Chớ than phận khó ai ơi!

Bão số 4 (Noru) giật cấp 17 đổ bộ, vùng duyên hải miền Trung lại oằn mình.

Không ít thì nhiều, không mạnh thì yếu, năm nào bão cũng về, kèm theo bão là mưa lũ, lở núi. Thiên tai dù không được chào mời nhưng vẫn cứ đều đặn ghé thăm như một cuộc hò hẹn đau thương. Từ dùng phổ biến là "cơn bão", còn người miền Trung trước nay quen gọi là "cây bão" - xem bão như cây roi cuồng điên quật xuống đất này. Càng bị đòn đau, miền Trung càng kiên cường chịu đựng, chung sống và vươn lên. Chồng chất lên vai họ bao đời qua đâu chỉ có thiên tai, mà còn là những mối đe dọa, khó khăn lớn hơn nhiều, nhưng chưa bao giờ họ bị khuất phục.

Với bão giông, dù mất mát tang thương đã nhiều, song người miền Trung vẫn vượt qua, vượt qua một cách nhẹ nhàng, như Tế Hanh - nhà thơ nổi tiếng sinh ra ở Quảng Ngãi, từng diễn tả trong bài "Bão", viết năm 1957: "Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em/ Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã/ Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi"... Một trận cuồng phong khủng khiếp, đến mức làm xô lệch cả không gian (nghiêng đêm), khiến mọi thứ nghiêng ngả, nhưng chỉ có con người không hề bị ngã. Là vì sao? Là vì nhờ tình người gắn nối (nắm tay nhau), là bởi lòng tương ái tương thân. Cách mượn tình cảm đôi lứa để thi vị hóa câu chuyện của tác giả không chỉ khiến bài thơ thêm giàu hình ảnh lạc quan mà qua đó còn gửi gắm thông điệp về sức mạnh tinh thần: Bằng tình thương yêu, con người có thể khắc chế thiên nhiên hung tợn.

Nhìn rộng ra, sự gắn kết và yêu thương đó cũng chính là lối sống nghĩa tình của người dân mọi miền Tổ quốc ta. Tinh thần kiên cường, lạc quan của người miền Trung và tấm lòng nhân ái, đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi của đồng bào cả nước đã trở thành sức mạnh mềm, tiếp thêm cho vùng đất "sáng chống bão giông, chiều ngăn nắng lửa" này nghị lực và nguồn lực để trụ vững và phát triển. Nếu siêu bão Noru gây hậu quả nặng nề, chắc chắn khúc ruột miền Trung sẽ không bao giờ đơn độc!

Nghĩ về tinh thần vượt khó và nghĩa đồng bào để tôn vinh một lẽ sống, và qua đó cũng nhằm nhắc nhau về công tác ứng phó, cảnh giác cao độ với trận bão cực mạnh này.

Chớ quên: Tháng 9-2006, Đà Nẵng và Quảng Nam hứng bão số 6 (Xangsane), chết 72 người, bị thương 532 người, mất tích 4 người. Tháng 10-2009, bão số 9 (Ketsana) quét qua Quảng Nam và Quảng Ngãi, chết 179 người, bị thương 1.140 người, mất tích 8 người. Tháng 11-2017, bão số 12 (Damrey) đổ vào Nam Trung Bộ, chết 107 người, 16 người mất tích, 342 người bị thương… Trước mỗi cơn bão, các khâu dự báo, phòng chống, sơ tán được triển khai khá tốt, thế mà hậu quả về nhân mạng lẫn vật chất đều nặng nề như vậy, thì với Noru, không thể chủ quan được! Không chỉ là ứng phó với bão mà vấn đề không kém phần quan trọng là phòng chống thiên tai sau bão (mưa lũ, ngập lụt, sạt lở). Do vậy, ngay cả khi bão tố đi qua, mối quan tâm chưa thể dừng lại.

Một mùa mưa bão lại đến, vẫn mong người miền Trung vững chí bền gan, như câu ca đã trở thành thương hiệu vượt khó của xứ này: Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…

Dương Quang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/cho-than-phan-kho-ai-oi-20220927221444455.htm