'Chờ tao với, cho tao đi nhờ xe với cô giáo ơi'

Hôm sau đến trường có tôi trao đổi với các đồng nghiệp thì mới vỡ lẽ cách xưng hô mày tao là tiếng của người dân tộc ở vùng này, chỉ có 2 ngôi xưng mày, tao.

“Nhớ lại thời gian đầu mới lên nhận công tác, hàng ngày tôi đi xe máy đến điểm trường và cũng tiện đường học sinh đi học nên hôm nào gặp các em tôi cũng cho đi nhờ xe, khi đi học về cũng vậy.

Hôm đó sau khi tan học, vừa ra khỏi trường được một đoạn khi đang lên dốc thì bất ngờ một em học sinh chui ra từ bụi cây ven đường, em đó giơ tay vẫy tôi và nói: “Chờ tao với, cho tao đi xe với”, tôi hoàn toàn bất ngờ và có cảm giác hơi bực vì nghĩ học sinh không tôn trọng mình.

Tôi hỏi sao em lại xưng là tao với cô? Em đó nghe nhưng không nói gì, chỉ đỏ mặt rồi cúi xuống, sau đó tôi đưa em về tận nhà và không quên dặn em từ lần sau không được nói mày tao với thầy cô.

Hôm sau đến trường tôi có trao đổi với các đồng nghiệp lâu năm thì mới vỡ lẽ cách xưng hô mày tao là tiếng của người dân tộc ở vùng này, ngôn ngữ của họ giống như tiếng Anh, chỉ có 2 ngôi xưng mày, tao thôi chứ không phải là các em học sinh vô lễ với thầy cô”.

Cô Nguyễn Thị Thanh - Giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Thanh - Giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Nguyễn Thị Thanh - Giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hôm đầu tiên đi dạy học, quần áo dính đầy bùn đất

Cô Thanh cho biết: “Trước khi lên vùng đất này tôi cũng có tìm hiểu nhưng khi lên đến đây thì mọi chuyện lại không như những gì mình đã biết. Khi nhận quyết định tuyển dụng mới biết đó là một điểm trường ở bản lẻ.

Điểm trường không xa trung tâm huyện nhưng đường lại rất khó đi. Hôm đầu tiên đi dạy tôi đã chọn một bộ quần áo đẹp để mặc, mua một đôi dép mới nhưng lại gặp đúng hôm trời mưa to.

Sáng sớm hai vợ chồng đi xe máy vào điểm trường mà thực sự là không thể đi nổi, đường đất lại gặp trời mưa, bánh xe quay tít văng bùn đất lên khắp người và chỉ đi bộ được một đoạn ngắn thì đôi dép mới của tôi đã bị đứt không thể dùng được nữa.

Điểm trường nơi tôi đến là những dãy nhà tạm bằng gỗ cũ kỹ với gần 50 học sinh, lúc đó trong tôi có một cảm giác khó tả và thực sự không biết phải nói sao, nó không như những gì tôi tưởng tượng trước khi lên đây, không thể nghĩ đó là nơi tôi sẽ dạy học.

Tôi nhận lớp với 9 học sinh, ba lớp bên cạnh là 24 học sinh, một lớp 1 có 11 em chủ yếu là người thiểu số dân tộc Lào (dân tộc thiểu số của Việt Nam).

Nhìn điểm trường, cơ sở vật chất, giao thông đi lại và số lượng học sinh quá ít khiến cho tôi cũng cảm thấy hơi buồn.

Nhiều lúc tôi cũng nghĩ tại sao mình lại chọn một nơi xa, khó khăn như vậy để công tác? Nhưng dần qua thời gian và công việc rồi thì mọi chuyện cũng đã ổn hơn, nhất là về tâm lý”.

Nhiều kỷ niệm khó quên

Cô Thanh cho biết: “Việc chúng tôi đến thăm học sinh trong bản cũng phần nào thắt chặt thêm tình cảm thầy trò, nhà em nào tôi cũng đến thăm. Cũng có đôi lúc học sinh nghỉ học không lý do là tôi lại tìm đến nhà để tìm hiểu.

Nhớ lại lần đầu tiên được phụ huynh học sinh mời đến nhà ăn Tết, tôi cùng mấy đồng nghiệp ở điểm trường cùng đi, đến nơi thì thấy cả nhà học sinh đang ăn cỗ nhưng bác phụ huynh đứng ngay dậy đi làm thịt một con gà, dọn một mâm mới để mời các thầy cô giáo.

Mâm cỗ với con gà luộc, vài món rau và xôi, rượu trắng nhưng đó là tình cảm của học sinh, của phụ huynh các em và người dân nơi đây đối với các thầy cô giáo, đáng trân trọng lắm anh ạ.

Đây là trường Dân tộc bán trú nên năm nào chúng tôi cũng tổ chức Tết sớm cho học sinh trước khi các em về nhà ăn Tết, cũng đơn giản thôi nhưng các em rất vui, hào hứng phấn khởi.

Lá dong thì các em học sinh mang đến trường rồi phân công nhau rửa lá, phần gạo và thịt thì các thầy cô trong trường cùng nhau quyên góp, trích lương của mình để mua, ngoài ra các em học sinh còn tự trồng rau sạch trong vườn trường để bán gây quỹ.

Vui nhất là lúc gói bánh chưng, bánh của người dân tộc ở vùng này nhỏ, dài và hình như bánh giò dưới xuôi, không quen thì rất khó gói. Vậy là cô thì dạy học trò gói bánh chưng vuông kiểu miền xuôi, còn học sinh lại hướng dẫn thầy cô gói bánh chưng kiểu vùng cao.

Vui nhất là lúc nồi bánh chín, vớt ra nhưng không cái bánh chưng nào vuông vắn, bánh của các thầy cô gói cũng không ra hình gì, nhân bánh và gạo bị vỡ ra ngoài. Tuy vậy nhưng buổi liên hoan vui lắm, có bánh kẹo, bánh chưng, thịt gà”.

Cô Thanh cho biết thêm: “Với một số các em học sinh lớp 1 người dân tộc H’Mông ở nội trú tại trường, phần vì ít về nhà, bố mẹ đi làm xa không có điều kiện qua tâm đến con nên chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, giúp đỡ các con trong việc sinh hoạt hàng ngày.

Các em phần vì nhút nhát, hiền lành, và tập quán sinh hoạt nên có những buổi các thầy cô giáo chia thành hai bên nam và nữ để cắt tóc cho các con, vá quần áo, giúp các con tắm gội, vệ sinh cá nhân”.

Cô Nguyễn Thị Thanh và các em học sinhTrường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Các em học sinhTrường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu trong giờ ngoại khóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Luôn hết lòng vì học sinh

Cô Thanh nói: “Đồng nghiệp tại điểm trường nơi tôi dạy có 5 giáo viên, họ thường xuyên giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc nhất là thời gian đầu nên tôi cũng phần nào được an ủi, hơn nữa học sinh và phụ huynh nơi đây rất quý thầy cô, các em cũng rất ngoan.

Nếu so sánh với học sinh ở vùng thuận lợi thì các em ở đây nhút nhát, nhận thức có phần hạn chế nên việc truyền dạy kiến thức khá vất vả, nhất là với môn Tiếng Việt.

Các em là người dân tộc thiểu số tuy được dạy tiếng phổ thông từ mẫu giáo nhưng cũng có nhiều em nghe nói chưa thạo, nhiều lúc giáo viên giảng bài nhưng các em chỉ ngồi nhìn cô nhưng không hiểu cô nói gì.

Nhiều câu hỏi tôi đặt ra nhưng các em chỉ biết nhắc lại chứ không biết trả lời, những lúc như vậy tôi lại tìm cách để giúp học sinh hiểu, tôi chia từng phần câu hỏi, hỏi từng ý nhỏ một để vừa với nhận thức của học sinh.

Ngoài ra tôi cũng soạn các câu hỏi có tính gần gũi với học sinh hơn về văn hóa, gia đình để các em dễ hiểu, từ đó dần dần các em trả lời được những câu hỏi khó hơn.

Vốn tiếng phổ thông của học sinh chưa giỏi và chỉ giao tiếp với giáo viên khi đến trường, còn ở gia đình các em vẫn dùng tiếng dân tộc, vậy nên khi dạy môn Văn cũng có nhiều hạn chế, các em cứ nói sao thì viết như vậy, câu từ phải chỉnh rất nhiều.

Thời gian đầu tôi cũng để cho các em viết mặc dù sai rất nhiều, nhưng chúng tôi cũng cố gắng uốn nắn rồi qua thời gian, chuẩn bị dàn ý, khung sườn bài văn để học sinh bám vào.

Phần luyện từ và câu của môn Tiếng Việt cũng khá vất vả với các em, tôi áp dụng đọc và lấy nhiều ví dụ để các em dễ hiểu, từ đó bài làm của các em cũng đã tiến bộ và phong phú hơn rất nhiều.

Bài văn mẫu trong sách giáo khoa thường là tả công viên, thành phố… nhưng thực tế ở đây các em không biết những thứ đó nên có phần khó khăn khi tả cảnh.

Vậy nên với nội dung đó tôi thay đổi dùng phong cảnh, đồng lúa, đồi chè, bản làng, cánh rừng… tại địa phương nơi các em sinh sống để ra bài tập, bởi những hình ảnh đó các em được gặp và quan sát hàng ngày, như vậy phù hợp hơn”.

Nếu so sánh với học sinh ở vùng thuận lợi thì các em ở đây nhút nhát, nhận thức có phần hạn chế nên việc truyền dạy kiến thức khá vất vả, nhất là với môn Tiếng Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Thanh cho biết: “Tôi quê ở Hải Dương, học xong Trường cao đẳng Sư phạm của tỉnh năm 2009, sau đó theo chồng lên nhận công tác tại xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Chồng tôi cũng là giáo viên dạy lớp 4 tiểu học.

Thời gian đầu mới lên đây tôi cũng buồn mất một thời gian, phần vì xa bố mẹ và hơn nữa điều kiện công tác không như trí tưởng tượng của mình, cũng đã biết lên đây sẽ là khó khăn nhưng cũng không thể nghĩ nó sẽ khó khăn như vậy. Lúc đó tôi mới 22 tuổi.

Giáo viên Trường dân tộc bán trú Hướng Phùng tuyên chiến với nạn tảo hôn

Theo cô Thanh: “Đã công tác ở đây được12 năm, tôi thấy mọi thứ về cơ sở vật chất, đời sống kinh tế người dân vùng này ngày một tốt hơn.

Sự hiểu biết của các bậc phụ huynh và đặc biệt là số lượng học sinh đã tăng lên rất nhiều so với thời gian tôi mới lên, hiện nay học sinh toàn trường là hơn một nghìn em, trong đó có 400 học sinh bán trú.

Giờ đây tôi thấy rất gắn bó với ngôi trường mình đang công tác, với học sinh, với người dân, với vùng đất này như là quê hương thứ 2 của tôi, và nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn nơi đây với nghề giáo.

Có những học sinh cũ đã lên cấp hai nhưng thỉnh thoảng vẫn quay lại lớp tôi dạy, tặng cô một bó hoa dại vừa hái ven đường, xin phép được vào ngồi ở cuối lớp, im lặng cảm nhận lại những giờ nghe cô giảng bài, đợi hết giờ học để được trò chuyện cùng cô giáo”.

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cho-tao-voi-cho-tao-di-nho-xe-voi-co-giao-oi-post215467.gd