Chợ quê ngày tết Xứ Đoài

Mưa xuân đang gọi Tết về trong tươi thắm sắc đào, rộm vàngmàu quất trên mọi nẻo đường.

Chợ quê luôn có ký ức những người thế hệ 7x,8x. Ảnh: PV

Chợ quê luôn có ký ức những người thế hệ 7x,8x. Ảnh: PV

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S, ai cũng mong được trở về với gia đình, miền quê nơi gắn liền bao ký ức! Nhưng có lẽ, ký ức sâu đậm nhất vẫn là phiên chợ quê ngày Tết: nào lá dong, mớ lạt, ống giang; nào là bưởi, chuối, hoa, chổi rơm, chiếu cói, quang gánh, rồi đến những hàng quần áo,tranh dân gian,...Tất cả những hình ảnh đó đã in sâu vào mỗi người, nó mang đậm mùi vị của hương đồng, gió nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất mà vẫn hiện hữu ở chợ phiên: Chợ Nủa, chợ Săn,...

Về chợ Nủa tìm lại... dấu xưa

Có nhiều người từng đến chợ Nủa (xã Bình Phú, Thạch Thất) nói với tôi rằng, “đi chơi chợ chứ không phải đi chợ để mua, để bán”. Quả thực, ai đã từng tới phiên chợ Nủa ngày Tết một lần mới thấy được niềm hân hoan, rộn rã của tình người, tình quê nơi đây. Cũng chính những phiên chợ ấy mới cảm nhận được sự mộc mạc, chân chất của những con người xứ Đoài... Đã 15, 16 năm qua, tôi mới lại có dịp về chợ Nủa, vẫn một khu chợ với những lều lán, hàng dãy quán dưới tán những cây xà cừ khổng lồ tỏa bóng xanh mát.

Chợ Nủa trước đây xung quanh là đồng ruộng, hiện nay xung quanh chợ là khu vực đất giãn dân bỏ trống. Từ xưa tới nay chợ vẫn họp một tháng 6 phiên. Mỗi phiên chợ là dịp để bà con nông dân ở các xã đến giao lưu, mua bán những nông sản, dụng cụ mà họ làm ra; chợ cũng là nơi để họ tâm tình, hỏi han tìm hiểu sự phát triển của các làng xung quanh thông qua các sản vật mới. Đi chợ, chơi chợ cho vui, gặp cái gì hay hay thì mua bán, đổi trao. Hay có những người đi chợ Nủa để tìm lại một phiên chợ quê còn giữ được nhiều nét đặt sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cả năm duy chỉ có 3 phiên đặc biệt quan trọng và phiên kéo dài sang nửa buổi chiều ấy là phiên chợ Tết vào các ngày 22 - 27 tháng Chạp và ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.

Phiên đó, sẽ hội tụ phong phú nhất các sản vật quanh vùng, cũng là những phiên đông vui và được người dân khắp các vùng lân cận đến chợ. Ở một góc nhỏ chợ, bà cụ Nguyễn Thị Huệ (74 tuổi, ở làng Nủa - xã Hữu Bằng) miệng bỏm bẻm nhai trầu ngồi bên giữa những chiếc thúng, chiếc rổ, rá làm bằng tre với cạp tròn xoe. Tôi bắt chuyện, bà nở nụ cười với hàm răng đen ánh.

Bà bảo: “Cô mua cho bà cái rổ cho đắt hàng, ngồi nói chuyện với bà cho vui...”. Chỉ vài ba chục bạc là tôi đã có trên tay chiếc rổ tre rất xinh xắn. Bà Huệ đã gắn bó với những phiên chợ Nủa 32 năm nay và những sản phẩm ấy cũng chính do bà làm ra.

“Mấy chục năm tôi gắn bó với chợ này rồi cô à! Ngày trước, ngoài làm đồng áng, lúc nhàn rỗi, mua tre về đan rổ, rá, thúng, mủng. Đến phiên lại mang ra bán, ngày giáp Tết, nhà ai cũng muốn sắm đồ mới, mua lấy may cho năm sau... Bây giờ, già rồi con cháu bảo nghỉ ngơi, nhưng ngồi chơi không nó buồn chân, buồn tay. Vả lại, nếu phiên không đi thì thấy buồn bực. Vì vậy, tôi vẫn đan vài ba cái đến phiên thì lại mang ra bán”. - Bà Huệ chia sẻ.

Qua một góc khác, hai ông bà bán dao kéo (ông bà Thức) ngồi trên tấm bạt mà trên đó những con dao mài sắc lẹm được xếp theo đúng hàng, đúng lối trông đến thích mắt. Ông cụ với mái đầu bạc trắng cùng năm tháng kể cho tôi nghe về nghề rèn của gia đình cụ. Ông cụ bảo, nghề làm dao kéo gắn bó từ đời cha để lại và nghề này cũng theo cụ gần hết cuộc đời...

Rồi cả ông, cả bà kể cho tôi nghe về những chợ phiên xưa, những quá vãng huy hoàng nghề rèn của gia đình ông bà. Bà Thức hồ hởi khoe: “Những phiên giáp Tết, cả gia đình ra chợ làm hàng nhưng cũng không xuể. Người này rèn cái dao, người kia làm cái kéo chuẩn bị cho ngày Tết, rồi những bác thợ cày, đặt cả đôi ba lưỡi cày để chuẩn bị cho một vụ mới...”.

Ông bảo, xưa kia hai phiên chợ cuối năm mà người Thạch Thất ai cũng nhớ câu: “Gái hăm hai, trai hăm bảy” (con gái đi phiên 22, con trai đi phiên 27). Đến nay thì câu nói ấy vẫn nhiều người biết, nhưng phiên chợ nào cũng tấp nập đủ mọi tầng lớp. Có nhiều người đến để bán - mua, nhưng cũng có những người ở cái tuổi “thập cổ lai hy” vẫn đến chơi chợ để tìm lại những gì chất phác, thân thuộc ngày xưa!.

Phiên chợ Tết Xứ Đoài. Ảnh: PV

Chợ của tuổi thơ

Có lẽ không thể thiếu được trong phiên chợ quê ở chợ Nủa, chợ Săn, chợ Chàng đó là những hàng quà với kẹo gừng, bánh mật, bánh gio, bánh rán,... Ở chợ phiên gian hàng “ẩm thực” được bày bán cạnh nhau thật phong phú đa dạng. Tất cả loại bánh được chế biến từ sản vật nông nghiệp như: bánh tẻ Cầu Liêu, chè Lam (Thạch Xá), bánh gai,... bà con nơi đây rất ưa chuộng.

Tôi vẫn nhớ in những ngày còn bé xíu, bố bảo chợ Tết là chợ dành cho trẻ con. Trẻ con chúng tôi được bố mẹ đưa đến chợ Tết ăn bát bún thịt trâu, bún lòng lợn; đứa nào cũng được sắm quần áo, giầy dép mới tinh tươm... Ngày ấy, có những trẻ theo mẹ ngồi thọt lỏn trong chiếc thúng đến chợ Tết. Bởi đường xa, sợ chân con mỏi, các mẹ cho con ngồi vào thúng mà gánh đến chợ...

Khi chuẩn bị đi chợ Tết, chúng tôi vui sướng háo hức lắm, có khi cả đêm ngủ chẳng say, chỉ sợ khi thức dậy anh chị em trong nhà trốn đi chợ trước. Đến chợ, đứa nào đứa nấy thấy hàng gì cũng sà vào, xem đủ thứ, mà thứ gì cũng thích. Chợ quê xưa rất dân dã, chỉ là những túp lều, cột tre mái lợp lá tranh hoặc rơm rạ, những quầy hàng được che phên, liếp, sao mà mộc mạc, thân thương thế.

Chợ Tết, từ gà gáy, người người trong xóm đã í ới gọi nhau, người quẩy quang gánh, người kéo xe bò đến chợ Tết. Người mua dù có những mặt hàng đắt nhưng vừa ý, dù giá có đắt cũng chẳng mấy ai than phiền, vì là chợ Tết, để miễn sao mua được những thứ đẹp, vừa ý về trang hoàng nhà cửa, cúng gia tiên... mong đem lại may mắn, hạnh phúc cho gia đình trong cả năm.

Còn người bán cũng rất xởi lởi, không tính nhiều đến chuyện đắt rẻ, vì là người cùng làng xã với nhau, cũng mong bán hết hàng để còn sắm Tết cho gia đình... Không thể thiếu ở chợ quê Tết là hàng bán vàng, hoa, hương, nến, hương vòng kèm cả những cành hoa bằng giấy xanh, giấy đỏ.

Có một quầy hàng độc đáo ở chợ Nủa mà hiếm chợ phiên nào có đó là hàng nhuộm quần áo. Hai bác thợ nhuộm (có tên là Ái - Chì, ở huyện Quốc Oai) đã quen với góc nhỏ này mấy chục năm qua. Bác Ái chia sẻ: “Nghề này của nhà tôi gia truyền từ mấy đời nay. Riêng ở chợ Nủa này vợ chồng tôi nhuộm quần áo gần 30 năm rồi. Chẳng ai phàn nàn gì cả, phiên đến khách vẫn nhuộm đều. Ngày giáp Tết, bà con từ khắp nơi mang đến nhuộm đông hơn”.

Chợ Nủa ngày Tết còn là sự hòa trộn giữa các mùi hương, tạo nên hương vị rất riêng, mùi rất riêng; đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của hương trầm ngào ngạt, mùi của lá dong và đặc biệt là hương của cây mùi già. Từ xưa đến nay, người dân nơi đây vẫn giữ nếp tắm lá mùi cuối năm để tẩy trần đón hương xuân. Tất cả tạo nên mùi “rất Tết”, mùi của sự sung túc, đầm ấm, loại “mùi Tết” thôi thúc sự háo hức trong lòng người.

Xuân đến Tết về, rủ nhau đến phiên chợ Tết quê để hồi tưởng những kỷ niệm thời thơ ấu, để suy ngẫm về Tết cổ truyền mà người xứ Đoài gìn giữ qua biết bao thế hệ, bao thăng trầm (!)

Lê Hà

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/cho-que-ngay-tet-xu-doai-n17397.html