Cho trẻ ăn dặm đúng cách

Ăn dặm là giai đoạn rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Nếu không chú ý những khuyến cáo khoa học, phụ huynh có thể vô tình làm cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ bị 'tụt hậu'.

Trẻ ăn dặm không đúng cách có thể dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe, thể chất, trí não như: Trẻ thường xuyên bị bệnh vì sức đề kháng quá yếu kém do nhu cầu dinh dưỡng cơ bản không được đáp ứng; trẻ dễ bị suy dinh dưỡng vì thiếu hụt những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể… và sự kém phát triển về thể chất lẫn trí não sẽ khiến trẻ rất khó bắt nhịp với cuộc sống cùng các bạn đồng trang lứa.

Ăn dặm là giai đoạn rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ

Sau đây là một số chia sẻ của ThS.BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) về cách cho trẻ ăn dặm đúng theo khuyến cáo khoa học:

Thời điểm quyết định cho trẻ ăn dặm

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sẽ được tập cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Vì lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thu những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ. Và vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ.

Từ tháng thứ 6 trở đi, sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450 kcal/ngày trong khi đó trẻ cần tới 700 kcal/ngày cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản và sự phát triển của cơ thể.

Nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ không có lợi cho trẻ. Vì hệ tiêu hóa của trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ chấp nhận và thích hợp với việc tiêu hóa các thức ăn lỏng như sữa mẹ. Ngược lại, nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn sau 6 tháng tuổi, trẻ thường bị thiếu dinh dưỡng, làm cho trẻ chậm lớn và dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng vì hệ miễn dịch của trẻ quá yếu kém.

Nguyên tắc cơ bản khi tập cho trẻ ăn dặm

Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics), việc cho trẻ ăn dặm cần chú ý những nguyên tắc sau:

Cho trẻ tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc giống với sữa công thức để trẻ quen dần với “những thức ăn mới lạ”, giúp trẻ dần thích nghi với việc ăn dặm và việc ăn uống của trẻ trở nên dễ dàng hơn.

Nguyên tắc “ngọt - mặn”, thường thì bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi tập cho trẻ ăn dặm vì mùi vị “tương tự” với sữa mẹ. Trẻ được cho ăn dặm bằng bột ngọt trước rồi sẽ dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.

Nguyên tắc “ít - nhiều” để luyện tập cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với số lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần. Cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1 - 2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng dần lên 1/3 chén, rồi nửa chén…

Nguyên tắc “loãng - đặc”: Đây là nguyên tắc giúp trẻ không bị “phản ứng” khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể bắt nhịp kịp với quá trình tiêu hóa những thức ăn phức tạp hơn.

Nguyên tắc “tô màu chén bột” nghĩa là bột ăn dặm của trẻ cũng đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp trẻ phát triển tốt. Nhóm bột đường bao gồm gạo, bột mỳ, bánh mỳ, bún, phở, ngô, khoai… Nhóm đạm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu/đỗ khác… Nhóm chất béo bao gồm dầu, mỡ, bơ, pho mát và các loại hạt có dầu. Nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm rau củ và các loại trái cây tươi. Đối với trẻ nhỏ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người mẹ không nên cho thêm mắm, muối vào thức ăn của trẻ, vì thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi nêm mắm, muối vào thức ăn sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá sức, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

Nguyên tắc “không ép trẻ ăn” khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm. Cha mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5 - 7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.

Một số cột mốc cần chú ý khi thực hiện cho trẻ ăn dặm

Giai đoạn ăn bột: Bắt đầu từ lúc 6 tháng tuổi trở đi.

Giai đoạn ăn cháo: Khi trẻ được 9 - 10 tháng tuổi. Không nên chỉ hầm xương lấy nước nấu cháo, vì nước ngọt của xương hoàn toàn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà trẻ cần ăn cả xác thịt, cá, rau củ.

Giai đoạn ăn cơm: Khi trẻ đã có đủ răng (tổng cộng 20 cái), trẻ mới có thể nhai cơm thật kỹ. Cha mẹ nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn. Tập cho trẻ ăn các loại rau, củ bằng cách nấu canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp (nấu với cà rốt, khoai tây, súp-lơ, su hào), nên chú ý cắt ngắn rau cho trẻ dễ nhai, để trẻ không bị hóc cọng rau.

Mai Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cho-tre-an-dam-dung-cach-519294.html