Chờ… tháng 4

Dù Chính phủ Pháp vẫn chưa cho biết cụ thể ngày mở cửa trở lại các cơ sở văn hóa, nhưng ban quản lý một số lâu đài, di sản kiến trúc đã thông báo trên mạng sẵn sàng đón khách tham quan, từ đầu tháng 4-2021.

Lâu đài Vaux le Vicomte vắng bóng khách tham quan

Lâu đài Vaux le Vicomte vắng bóng khách tham quan

Được xây dựng vào giữa thế kỷ 17, lâu đài Vaux le Vicomte nổi tiếng nhờ lối kiến trúc baroque khá độc đáo theo nhãn quan của Louis Le Vau, lối thiết kế phong cảnh ngoạn mục của André Le Nôtre và các bức bích họa khổng lồ trang trí nội thất, trần nhà của Charles Le Brun. Trong năm 2020, lâu đài này mất khoảng 200.000 lượt khách tham quan sau 2 đợt phong tỏa, tương đương với 60% số khách thường niên (310.000 người), trong khi chi phí bảo tồn quần thể lâu đài và công viên xấp xỉ 1 triệu EUR/năm.

Theo bà Laure Bommelaer, chủ lâu đài Château de la Bussìere ở vùng sông Loire, tính trung bình doanh thu của ngành này đã giảm hơn 50% trong năm 2020, trong khi các lâu đài cũng không được phép đón khách vào kỳ nghỉ mùa đông tháng 2-2021. Do vậy, nhiều cơ sở văn hóa tư nhân có nguy cơ phá sản, nếu họ phải tiếp tục đóng cửa nhân kỳ nghỉ học vào mùa xuân năm nay.

Xung quanh các địa điểm tham quan này, cả một ngành dịch vụ gồm quán ăn, khách sạn, phòng trọ cũng tê liệt từ cuối tháng 10-2020 tới nay. Vì thế, giới nhân viên trong ngành hy vọng sẽ không mất thêm cơ hội gỡ gạc doanh thu. Các ban quản lý đang tập trung vào việc phát triển tour tham quan ngoài trời, nhất là vườn hoa và vườn rau, để dễ kiểm soát và dễ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hơn là không gian bên trong lâu đài.

Ông Lancelot Guyot, chủ lâu đài La Ferté Saint-Aubin, cho biết dù tiếp khách hay phải đóng cửa, quần thể lâu đài vẫn phải được bảo tồn trùng tu. Chỉ riêng chi phí duy trì cơ sở tiếp khách thường nhật đã hơn 20.000 EUR/năm. Nếu không được mở cửa trở lại vào đầu tháng 4-2021, đó sẽ là một thảm họa kinh tế.

Theo ông Charles-Antoine de Vibraye, chủ lâu đài Cheverny, ban giám đốc đã tranh thủ thời kỳ vắng khách để thiết kế lại toàn bộ phong cảnh, bồn nước trong các công viên lớn. Lâu đài Cheverny là nguyên mẫu lâu đài Moulinsart trong truyện tranh về nhân vật phóng viên Tintin của danh họa Hergé. Xung quanh lâu đài là nhiều góc vườn theo chuyên đề, như Jardin de l’Amour dành cho các đôi tình nhân đi dạo chụp ảnh; Jardin des Apprentis dành cho trẻ em thích khám phá; Jardin Potager dành cho người thích làm vườn, trồng thêm nhiều loại cỏ thơm, rau sạch. Ban quản lý đã lên kế hoạch gieo trồng 250.000 củ hoa tulip trải rộng trên 3 không gian khác nhau. Các góc vườn được kết nối bằng một tấm thảm hoa tulip khổng lồ, dài đến 250m, rộng hơn 12m, đầy đủ màu sắc...

Để bù đắp thất thu do phải đóng cửa, tuần báo Capital cho biết một số lâu đài chuyển qua khai thác nhiều dịch vụ khác. Thay vì cho mướn cơ sở tổ chức đám cưới, sinh nhật hay lễ tân, các lâu đài giờ đây được sử dụng để tiếp đón các đoàn làm phim của Pháp hoặc từ các nước châu Âu láng giềng. Theo bà Gael du Halgouet, chủ lâu đài Château des Grotteaux, gần thành phố Blois, vùng Loir et Cher, với một đoàn quay phim làm việc tại chỗ trong vòng 6 ngày, lâu đài thu về tiền cho thuê tương đương với 1 tháng tiếp khách bình thường. Đây là một nguồn thu nhập đáng kể, nhưng không phải lâu đài nào cũng thu hút được các ê kíp quay phim điện ảnh hay truyền hình, nhất là dòng phim lịch sử cổ trang.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cho-thang-4-721453.html