Chợ trong phố

Chợ truyền thống trong lòng đô thị là nét riêng của Hà Nội, nơi chốn mưu sinh và đáp ứng những nhu câu thiết yêud của người dân. Đó còn là một dạng di sản của thành phố. Nhưng nếu không quản lý tốt, chợ trong lòng đô thị hiện đại cubgx sẽ là nơi phát sinh những vấn nạn nhức nhối.

Chợ Long Biên vừa thêm một lần nổi tiếng, với vụ việc nhóm bốc xếp của chợ, cầm đầu là Nguyễn Kim Hưng (Hưng “kính”) cưỡng ép các tiểu thương phải “nộp tiền” với mức cao gấp hàng chục lần quy định khi xe ô-tô ra vào bốc hàng. Sự việc kéo dài nhiều năm qua mà không ai phát hiện, tiểu thương cắn răng chịu đựng. Bên cạnh sự buông lỏng quản lý, sự quá tải cũng là một trong những nguyên nhân khiến đội bốc xếp chợ Long Biên “làm loạn”.

Chợ Long Biên là chợ đầu mối, nhiều nhất là các mặt hàng hoa quả. Tối đến, những chiếc xe tải cỡ lớn lầm lũi tiến đến, đậu thành hàng chờ đến lượt bốc hàng. Chợ tấp nập nhất là sau 24 giờ đêm. Là chợ đầu mối, nên cùng với những chuyến hàng được dỡ xuống, tấp nập các loại xe tải, xe máy thồ… cất hàng đi. Không gian có hạn, nhu cầu giao dịch lớn, quá tải là điều tất yếu. Chợ nằm ngoài đê, nhưng ngay cả khu vực trong đê, cũng bị chiếm dụng làm nơi giao dịch. Chợ ở đâu, rác ở đấy. Mùi xú uế ở chợ Long Biên là dễ hiểu. Vì rác ở đây nhiều nhất là hoa quả thối. Sáng ra, sau một phiên giao dịch, mới đi gần đến chợ, là đã thấy mùi rất đặc trưng. Nhiều người gọi chợ Long Biên là “chợ bịt mũi”.

Cách chợ Long Biên một quãng ngắn, vài trăm bước chân, là chợ Đồng Xuân. Nếu mặt tiền, là một khung cảnh khá khang trang, thì chỉ đi vòng ra sau chợ, nơi có chợ Bắc Qua, ngay lập tức hiện lên khung cảnh hỗn tạp, nhếch nhác của hàng vào, hàng ra, và rác thải. Chợ Đồng Xuân được “định vị” như một điểm du lịch của Hà Nội. Song thực ra, ít ai dám “khám phá”. Người ta thường chỉ đến chụp ảnh bên ngoài rồi ra về. Các chủ hàng không có nhu cầu tiếp khách du lịch. Sờ vào hàng, mua ít, bị mắng như chơi. Người ta quen bán buôn. Chợ Đồng Xuân cũng là chợ đầu mối, phân phối hàng cho Hà Nội nói riêng, nhiều tỉnh phía bắc nói chung.

Chợ truyền thống trong lòng đô thị được xem là nét riêng của Hà Nội. Nhưng không phải chợ nào cũng phù hợp. Vệ sinh, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của chợ truyền thống luôn là vấn đề nan giải. Nét văn hóa của chợ truyền thống là yếu tố tương tác, giao lưu. Nhưng phần lớn các khu chợ truyền thống lâu ngày lụp xụp, nhếch nhác, bất đắc dĩ người ta mới phải đặt chân vào. Sự lộn xộn được nhân lên, nếu đó là chợ đầu mối. Với tình trạng quá tải về dân cư, mật độ giao thông hiện nay, chợ đầu mối nằm ở trung tâm nội đô, tựa như chất thêm một kiện hàng ngoại cỡ, lên lưng một con ngựa già.

Chính quyền TP Hà Nội từng muốn dời chợ đầu mối ra khỏi nội đô, nhất là khu vực bốn quận nội thành cũ bằng xây dựng một số chợ đầu mối mới. Nổi tiếng nhất là chợ Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh). Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Bộ Công thương ban hành năm 2015, chợ Long Biên sẽ không còn là chợ đầu mối, chỉ đóng vai trò kinh doanh bán lẻ cho các hộ gia đình. Người ta đã khấp khởi mừng thầm, vì xóa bỏ được một khu chợ lộn xộn. Nhưng rồi, chợ đầu mối mới thì thất bại, chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân vẫn cứ ùn ùn xe cộ ra vào chất hàng. Những vấn nạn vẫn còn nguyên nhức nhối.

Hà Nội đang dần chuyển các bến xe ra khỏi khu vực đường vành đai 3. Và thành phố tiến hành khá quyết liệt, bài bản. Điều đó là cần thiết, để tránh tình trạng xe liên tỉnh vào nội đô, rồi bắt khách, gây cản trở giao thông. Chợ đầu mối, cũng cần biện pháp tương tự. Nhóm bảo kê ở chợ Long Biên bị xử lý. Nhưng nhiều vấn nạn khác, vẫn còn nguyên, nếu không thay đổi tư duy. Thậm chí, nếu không di dời đến khu vực có hạ tầng tốt hơn, quản lý tốt hơn, việc những nhóm bảo kê mới sẽ xuất hiện, không phải là chuyện lạ.

TUỆ MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/38814102-cho-trong-pho.html