Chợ Tết truyền thống trong dòng chảy hiện đại

Sự nở rộ của các trung tâm thương mại, siêu thị lớn nhỏ tại các tỉnh thành trên cả nước có khiến chợ truyền thống nép vế hơn? Liệu những dấu ấn thương mại đậm nét văn hóa của người Việt vào dịp Tết có bị mai một trong tương lai?

Những ngày cuối năm, khi phong vị Tết cũng là lúc nhà nhà xốn xang, náo nức để chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất, đầy niềm vui. Tết với người Việt ngày nay đã hiện đại hơn nhiều nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị của một lễ hội văn hóa với những thông điệp gắn liền với sự đoàn tụ, sự khởi đầu, điều may mắn,…

Trong âm hưởng ấy, người ta nhắc nhiều đến các phiên chợ. Chợ Tết: Trước – trong - sau Tết, với những nét đặc trưng văn hóa riêng của mỗi vùng miền. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn của nhiều người Việt về sự tồn tại của những phiên chợ truyền thống như vậy không khi nào nguôi. Liệu chợ truyền thống có còn “sống sót” giữa bối cảnh nhà nhà người người ưa chuộng siêu thị rộng lớn?

Chợ hoa ngày Tết: Vẫn đậm đà sắc xuân

Chợ hoa là một trong những nét đặc trưng của những ngày cận Tết. Nửa cuối tháng Chạp hằng năm, người dân thường đổ xô về các khu chợ với hàng ngàn bông hoa đang nở rộ sắc màu. Trong ấn tượng của những người dân miền Bắc, dưới cái lạnh buốt kèm mưa phùn đặc trưng, việc đi sắm cho gia đình mình cành đào phai, đào bích hay mua vài bó cúc, bó hồng để trang trí cho căn nhà mình luôn mang đến niềm vui, sự hứng khởi dâng trào.

 Những phiên chợ hoa ngày Tết luôn tấp nập người mua kẻ bán – Địa điểm được yêu thích nhất dịp Tết đến xuân về.

Những phiên chợ hoa ngày Tết luôn tấp nập người mua kẻ bán – Địa điểm được yêu thích nhất dịp Tết đến xuân về.

Chợ hoa Quảng Bá, chợ Bưởi (đường Hoàng Hoa Thám), chợ hoa hàng Lược, chợ hoa Mê Linh, chợ hoa Tây Tựu,… những ngày giáp Tết luôn chật kín người từ rạng sáng đến đêm. Không khí lúc nào cũng tấp nập, đông đúc. Người trẻ thì mang về những bó hoa tươi nhiều màu sắc, người trung niên, người già thì mang về cả cành đào to, cả chậu quất xum xuê quả,… Các em nhỏ cũng theo bố mẹ ông bà đi chợ, chọn cho mình một vài cây quất, cành đào mini hoặc chậu cây nhỏ xinh về trang trí trong căn phòng riêng.

Với quan niệm những bông hoa nở rộ mùa xuân luôn mang đến cho mỗi gia đình sự tươi vui, ấm áp và may mắn, các chợ hoa ngày Tết cứ mỗi ngày một đông đúc hơn. Sự mở rộng của các siêu thị, trung tâm thương mại lớn không thể nào chiếm được ưu thế với những chợ hoa dịp Tết về.

Sẽ ít người chọn dịch vụ đặt mua hoa trên mạng rồi nhận ship tận nhà. Vâng, rất ít người mua hoa theo cách ấy! Dù có bận rộn đến mấy, mọi người đều muốn ra tận chợ để mua cho mình một vài bó hoa dịp Tết – để thưởng hoa – và để hoa chung vào không khí Tết.

Chợ hoa Tết từ Bắc tới Nam, những con đường tràn ngập sắc vàng, đỏ những ngày cuối tháng Chạp vẫn luôn được người Việt ưu ái tới lui. Ngắm nhìn khung cảnh ngày Tết lâu hơn tại những phố chợ như vậy sẽ giúp bất cứ ai cũng vững niềm tin rằng: Chợ hoa sẽ mãi “sống khỏe” giữa sự thay da đổi thịt của nền thương mại 4.0.

Những phiên chợ có 1-0-2 ngày xuân: Sức hấp dẫn vẫn còn đó

Ngoài chợ hoa, Tết đến xuân về cũng là dịp để nhiều người dân Việt được tham dự những phiên chợ độc đáo khác ở nhiều địa phương khác nhau. Trong đó, chợ Viềng Nam Định diễn ra duy nhất một lần trong năm vẫn được coi là phiên chợ giữ được nét riêng giữa dòng chảy hiện đại.

Chợ Viềng Nam Định là điểm đến được yêu thích dịp đầu năm nhưng đang có những dấu hiệu “quá tải”.

Thời gian diễn ra chợ Viềng cũng rất đặc biệt. Chỉ một ngày duy nhất từ tối ngày mùng 7 âm lịch đến sáng ngày 8 âm lịch nên sự độc đáo này càng thu hút người dân tham gia hơn bao giờ hết. Chợ Viềng là phiên chợ cầu may cho những người mua bán. Du khách từ khắp nơi đổ về đây để cầu bình an, thuận buồm xuôi gió cho công việc kinh doanh của năm mới. Vì thế, khi đến đây, dù mua bất cứ sản phẩm gì, người bán cũng không nói thách quá cao mà người mua cũng không nặng nề chuyện mặc cả. Phương châm “thuận mua vừa bán” được đề cao ở phiên chợ này, lời lãi không còn là chuyện quan trọng nữa.

Lượng người đổ về chợ Viềng hằng năm cứ ngày một gia tăng. Người người chen chúc, nhích từng bước chân để tham gia phiên chợ truyền thống này, thậm chí có nhiều người còn ngất xỉu vì mất hết sức lực. Một số vấn nạn khác còn tồn đọng ở phiên chợ này như chi phí gửi xe quá cao, hiện tượng chặt chém, ùn tắc kinh hoàng trong nhiều giờ liền,… chính là những yếu tố khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về phiên chợ truyền thống này.

Chợ Tết truyền thống vẫn còn nguyên giá trị

Chúng ta đang nhìn thấy sự lung lay của những phiên chợ đơn thuần giữa lòng Hà Nội hay nhiều tỉnh thành khác khi hệ thống các siêu thị lên ngôi. Mọi thứ đều có sẵn ở siêu thị, đi sắm Tết là đi siêu thị chứ không phải ra chợ nữa. Quan niệm của người dân Việt Nam về chợ Tết đang ngày một đổi thay.

Những phiên chợ Tết rộng ràng gắn với nhiều chính sách mua hàng hấp dẫn tại các sàn thương mại điện tử cũng là xu thế trong một vài năm trở lại đây. Sức mạnh của truyền thông, công nghệ 4.0 đã mang đến những hệ quả tất yếu như vậy. Người thức thời sẽ đứng vững trước những thay đổi này, người chưa cập nhật xu thế sẽ cảm thấy tiếc nuối đến nao lòng.

Các khu chợ cổ truyền dịp Tết không quá đông đúc như xưa nhưng vẫn còn nguyên những màu sắc văn hóa vốn có.

Chợ truyền thống dù là chợ cóc, chợ lớn giữa các xã phường, tỉnh lị,… sẽ vẫn còn đó. Nơi ấy là chốn tới lui của những bà nội trợ với những nhu cầu về rau củ, gia vị, thịt thà, mắm muối,… Nơi ấy cũng là địa điểm mua bán ưa thích cũng những người đã lớn tuổi, những người mang trong mình màu kí ức xưa vô cùng đậm nét. Chợ Tết truyền thống bây giờ đã kém nhộn nhịp hơn xưa nhưng vẫn được các bà các mẹ lựa chọn cho việc sắm sửa đầy đủ thực phẩm cho những ngày Tết.

Có thể nhận thấy rằng, các khu chợ ở Việt Nam đang có những thay đổi theo hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên, ngay cả ở trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu của cả nước như Hà Nội, những phiên chợ truyền thống, đặc biệt là những con đường chợ hoa vẫn vẹn nguyên giá trị. Sự trường tồn của những phiên chợ này không chỉ cung cấp cho chúng ta những nhu yếu phẩm ngày Tết mà còn lưu giữ màu sắc văn hóa ngàn năm của người Việt.

Lăng Lê

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cho-tet-truyen-thong-trong-dong-chay-hien-dai-lieu-co-tan-phai-d168688.html