Cho rằng Bộ GTVT 'ưu ái' Grab, taxi truyền thống 'phản pháo'

Ngay sau khi Bộ GTVT vừa chính thức trình Thủ tướng Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014), ngoài các chuyên gia có ý kiến trái chiều thì nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã có kiến nghị lên các cơ quan chức năng.

Cho rằng Bộ GTVT “ưu ái” Grab, taxi truyền thống “phản pháo” (Ảnh: IT)

Xác định rõ bản chất dịch vụ Grab là vận tải taxi

Trao đổi với Dân Việt, ông Trương Đình Quý – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết, vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng sau khi Bộ GTVT trình Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô lên Chính phủ.

Cụ thể, theo Vinasun, đến nay, được biết Hồ sơ Dự thảo NĐ86 sửa đổi – Bản Dự thảo ngày 31.7.2018 đang được Bộ trưởng Bộ GTVT gửi qua Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ, tuy có một số thay đổi điều chỉnh như những quy định về xe hợp đồng điện tử, thời hạn áp dụng ... những điều này đang tạo ra sự hoang mang, lo lắng trong các doanh nghiệp vì gần như là sự hợp pháp hóa cho hoạt động của taxi Grab từ trước tới giờ. Đặc biệt là trong bối cảnh Grab thâu tóm Uber ở Việt Nam, tập trung kinh tế, thống lĩnh thị trường và gần như độc quyền trong lĩnh vực này.

Do đó, đại diện Vinasun bày tỏ: Điều 7 về Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đề nghị bỏ quy định về xe vận tải hợp đồng điện tử, xác định rõ bản chất dịch vụ Grab là vận tải taxi. Lý do: Sai phạm nghiêm trọng về Mô hình vận tải hợp đồng điện tử. Hàng trăm triệu cuốc xe Grab, Uber đều không có hợp đồng vận tải điện tử nào được ký kết:

Phân tích của Vinasun, Theo Quyết định 24, Grab, Uber chỉ là đơn vị trung gian kết nối đơn vị vận tải (Hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải) với người thuê vận tải. Đơn vị vận tải và người thuê vận tải ký kết hợp đồng với nhau.

Nhưng trên thực tế, Grab, Uber giao dịch trực tiếp với khách hàng, điều phối lái xe, ăn chia tiền cước nhận được với lái xe. Hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải hoàn toàn không tham gia vào quá trình giao kết hợp đồng, không nhận tiền cước của khách, và không điều phối lái xe thực hiện quá trình vận tải.

Grab, Uber đều không xuất trình được hợp đồng vận tải điện tử phù hợp quy định pháp luật. Chủ thể chính của hợp đồng vận tải điện tử là hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải hoàn toàn không có trên phần mềm. Khách hàng không biết mình ký hợp đồng với ai? Ai chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng vận tải.

Theo đại diện Vinassun, vì Hợp tác xã vận tải không nhận được tiền cước vận tải nhưng lại bị Grab, Uber xuất hóa đơn doanh thu, nên hiện tại gần như toàn bộ doanh thu phân chia cho các hợp tác xã vận tải đều chưa nộp thuế VAT, thuế TNDN. Tổng cục thuế cho biết nhiều hợp tác xã giải thế, đóng cửa. Phần lớn các hợp tác xã không kê khai hoặc kê khai rất thấp so doanh thu của Grab.

Thực tế, Vinasun cũng cho biết, có hiện tượng HTX “giấy” được dựng lên làm bình phong để hợp pháp điều kiện kinh doanh xe hợp đồng cho các tài xế, bình phong chịu trách nhiệm với an toàn hành khách (mặc dù không điều hành vận tải, quản lý lái xe), làm bình phong về nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Cũng theo Vinasun, trên Google Play, trong số 1,7 triệu đánh giá gửi về cho phần mềm Grab, có tới 113 ngàn đánh giá phần mềm Grab tồi (1*). Trên báo chí đăng tải rất nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng của các tài xế Grab, Uber như hành hung khách hàng, cướp, ăn trộm đồ của khách, quấy rối tình dục trẻ em, … Chưa một hãng taxi nào bị báo cáo nhiều vi phạm như vậy, nhưng trong báo cáo của Bộ vẫn ghi là tỷ lệ hài lòng rất cao, không báo cáo vi phạm.

Ngoài ra, theo Vinasun, Grab cũng không xác định được người chịu trách nhiệm về an toàn chuyến đi: Grab, Uber là đơn vị trực tiếp giao dịch với khách hàng nhưng không nhận trách nhiệm về an toàn chuyến đi, đẩy trách nhiệm cho hợp tác xã vận tải. Hợp tác xã vận tải không có quản lý tài xế, không điều hành phần mềm làm sao có thể chịu trách nhiệm về an toàn cho hành khách. Tất cả các trường hợp vi phạm xảy ra, hành khách phải tự tìm đến cơ quan điều tra, rất phiền phức và tốn kém. Việt Nam có nên chấp nhận hàng triệu cuốc xe diễn ra mỗi ngày mà không có người chịu trách nhiệm về an toàn cho hành khách không?

Cần thay đổi hiệu lực thi hành

Liên quan tới thời hạn xem hợp đồng điện tử và xe du lịch điện tử phải tới 2019 và 2021 mới có hiệu lực, Vinasun cũng cho rằng cần phải thay đổi trong Dự thảo Nghị định. Cụ thể, để hợp pháp hóa cho Grab dưới hình thức vận tải hợp đồng điện tử (mặc dù đây là taxi trá hình và cũng không có hợp đồng nào được ký kết), ban soạn thảo đã thêm điều khoản gia hạn cho các phần mềm kiểu này đến 1.7.2020 mới phải gửi đầy đủ dữ liệu nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải qua phần mềm (Điều 7, khoản 4).

“Việc ứng dụng tính năng đặt xe qua ứng dụng di động, hay ký hợp đồng bằng email, dữ liệu điện tử chỉ là bổ sung tiện ích cho dịch vụ chứ không làm thay đổi bản chất dịch vụ, không làm thay đổi quan hệ giữa các bên giao dịch. Do vậy, chúng tôi kiến nghị nên mở rộng nội hàm của taxi, hợp đồng để bao hàm tiện ích mới chứ không nên bổ sung thêm loại hình vận tải taxi điện tử, hợp đồng điện tử”, ông Trương Đình Quý – Phó Tổng giám đốc Vinasun cho biết.

Nếu chưa đơn vị vận tải, phần mềm nào đáp ứng được các điều khoản tối thiểu của hợp đồng vận tải điện tử thì có nên quy định loại hình này trong Nghị định 86 hay không? Bởi lẽ quy định rồi mà mô hình chưa hoàn thiện vẫn cho chạy hay sao? Đến năm 2020 các bên hoàn thiện dịch vụ thì đưa vào Luật giao thông đường bộ mới vẫn còn kịp.

Tương tự, việc quy định trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 xe hợp đồng vận tải điện tử thì phải niêm yết chữ "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ" cũng không có nghĩa vì Thông tư 63 đã quy định xe hợp đồng phải niêm yết chữ xe hợp đồng nhưng thực tế không thực hiện, không kiểm tra được.

Theo đó, việc quy định Trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải phải đáp ứng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng như vậy.

Nói cách khác, với các thời hạn theo Dự thảo như trên chính là việc kéo dài thời hạn thí điểm của Đề án 24 về xe hợp đồng điện tử, mặc nhiên để nguyên tình trạng hoạt động của Grab với tất cả các hệ lụy như chúng tôi đã rất nhiều lần khẩn thiết trình bày kiến nghị cho đến năm 2020, 2021. Là thời điểm mà các doanh nghiệp taxi Việt Nam chắc chắn đã phá sản và có lẽ cũng là thời điểm đã có Luật Giao thông đường bộ mới và lúc đó cũng sẽ có Nghị định mới phù hợp.

Vinasun cũng cho rằng, việc bổ sung loại hình taxi điện tử nhưng chưa có phương án triển khai chi tiết sẽ gây náo loạn thị trường vận tải taxi.

Phi Long

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/cho-rang-bo-gtvt-uu-ai-grab-taxi-truyen-thong-phan-phao-902482.html