Chợ quê giữa phố

TP Hồ Chí Minh luôn nhộn nhịp các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích có ở khắp nơi để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Thế nhưng, vẫn có một Chợ quê giữa phố do Hội quán các bà mẹ tổ chức hằng tuần vào ngày chủ nhật tại số 7, Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 với đặc thù bán toàn món ăn tuổi thơ và có nhiều hoạt động giáo dục văn hóa rất riêng.

Chợ quê giữa phố không ồn ào như vẫn thường thấy ở những ngôi chợ bình thường khác. Ở đây, người mua kẻ bán chào nhau bằng nụ cười hiền, bước chân cũng nhẹ tênh. Khách đi chợ chưa bao giờ mặc cả món đồ nào, vậy cho nên người bán cũng không khi nào nói thách. Bởi là chợ quê nên bày bán toàn đặc sản vùng miền. Góc này bày bán trái cây sạch theo mùa, góc kia thơm lừng mùi bánh khoai mì, bánh tráng mè nướng, bánh bèo, bánh lọc hay nước tắc, nước me… Ở chợ, rau củ gói trong lá chuối, be bé, xinh xinh, cột bằng dây chuối. Khách tới chợ thường chuẩn bị sẵn giỏ tre, hộp trữ thực phẩm để đựng hàng đem về. Khách quên thì chủ sạp tặng túi giấy chứ không dùng túi ni-lông. Nhớ vị mắm nêm pha me ăn kèm rau thơm, thịt luộc, chị Nguyễn Hồng Nhi ghé vào sạp bún trong chợ quê gọi liền một tô. Chậm rãi trộn bún, đưa mắt ngắm cây đa rợp bóng rồi lắng tai nghe tiếng vài người đang hát dân ca, tự dưng người phụ nữ quê gốc Bình Thuận thấy lòng vui đến lạ. "Ðến đây, tôi có cảm giác quen thuộc như hồi ở quê. Mọi thứ gần gũi, nhẹ nhàng. Mấy món quê ăn ngon lắm. Món miền trung, miền nam, miền tây có đủ. Tôi cứ mong đến cuối tuần để tới chợ mua vài thứ quen thuộc, ăn bữa sáng giản dị và ngắm nhìn mấy em nhỏ vui chơi. Vậy thôi mà thấy đời bình yên, thú vị", chị Nhi vui vẻ nói.

Nhiều món ngon là vậy, thế nhưng, nét độc đáo của chợ quê này lại nằm ở nếp nghĩ, cách làm của chủ nhà lẫn khách. Tại chợ có riêng những góc bày bán đồ mây tre lá, lụa Mã Châu hay áo dài cho người lớn, trẻ con. Còn có mấy đôi guốc mộc đủ mầu, mấy bó đũa tre quen thuộc hay đồ dùng bằng gỗ đơn sơ. Có cả một sạp chuyên bán sách cho các bà mẹ và các em nhỏ. Sách cũ, mới đủ loại nhưng phần lớn là sách văn hóa, giáo dục. Khách tới chợ được khuyến khích mặc áo dài, đi cả gia đình để tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm. Cả nhà sẽ cùng nhau nặn tò he, xếp lá dừa, làm tranh gạo; khi lại nghe nhạc cổ, tìm hiểu nghề gốm của đồng bào Chăm; xuôi về miền trung nghe kể về nghề làm lụa; tìm hiểu về áo dài từ xưa đến nay. Rất nhiều nghệ nhân từ các nơi đã tự nguyện đến chợ, mang theo câu chuyện văn hóa thật đẹp để chia sẻ với mọi người.

Góc chợ quen thuộc này là do chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ tại TP Hồ Chí Minh khởi xướng mấy năm nay. Chợ lúc đông khi vắng nhưng tuần nào chị Thúy và những người bạn của mình cũng cố gắng tạo ra các hoạt động văn hóa phù hợp. Như hôm nay, chị mời một nghệ nhân về giới thiệu và hướng dẫn phụ huynh và các bé nặn tò he. Không chỉ tự tay làm các món đồ chơi dân gian mà khách tới chợ còn được nghe các sự tích liên quan đến những con vật gắn liền với văn hóa Việt. Nhìn ánh mắt rạng rỡ, nghe tiếng cười giòn tan của đám trẻ nhỏ bên mấy chiếc bàn tre, tay lấm lem bột, chị Thúy khoe: "Chúng tôi có nhiều hoạt động lắm, phần lớn là kết nối, chia sẻ văn hóa truyền thống. Ðây không phải là chỗ để bán buôn kiếm lời mà mọi người muốn biến thành nơi sinh hoạt văn hóa, một điểm hẹn cho các gia đình sau một tuần vất vả. Chúng tôi giới thiệu về những làng nghề trước nguy cơ mai một, nét văn hóa độc đáo của Nam Bộ ngày xưa và nhiều câu chuyện đẹp với mong muốn mọi người hiểu rõ và thêm yêu quê hương, đất nước mình".

Không chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa miễn phí để lan tỏa những điều tốt đẹp, Chợ quê giữa phố còn kết nối mọi người bằng chương trình thiện nguyện. Số tiền thu về sau mỗi phiên chợ được trích ra một phần làm học bổng cho học sinh nghèo hay những bệnh nhi ung thư. Nhiều lần nghe tin nông sản gặp khó khăn, chị Thúy cùng các thành viên của Chợ quê giữa phố lại chung tay "giải cứu". Tại chợ còn xuất hiện nhiều gian hàng lạ khiến người mua tò mò, thích thú. Ðó là nơi các em nhỏ bày bán những món đồ chơi, sách cũ của mình rồi tặng lại số tiền đó cho các bạn khó khăn hơn. "Ðược tự tay làm điều tốt, tôi tin rằng các con sẽ có một tâm hồn đẹp. Tôi thích góc chợ đặc biệt này vì nó hướng đến những giá trị rất riêng, không màu mè, phô trương nhưng lại giúp chúng tôi biết nhiều hơn về văn hóa Việt", chị Lê Thanh Nga, một khách quen của Chợ quê giữa phố cho hay.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43499202-cho-que-giua-pho.html