Cho tò he bay xa

Hơn 60 năm qua, ông đã dành nhiều nhiệt huyết và tình yêu cho những con tò he, để chúng bay cao, bay xa tới khắp mọi miền Tổ quốc, được bạn bè bốn phương biết đến. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công, làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

Nghệ nhân Chu Tiến Công (bên trái) nặn tò he tại một lễ hội làng nghề truyền thống.

Tính từ thời điểm tò he xuất hiện ở làng Xuân La thì đến nay cũng trên dưới 300 năm. Ông Công tâm sự: Thời bao cấp, nghề làm tò he hết sức chật vật vì đến gạo chả có mà ăn thì lấy đâu bột nếp để làm. Lúc ấy, chỉ có lác đác vài ba hộ kiên trì làm tò he theo lối cầm chừng rồi gánh đi bán rong ở một số điểm phiên chợ quê hay những nơi diễn ra lễ hội trong vùng.

Về cái tên tò he, ông Công giải thích rằng, ngày xưa tò he được gọi là bánh chim cò, do được làm bằng gạo nếp nên có thể ăn được, lại toàn nặn hình chim cò nên về sau đã hình thành nên tên gọi ấy. Có một giai đoạn, trẻ con gắn cái còi vào mỗi chiếc bánh chim cò, khi thổi lên phát ra những tiếng “tò te tí te” nghe vui tai, về sau đọc chệch đi là tò he. Cái tên tò he sang trọng ra đời nhằm thay thế cho tên bánh chim cò có chút cục mịch. Nói về ông đoạn phối màu, ông bảo rằng phối màu tò he là khâu tối quan trọng đối với mỗi người nặn, nhiều màu không nói được thành tên, chỉ có người nghệ nhân mới cảm nhận được.

Những tưởng sau thời kì đổi mới, làng nghề nặn tò he sẽ có bước phát triển khi nguyên liệu làm tò he đã sẵn hơn xưa, ai dè lại vẫn gặp cảnh khó khăn. Bởi thời điểm đó, sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho một số phối màu từ tự nhiện bỗng trở nên khan hiếm, trong khi đó lớp trẻ lại có xu hướng chọn nhiều nghề có thu nhập cao để làm giàu, bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp khiến các món đồ chơi dân gian, trong đó có tò he dần thu hẹp “đất sống”.

Ông Công không ngăn cấm các con nhưng bao giờ cũng động viên các con giữ nghề nặn tò he như một nghề phụ để giữ nghề truyền thống, làm giàu thêm vốn văn hóa quê hương. Dưới sự dìu dắt của ông, các con, cháu thậm chí là nhiều lứa tuổi trong làng ai cũng nặn tò he điêu luyện. Những lúc rỗi rãi, lũ trẻ trong thôn lại xúm xuýt xem ông nặn tò.

Ông trải lòng: Bây giờ, mỗi con tò he cũng bán được từ 7.000 đến 10.000 đồng, hội lớn bán được mấy trăm nghìn đồng, hội nhỏ vừa đủ tiền rau dưa, nhưng tôi vẫn dắt xe đi, vẫn thúng bột gạo, bởi nặn tò hè không chỉ là quan niệm giữ nghề truyền thống mà quan trọng để cho các cháu nhỏ biết được ông cha chúng ta ngày xưa đã chơi gì, sống như thế nào, để thông qua đó mà giáo dục thêm cho trẻ nhỏ lòng tự hào về truyền thống văn hóa yêu nước.

Tuổi đã cao, mắt đã mờ, cho đến tận bây giờ ông Công không nhớ mình đã dạy nghề cho bao nhiêu người, ông nói: “Những người ở Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, đều được tôi chỉ cho cách làm tò he, người nào nhanh tay, tinh mắt chỉ 3 tháng là thành thạo, 5 tháng là điêu luyện nhưng thời gian quá lâu tôi cũng không còn nhớ nổi tên tuổi họ nữa”.

Hiện tại, cứ vào ngày chủ nhật là ông lại mang “đồ nghề” ra Trường Mầm non Xuân La để dạy nghề miễn phí cho trẻ em trong làng. Ông nói, thấy lũ trẻ mê mẩn nặn, giũa, ghép là tôi thấy vui vô cùng. Các cháu bây giờ tuy chưa hiểu được hết ý nghĩa làng nghề nhưng các cháu sẽ là những “hạt giống ưu tú” để lưu giữ làng nghề trong tương lai.

Để trao truyền và gìn giữ làng nghề, năm 2009, ông Công đã đi đến ý tưởng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Làng nghề tò he Xuân La. Ban đầu, CLB thu hút được hơn 50 hội viên, hiện nay số lượng cũng lên tới 120 hội viên, trong đó có già nửa là hội viên dưới 30 tuổi. Cá nhân ông được mọi người tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch CLB, chịu trách nhiệm tiếp đón các đoàn khách nước ngoài và trình diễn, giới thiệu với họ về nghệ thuật tò he. Hằng tháng, CLB sinh hoạt 4 đến 5 lần, trao đổi nghiệp vụ, nâng cao tay nghề và không ngừng kết nạp hội viên…

Minh Phúc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-tri/cho-to-he-bay-xa-tintuc409476