Cho vay ngang hàng nở rộ: Biến tướng và hệ lụy

Các công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) Trung Quốc, Singapore đang tìm cách tràn vào Việt Nam. Lợi dụng thực trạng thiếu quy định pháp lý, công ty này hoạt động tràn lan, tiềm ẩn rủi ro xảy ra biến tướng với nhiều hệ lụy. Trước rủi ro này, nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc hoàn thiện khung khổ pháp lý sớm.

Cty cho vay ngang hàng Tima thu hút hàng triệu người vay vốn. Ảnh Tima

Cty cho vay ngang hàng Tima thu hút hàng triệu người vay vốn. Ảnh Tima

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhiều mô hình kinh tế chia sẻ phát triển tại Việt Nam, tiểm ẩn rủi ro lớn. Mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) là một trong những mô hình kinh tế chia sẻ nở rộ tại Việt Nam thời gian qua.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường có khoảng 100 công ty P2P lending, tiêu biểu như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan. Trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia.

Với lời quảng cáo ngon ngọt như: Cho vay tiền mặt online trong 5 phút, xét duyệt khoản vay trong 5 phút với hệ thống thẩm định tự động, tiền chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng do người vay đăng ký. Các app cho vay tiền đang ngày càng nở rộ tại Việt Nam. Theo giới thiệu trên trang web của Tima - một công ty cho vay ngang hàng có tới 8,2 triệu đơn đăng ký vay tiền, hơn 6 triệu đơn vay được tư vấn và 4,8 triệu người đăng ký vay.

Trước đó, báo Tin Phong đã đưa tin về trường hợp của chị Lê Thị V (Thanh Hóa) tham gia vay của công ty và gặp phải rắc rối lớn. Cuối năm 2019, do thiếu tiền chữa bệnh, chị Lê Thị V (Thanh Hóa) vay 4 triệu đồng qua app Cash Wagon.

Sau khi đến thời hạn phải trả số tiền hơn 5,6 triệu đồng (bao gồm phí vay cho 1 tháng là 1,6 triệu đồng), chị V vẫn chưa trả được nợ, app thông báo cho chị V trả nợ hoặc gia hạn với mức phí mới là 1,76 triệu đồng. Sau 1 lần bên cho vay qua app gia hạn, chị V. mất khả năng thanh toán. Sau khi mất khả năng thanh toán, chị V liên tục được các app cho vay thúc giục và gây áp lực cũng như thông báo tăng mức phí...

Trong Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế, Bộ KH&ĐT đánh giá, dù mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, nhưng các công ty P2P lending có sự tăng trưởng mạnh về số lượng công ty tham gia thị trường. Số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và số phí dịch vụ thu được.

Theo Bộ KH&ĐT, do khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P lending.

Nguy cơ thất thoát thuế

Đánh giá về biến tướng của kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực P2P lending, ông Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cho vay ngang hàng là khoản vay trực tiếp giữa người cho vay và người vay thông qua kết nối trực tuyến và không cần qua trung gian tài chính. Khoản vay hầu hết không có tài sản bảo đảm.

Dù người vay gặp thuận lợi rất lớn như thời gian thực hiện thủ tục cho vay nhanh, tiếp cận vốn dễ nhưng P2P lending ở Việt Nam tồn tại nhiều rủi ro đối với cả các bên tham gia. Với người cho vay, họ có thể mất trắng tiền khi không có bảo hiểm, không pháp lý bảo vệ. Thông tin người vay giả mạo, người cho vay không kiểm soát được sau khi cho vay. Thậm chí, hacker tấn công sập sàn, đánh cắp hoặc làm mất dữ liệu.

Theo ông Hòe, biến tướng của hình thức kinh tế chia sẻ có thể thấy được ở các sàn cho vay “ma”, có yếu tố lừa đảo người cho vay. Nhiều công ty núp bóng P2P lending nhưng bản chất là gọi vốn từ cộng đồng trái pháp luật, khiến người góp vốn bị mất tiền và không được bảo vệ.

Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, đang tồn tại khoảng trống chính sách đối với các mô hình kinh tế chia sẻ.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cho-vay-ngang-hang-no-ro-bien-tuong-va-he-luy-1771965.tpo