'Cho vay ngang hàng' vào tầm ngắm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế, để lấy ý kiến các cơ quan liên quan, trước khi trình Chính phủ. Trong đó nhấn mạnh về mô hình cho vay ngang hàng P2P lending đang 'gây sốc' với cách thức vay đơn giản bằng cách tải app (ứng dụng) trên điện thoại.

Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực đang tăng cường quản lý hoạt động P2P lending (Trung Quốc, Singapore, Indonesia...), nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là Công ty P2P lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam. Các mô hình P2P lending được nhiều người nhắc đến trong thời gian qua là Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan…

Tuy nhiên, do khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P lending. Luật Đầu tư 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng không có quy định về hoạt động cho vay ngang hàng (trong danh mục các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh hay trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện). Như vậy có thể khẳng định chắc chắn các công ty P2P lending chưa được cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Song theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho vay ngang hàng đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, đến nay đã có khoảng 100 công ty P2P lending và khoảng 200 công ty Fintech, chủ yếu là các công ty có nguồn gốc từ nước ngoài. Do chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng thường đăng ký ngành nghề kinh doanh là kinh doanh dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện) tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự nhận là công ty P2P lending cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Theo khẳng định của Bộ kế hoạch và Đầu tư, một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của P2P lending này nhằm thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…); đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cho-vay-ngang-hang-vao-tam-ngam-546142.html