổi 15-64) và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng (tốc độ tăng trưởng GDP trên 6%/năm).

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, năm năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, nếu như cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng nói chung khoảng 230.000 tỉ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỉ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Tính đến 31-12-2018, tổng tài sản của công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt 167.822 tỉ đồng, tăng 18,27% so với cuối năm trước; vốn điều lệ tăng 17,2% và vốn tự có tăng hơn 39,4%.

Thị trường cho vay tiêu dùng hiện có sự tham gia của các ngân hàng trong nước, nước ngoài và gần 20 công ty tài chính. Nếu như các khoản vay có giá trị cao do ngân hàng cung ứng thì các khoản vay có giá trị thấp hơn do các công ty tài chính khai thác.

Theo số liệu thống kê của Stoxplus, cuối năm 2017, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) dẫn đầu thị trường với gần 50% thị phần hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Tiếp theo sau là Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Vietnam (Home Credit) với 17% và Công ty Tài chính TNHH HDSaison (HDSaison) với 13%. Khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng là người có thu nhập từ thấp đến trung bình, không đủ năng lực tài chính để tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng thương mại.

Trong các năm gần đây, nhờ tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao, các công ty tài chính đã đóng góp những khoản lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng mẹ. Như trường hợp Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), năm 2018, FE Credit đã đóng góp 45% lợi nhuận cho ngân hàng mẹ.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 của ngân hàng hợp nhất được ghi nhận 9.199 tỉ đồng (tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85% kế hoạch cả năm), trong đó lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt 4.118 tỉ đồng (giảm 1,95% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 45% trên tổng lợi nhuận hợp nhất). Sau ba quí đầu năm tăng trưởng chậm, chỉ trong riêng quí 4-2018, FE Credit đã mở rộng cho vay thêm hơn 6.500 tỉ đồng, giúp dư nợ tín dụng của FE Credit đạt khoảng 53.270 tỉ đồng, tăng 18,9% cho cả năm 2018 - cao hơn mức tăng trưởng chung 17,35% của VPBank.

Ngoài VPBank, một ngân hàng khác là HDBank cũng có sự đóng góp lợi nhuận từ công ty tài chính tiêu dùng HDSaison. Lũy kế chín tháng đầu năm 2018, HDBank mẹ đạt 2.263 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó Công ty Tài chính HDSaison đóng góp khoảng 480 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ 21%.

Thách thức ngày một lớn

Tuy còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng nhưng hoạt động của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang ngày càng gặp nhiều thách thức.

Về các nhân tố chủ quan, thách thức đến từ công tác quản lý và xử lý nợ xấu (nổi lên là công tác nhân sự xử lý nợ) sau giai đoạn tăng trưởng nóng những năm gần đây.

Về các nguyên nhân khách quan, sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt với nhiều tên tuổi lớn tham gia thị trường. Đầu tháng 8-2018, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) chính thức triển khai dịch vụ bán hàng toàn diện, ra mắt gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Tháng 6-2018, Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit), tiền thân là Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC), cũng đã ra mắt với vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 604,9 tỉ đồng. Trước đó, chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, thị trường có thêm sự nhập cuộc của bốn công ty tài chính tiêu dùng gồm Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance), Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam (Lotte Finance), Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PT Finance) và Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam (Prudential Finance).

Cuối năm 2017, MBBank cũng đã ra mắt Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (thương hiệu Mcredit), đồng thời chuyển nhượng 49% vốn cổ phần của Mcredit cho Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, công ty con của ngân hàng Nhật Bản Shinsei Bank.

Ngoài những thách thức mang tính thị trường nêu trên, hoạt động của các công ty tài chính thời gian vừa qua còn vấp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng. Trong đó, nổi cộm là việc người tiêu dùng khiếu nại các công ty tài chính thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý; cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn...

Trước tình trạng trên, vào cuối năm ngoái, NHNN đã phải vào cuộc, ra văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung nhằm chấn chỉnh tình hình hoạt động của công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Ngoài ra, công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc tuân thủ quy định nội bộ, quy định của pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng cũng được tăng cường.

Nói tóm lại, dù vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng nhưng hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đang dần bộc lộ những điểm yếu và rủi ro. Chính điều này đang đòi hỏi chính bản thân các công ty tài chính cũng như cơ quan quản lý phải có các biện pháp chấn chỉnh cũng như rà soát lại chiến lược nhằm hướng đến việc phát triển bền vững trong tương lai.

Đăng Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286975/cho-vay-tieu-dung-dan-boc-lo-diem-yeu-va-rui-ro.html