Chở tiền đến tận bản làng vùng cao giúp bà con vay vốn

Với mô hình phòng giao dịch di động, các bản làng vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam đã đỡ vất vả hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Các bản làng vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam ngày nắng cũng như ngày mưa, việc đi lại hết sức khó khăn. Trước đây, để vay được vốn từ ngân hàng Nông nghiệp, người dân phải dậy thật sớm, băng rừng lội suối đến điểm giao dịch nhưng cũng có khi phải về tay không vì quá đông khách.

Vài năm lại đây, được sự hỗ trợ của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (Agribank Quảng Nam) triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng tại xã Ba, huyện Đông Giang, mọi giao dịch đều diễn ra trên xe, ngay tại bản làng mình, bà con hết sức phấn khởi.

Khách hàng được giải quyết cho vay ngay tại xe.

Khách hàng được giải quyết cho vay ngay tại xe.

Bản Gadoong, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nằm lọt thỏm giữa bốn bề sông núi. Đây là nơi cư trú của các hộ đồng bào Cơ Tu nghèo. Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy. Những năm gần đây, nhờ đồng vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bà con chuyển sang trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại, thoát khỏi cái nghèo.

Chị Nguyễn Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ vay vốn ở bản Gadoong cho biết, ngày trước đồng bào đâu biết vay vốn là gì. Có người vay tiền về nhét trong ống tre, đến hạn thì lấy ra trả. Còn việc làm thủ tục vay vốn, bà con hầu như giao toàn bộ cho Tổ trưởng. Khổ nhất là lúc đi thu nợ, có người vay tiền buổi sáng, buổi chiều chồng lấy đi uống rượu say khướt. Vậy là không có tiền trả ngân hàng, hẹn hết ngày này sang tháng khác. Khi gom được đồng vốn, bản thân chị phải băng rừng đến điểm giao dịch nộp thay cho bà con.

Chị Nguyễn Thị Lệ bày tỏ, từ ngày có chuyến xe lưu động, chị đỡ phải vất vả: "Ở trong núi mà có xe lưu động vào đến nơi là tôi thấy mừng rồi. Không phải đi từ trong bản ra đến điểm giao dịch. Tổ trưởng như tôi cũng đỡ, tiết kiệm được thời gian. Ở trên núi mà có xe vào đến tận nơi em thấy quá tiện cho người đồng bào như chúng tôi, dễ dàng vay nữa".

Xã Ba nằm cách trung tâm huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam gần 60 km. Mấy năm trước, tại đây thành lập 1 Phòng Giao dịch với 5 cán bộ, nhân viên phụ trách địa bàn 4 xã gồm: Xã Ba, xã Tư, Sông Kôn và Zơ Ngây. Do địa bàn đi lại khó khăn nên cán bộ tín dụng không thể đến hết các điểm bản mà chủ yếu giao dịch tại 1 điểm cố định.

Bà Nguyễn Thị Tịch ở thôn Ban Mai, xã Ba vay vốn đầu tư kinh tế vườn hiệu quả.

Cuối tháng 11 năm ngoái, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp nhận 1 ô tô chuyên dùng với đầy đủ máy móc hỗ trợ việc cho vay vốn, thu nợ. Xe chở tiền đi đến đâu, bà con được vay đến đó. Trung bình mỗi ngày, chuyến xe lưu động giải quyết cho hơn 100 hộ dân vay vốn, số tiền giải ngân tại chỗ có khi hơn 500 triệu đồng.

Mỗi tháng, xe lưu động với 3 cán bộ, nhân viên đã thực hiện 12 phiên giao dịch lưu động. Những nơi xe không thể đến được thì có Tổ trưởng vay vốn “gom” khách hàng lại 1 điểm vay vốn hoặc thu tiền lãi khách hàng đến nộp ngay tại xe.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 2, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Khách hàng có thể sắp xếp được thời gian vì họ đi làm cả ngày không thể bỏ việc để lên ngân hàng giao dịch được. Cho nên họ có thể giao dịch ngoài giờ hành chính. Vì là điểm giao dịch nên công nghệ không như ở phòng giao dịch, giảm được áp lực cho điểm giao dịch lưu động, khách hàng không phải tới đợi nhiều".

Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Ngân hàng Agribank Quảng Nam nhằm mở rộng mạng lưới tín dụng tại các vùng xa xôi, hẻo lánh; giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn cho khách hàng, ngăn ngừa tín dụng đen.

Vốn vay ngân hàng giúp người dân mạnh dạn đầu tư trồng keo, thu nhập cả trăm triệu đồng.

Ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, do địa hình núi cao, từ bản này đến bản kia mất cả buổi đường nên việc triển khai các điểm vay vốn bằng xe lưu động gặp nhiều khó khăn. Việc chở số lượng tiền lớn đến các bản làng xa xôi hẻo lánh cũng không an toàn về an ninh.

Cũng theo ông Lê Văn Nguyên, việc giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trước mắt là giảm được số lượng cán bộ, nhân viên; Cán bộ được bố trí luân phiên tham gia Tổ giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng xuống địa bàn, giúp bà con tiếp cận vốn nhanh hơn.

"Ví dụ trước đây Phòng giao dịch phải có 5 cán bộ, viên chức, phải bố trí đủ mới được hoạt động. Nhưng hiện nay chỉ có 2 đến 3 cán bộ thì đảm bảo cho 1 phiên giao dịch, tiết giảm được 2 người rồi. Đối với khách hàng mà cách điểm giao dịch đến 60 cây số thì họ tiết kiệm được chi phí và chủ động thời gian giao dịch với ngân hàng" - ông Nguyên chia sẻ./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cho-tien-den-tan-ban-lang-vung-cao-giup-ba-con-vay-von-916891.vov