Chợ phiên Đồng Văn

Có lẽ không gì thú vị hơn khi những ngày Tết đang tới gần được tham quan, trải nghiệm những phiên chợ như chợ Đồng Văn (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), nhất là khi bà con chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền.

Chợ Đồng Văn là một trong 7 điểm, 3 tuyến du lịch của huyện Bình Liêu đã được công nhận và đưa vào khai thác từ năm 2015. Đây là chợ trung tâm xã Đồng Văn, có diện tích trên 4511m2. Từ lâu, đây là nơi tụ họp, trao đổi buôn bán và giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc xã Đồng Văn và khu vực lân cận.

Nhộn nhịp chợ phiên Đồng Văn.

Nhộn nhịp chợ phiên Đồng Văn.

Khác với chợ trung tâm huyện họp thường xuyên, đông nhất vào ngày chủ nhật, chợ Đồng Văn thường họp đông, vui nhất vào thứ bảy hàng tuần. Thế nên nếu bạn có dịp ghé thăm chợ vào những ngày thứ bảy cuối tuần của dịp cận Tết lại càng đông vui, nhộn nhịp và nhiều sắc màu.

Phiên chợ vùng cao Đồng Văn, những ngày giáp Tết thường tấp nập cảnh bà con các dân tộc mang, vác, gùi hàng, nông, thổ sản xuống chợ. Đến chợ phiên từ sớm những ngày này dễ thấy khung cảnh nhộn nhịp, tươi vui, đầy màu sắc các dân tộc Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Tày... Để chuẩn bị cho chợ phiên, bà con các dân tộc từ các bản, các nẻo đường xa thường về chợ khá sớm. Các cô gái Dao, Tày trong trang phục sặc sỡ xuống chợ như trảy hội. Người lớn gùi hàng dắt theo con trẻ, trên lưng mẹ em bé vẫn ngủ ngon lành trong tiếng huyên náo của phiên chợ… có lẽ là những "đặc sản" riêng có, những khoảnh khắc thú vị mà du khách có thể ghi lại được.

Chợ phiên ở vùng cao, việc mua bán diễn ra rất đơn giản. Người bán hàng gùi hàng tới chợ đặt các loại hàng hóa lên tấm bạt, hoặc một khoảnh đất trước chợ, việc mua bán diễn ra nhanh chóng, dễ dàng nếu người mua ưng. Người bán chỉ bày hàng, nói giá và bán với giá thật, gần như không nói giá cao hơn, không trả giá.

Đi chợ phiên cuối năm, mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc vẫn được duy trì. Những ngày cận Tết, chợ phiên thường đông người, náo nhiệt hơn song chợ vẫn bày bán chủ yếu các mặt hàng truyền thống, do người dân địa phương sản xuất như: Miến dong làm thủ công, thổ cẩm, các loại bánh truyền thống… Đặc biệt, không thể thiếu các loại nông, lâm sản do chính bà con trồng cấy, khai thác từ rừng mang xuống chợ. Góc nhộn nhịp, thu hút đông đảo bà con mua hàng nhất ở chợ phiên có lẽ là khu vực bán bánh kẹo, mứt Tết, bán đào, quất, lạt tre, lá dong rừng…

Với chợ phiên Đồng Văn, điểm đặc trưng ở đây là bà con dân tộc Dao và các dân tộc khác trên địa bàn vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Họ thường xuống chợ phiên với các loại trang phục truyền thống, duy trì được các sinh hoạt văn hóa trong chợ phiên. Vì thế, tới phiên chợ cận Tết, du khách dễ dàng bắt gặp không gian đầy màu sắc, sặc sỡ của trang phục bà con các dân tộc. Các cô gái Dao túm tán chuyện hoặc mua thổ cẩm, quần áo chuẩn bị cho ngày Tết. Thú vị hơn chợ phiên là không gian bà con các dân tộc tụ tập gặp gỡ, giao lưu cùng nhau ăn uống, hát làn điệu cổ truyền, tấu kèn...

Phụ nữ dân tộc Dao chọn lựa vải, nguyên liệu may, dệt thổ cẩm ở chợ phiên Đồng Văn.

Nơi bạn không thể không đến tham quan là khu bán quần áo thổ cẩm, váy áo, nơi bà con các dân tộc mua bán, giao lưu, trao đổi những vuông loại thổ cẩm, mua sắm quần áo Tết. Kết thúc tham quan chợ, du khách có thể ra khu vực sau chợ nếm thử món phở xào tuyệt ngon, có tiếng ở Bình Liêu.

Hiện chợ Đồng Văn đang được huyện Bình Liêu quan tâm, quy hoạch thành điểm tham quan thu hút du khách. Đây cũng là điểm chung chuyển thuận lợi cho các tuyến tham quan, dừng chân từ Bình Liêu đi Hải Hà, Móng Cái; từ thị trấn lên các điểm tham quan mốc biên giới ở Bình Liêu.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202001/cho-phien-dong-van-2468267/