Chờ phương án sáp nhập đến khi nào?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký văn bản gửi các tỉnh, thành về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 Trung ương Khóa XII. Trong khi tới thời điểm này, một số tỉnh đã cơ bản sắp xếp, sáp nhập.

Lý do của việc tạm dừng này theo Bộ Nội vụ là vì, Bộ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan, gồm: Dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Và hiện cả 2 dự thảo này đã trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tạm dừng thí điểm là để “thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và để chờ sửa đổi 2 nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện”. Bởi nếu mỗi tỉnh làm một kiểu thì rất khó nên phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị. Sau đó Chính phủ mới ban hành 2 nghị định thay thế Nghị định 24 và 37.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều tỉnh thành đã chủ động sắp xếp các sở ngành theo tinh thần Nghị quyết số 18. Tỉnh Lào Cai hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng. Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh. Hải Phòng hợp nhất một loạt cơ quan Đảng với chính quyền ở cấp huyện như: Văn phòng Quận ủy với Văn phòng HĐND và UBND quận Hồng Bàng, huyện An Dương; Ban Tổ chức huyện ủy với Phòng Nội vụ… Vậy, với những nơi đã sáp nhập sẽ làm như thế nào? Và nếu mô hình sắp xếp sở ngành mà Bộ Nội vụ đưa ra không trùng khớp với các sắp xếp của các địa phương thì phải làm sao?

Trả lời câu hỏi vì sao bây giờ Bộ Nội vụ mới có văn bản đề nghị tạm dừng việc sáp nhập sở, trong khi nhiều địa phương đã thực hiện từ giữa năm, ông Lê Vĩnh Tân giải thích, từ trước đến giờ chưa có văn bản nào để làm căn cứ xây dựng các cơ quan chuyên môn. Nếu các tỉnh đưa ra HĐND thí điểm sáp nhập sở phải có căn cứ, mà căn cứ hiện nay là Nghị định 24 và 37 vẫn còn hiệu lực. Như vậy, các địa phương thí điểm sáp nhập là thực hiện sắp xếp dựa vào Kết luận 34 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương khóa XII.

Trong kết luận này, Bộ Chính trị phân cấp 6 vấn đề thí điểm, giao thẩm quyền cho Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, huyện thực hiện. Tuy nhiên, để tiến tới thực hiện Kết luận 34, Chính phủ phải ban hành khung, tiêu chuẩn, điều kiện thành lập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và số lượng cấp phó của các cơ quan này, thì mới đủ căn cứ để thực hiện. Như vậy, sự chậm trễ này thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Lý ra, việc ban hành văn bản cần rút ngắn hơn, cần có một khung rõ ràng cho địa phương thực hiện chứ không thể để xảy ra tình trạng địa phương thực hiện rồi, Bộ mới chốt là tạm dừng để chờ hướng dẫn được.

Câu chuyện chậm trễ trong ban hành văn bản của Bộ này không phải lần đầu. Đơn cử như câu chuyện bổ nhiệm chức danh “hàm”. Cụ thể, ngày 5/12/2014, QH Khóa XIII thông qua Nghị quyết số 87 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, nêu rõ yêu cầu đối với lĩnh vực nội vụ là: Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó, chức danh hàm. Nhưng phải 10 tháng sau đó, ngày 8/10/2015, Bộ Nội vụ mới có Tờ trình Thủ tướng về việc bổ nhiệm chức danh “hàm” với cán bộ, công chức. 21 ngày sau, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp tục xác định rõ hình thức văn bản quy phạm pháp luật ban hành quy chế bổ nhiệm “hàm” và làm rõ điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cũng như chế độ, chính sách đối với chức danh này. Ngày 19/7/2016, tức 9 tháng kể từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ mới có báo cáo trình Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bổ nhiệm chức danh “hàm”...

Trở lại câu chuyện thí điểm hợp nhất các sở, ngành, câu hỏi đặt ra là những sở đã thí điểm sẽ thế nào? Người đứng đầu Bộ Nội vụ khẳng định, văn bản của Bộ là tạm dừng để chờ nghị định mới chứ không phải ngưng luôn. “Đối với những nơi đã sáp nhập rồi thì vẫn giữ nguyên hoạt động như đã sắp xếp. Tuy nhiên nếu sau khi nghị định của Chính phủ ra đời, các địa phương sáp nhập không khớp với quy định của Chính phủ thì phải sửa lại, bởi việc này mới là thí điểm và các địa phương sắp xếp một số cơ quan cũng là thí điểm” - ông Lê Vĩnh Tân nói.

Bộ máy nhà nước cần sự đồng bộ từ trên xuống dưới thì mới có thể hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sáp nhập là cơ hội lớn để thực hiện tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy không phải là phép cộng cơ học mà phải đúng người, đúng việc để bộ máy được tinh gọn và hiệu quả hơn. Mỗi nơi một kiểu, thực hiện theo kiểu tùy nghi có thể dẫn đến tùy tiện, hiệu quả không cao lại gây xáo trộn, bất ổn lớn trong toàn bộ hệ thống. Nhưng muốn đồng bộ thì cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này cần sớm đưa ra phương án cụ thể để tránh cho các địa phương khỏi lúng túng trong sáp nhập.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/cho-phuong-an-sap-nhap-den-khi-nao-tintuc425022