Chờ sự đột phá của bóng chuyền nữ

Thêm một lần nữa, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thua Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 30. Bảo vệ thành công HCB ở đấu trường Đông Nam Á là đạt chỉ tiêu đề ra của bóng chuyền nữ, nhưng câu hỏi 'Bao giờ 'các cô gái chân dài' có thể thi đấu sòng phẳng với người Thái?' vẫn là nỗi trăn trở của bóng chuyền Việt Nam.

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang giai đoạn trẻ hóa. Ảnh: Vietnamnet

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang giai đoạn trẻ hóa. Ảnh: Vietnamnet

Trong năm 2019, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ khi có hai giải đấu khá thành công trên sân nhà. Ở cấp độ đội tuyển, các cô gái đã giành được vị trí Á quân tại VTV Cup 2019. Trước đó, đội tuyển U23 cũng đã xuất sắc đánh bại đội tuyển U23 Thái Lan trong trận tranh hạng 3 và giữ vị trí thứ 3, trong tổng số 13 đội tại giải bóng chuyền U23 châu Á. Năm 2019, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng có thêm tin vui, khi chủ công xuất sắc nhất Việt Nam là Trần Thị Thanh Thúy được Câu lạc bộ nổi tiếng Nhật Bản Denso Airy Bees ký hợp đồng thi đấu tại giải đấu mạnh nhất châu lục. Phụ công triển vọng Trần Thị Bích Thủy cũng tỏa sáng khi thi đấu tại Thái Lan.

Việc thắng đội tuyển U23 Thái Lan đã thắp lên hy vọng cho người hâm mộ về cuộc lật đổ sự thống trị của đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan. Bởi hầu hết thành phần đội tuyển U23 là nòng cốt của đội tuyển quốc gia hiện tại, với những cái tên quen thuộc: Trần Thị Thanh Thúy, Đặng Thị Kim Thanh, Dương Thị Hên, Nguyễn Thu Hoài, Hoàng Thị Kiều Trinh, Trần Tú Linh, Đoàn Thị Lâm Oanh... Việc trẻ hóa đội hình là cần thiết và có lẽ Huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt đã tìm được hướng đi đúng, khi toàn đội thi đấu khá hiệu quả tại VTV Cup 2019.

Thế nhưng, dường như quá trình thi đấu cọ xát ở VTV Cup không thật sự hiệu quả vì hầu hết các khách mời không quá mạnh. Vì vậy, khi tham dự giải đấu ASEAN Grand Prix, đội tuyển Việt Nam không thắng được một trận đấu nào. Trong đó, có những trận toàn thua đáng thất vọng trước 2 đội sẽ cạnh tranh HCB tại SEA Games 30 là Philippines và Indonesia. Thời điểm ấy, các nhà chuyên môn cho rằng, 6 trận thua của đội tuyển Việt Nam ở giải đấu này là do đối thủ đã có sự bổ sung lực lượng là những vận động viên nhập tịch.

Tại SEA Games 30, thành phần tham dự vẫn là 4 đội Đông Nam Á đã thi đấu tại ASEAN Grand Prix: Thái Lan, Philippines và Indonesia và Việt Nam. Vì vậy, khi các cô gái Việt Nam thắng 2 trận vòng bảng trước 2 đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Philippines và Indonesia, nhiều hy vọng được thắp lên. Thế nhưng, cả hai trận đấu với Thái Lan ở vòng loại và chung kết SEA Games 30, chúng ta đều thua trắng dù thi đấu bằng dàn vận động viên trẻ hay lực lượng mạnh nhất. Công bằng mà nói, những năm gần đây, sân chơi Đông Nam Á thật sự chỉ là “ao làng” với các cô gái Thái Lan. Bởi họ không chỉ cạnh tranh sòng phẳng trước các đội bóng mạnh nhất châu lục: Nhật Bản, Hàn Quốc; mà còn có trận thắng tưng bừng trước nhà vô địch thế giới là đội tuyển Serbia. Trong thành phần đội tuyển Thái Lan, có những cầu thủ xuất ngoại trời Âu thi đấu rất thành công và có vận động viên là một trong những chuyền hai hay nhất thế giới…

Không thể phủ nhận nỗ lực vượt bậc của Thanh Thúy và đồng đội khi bảo vệ thành công HCB SEA Games, nhưng về lâu dài, người yêu bóng chuyền vẫn mong muốn các cô gái Việt sẽ lật đổ được sự thống trị của bóng chuyền nữ Thái Lan. Và để làm được đều đó cần phải có những giải pháp đột phá ngay trong năm 2020.

H.T

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/cho-su-dot-pha-cua-bong-chuyen-nu-a116618.html