Chợ nông thôn mới – bài toán hóc búa cho nhiều địa phương

Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 7 về “Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn” (chợ nông thôn) được đánh giá có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT -XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần xây dựng bộ mặt NTM bền vững. Tuy nhiên, đây cũng được xem là một trong những tiêu chí khó đạt đối với các xã vùng khó khăn, bởi chuẩn về nguồn lực đầu tư xây dựng chợ nông thôn đang “bắt bí” nhiều địa phương.

Nhiều chợ nông thôn của tỉnh Quảng Nam đang xuống cấp, quá tải. Trong ảnh: Chợ La Nghi, P. Điện Nam Đông, TX Điện Bàn. Ảnh: Q.PHÚC

Nhiều chợ nông thôn của tỉnh Quảng Nam đang xuống cấp, quá tải. Trong ảnh: Chợ La Nghi, P. Điện Nam Đông, TX Điện Bàn. Ảnh: Q.PHÚC

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 154 chợ, gồm: 2 chợ hạng 1 (chợ Hội An và chợ Tam Kỳ), 14 chợ hạng 2 và 138 chợ hạng 3; trong đó, khu vực nông thôn có 116 chợ, khu vực thành thị và miền núi cùng có 19 chợ. Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ hiện nay của tỉnh Quảng Nam có khoảng 23.000 hộ, bao gồm 14.000 hộ kinh doanh cố định và 9.000 hộ kinh doanh không thường xuyên. Tuy nhiên, hiện trạng hạ tầng các chợ phần lớn là bán kiên cố, đã xuống cấp, quá tải, chợ tạm không đảm bảo hoạt động. Đặc biệt tại một số huyện miền núi, chợ tại trung tâm huyện chỉ có quy mô chợ hạng 3, chưa có chợ trung tâm xã, cụm xã để phục vụ dân sinh. Trong khi hầu hết các huyện miền núi Quảng Nam có diện tích lớn nhưng chỉ có từ 1-2 chợ/huyện nên nhu cầu vốn đầu tư cho các chợ tại đây khá lớn nhưng nguồn vốn huy động, hỗ trợ hiện chưa đáp ứng.

Đơn cử như tại xã Đại Lãnh (H. Đại Lộc, Quảng Nam) chỉ có chợ Tân An nằm trong quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Nam rộng hơn 1.700m2, gồm: chợ ngoài trời, ki-ốt nhà chính khoảng 150m2. Song hiện nay một số hạng mục xuống cấp và còn thiếu nên cần đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu hoạt động mua bán của người dân. Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, cho biết hiện tiêu chí xây dựng NTM về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn của xã chưa đạt. Cũng theo ông Yến, để đạt được tiêu chí này phải đầu tư xây dựng nhà bảo vệ, nâng cấp nhà vệ sinh, nhà vòm, sân nền, hệ thống thoát nước và dự kiến đến tháng 5-2019 mới có thể hoàn thành.

Nguyên nhân chính khiến nhiều địa phương không đạt tiêu chí số 7 này là do nguồn kinh phí đầu tư xây dựng chợ nông thôn quá lớn, vượt tầm đối với cấp xã, huyện. Bởi theo Nghị quyết 125/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam (viết tắt: NQ125) về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020, mỗi năm tỉnh Quảng Nam cân đối ngân sách để bố trí tối thiểu 10 tỷ đồng để hỗ trợ cho các địa phương trong việc xây mới, cải tạo, nâng cấp chợ. Song mức vốn hỗ trợ của nguồn vốn từ NQ125 chỉ đảm bảo từ 20-25% tổng mức vốn đầu tư. Do đó, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các chợ, các huyện hiện phải lồng ghép các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo tỷ lệ đối ứng 75-80% tổng mức đầu tư. Đây là một trong những khó khăn của các địa phương, nhất là các huyện miền núi trong tỉnh bởi các huyện này điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế. Điển hình như chợ H. Bắc Trà My có số vốn đầu tư là 39 tỷ đồng nhưng tỉnh chỉ hỗ trợ được 2 tỷ đồng; hoặc như các chợ Nam Giang (H. Nam Giang), chợ Tiên Phong (H. Tiên Phước)... do không đủ nguồn đối ứng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung.

Trước thực trạng trên, đầu tháng 7-2018, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014-2020. Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, từ năm 2016 đến nay đã có 15 chợ trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư theo NQ125, với tổng vốn hỗ trợ là gần 19,5 tỷ đồng (gồm 5 chợ hạng 2 và 10 chợ hạng 3). Trong đó, có 2 chợ hỗ trợ cho nhà đầu tư và 13 chợ hỗ trợ cho UBND các địa phương thực hiện. Tuy nhiên nhiều ý kiến tại hội nghị đều cho rằng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho các chợ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa bàn miền núi của tỉnh. Do đó, để đảm bảo các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho các chợ ở khu vực nông thôn Quảng Nam, đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan đã đề nghị nâng mức đầu tư cho các chợ lên so với các quy định tại NQ125.

Theo đề xuất của Hội đồng tư vấn Kinh tế- Xã hội (UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam), cần nâng mức hỗ trợ đầu tư đối với chủ đầu tư là các huyện, xã từ 20% (theo NQ125) lên 40% so với tổng mức đầu tư. Riêng khu vực miền núi tăng từ 25% lên 50%, không quá 4 tỷ đồng đối với chợ hạng 1; 3 tỷ đồng đối với chợ hạng 2 và 2 tỷ đồng đối với chợ hạng 3. Còn mức hỗ trợ đối với nhà đầu tư từ 20% (NQ125) lên 40% so với tổng mức đầu tư; riêng khu vực miền núi từ 25% lên 50%, không quá 3,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 1; 2,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 2 và 1,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 3.

Ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là mức hỗ trợ hợp lý vì hiện nay chi phí đầu tư xây dựng các chợ đã tăng nhiều so với thời điểm NQ125 ra đời (năm 2014). Cũng theo ông Hùng, cần hiểu đúng bản chất vấn đề bởi đây là cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để hỗ trợ mọi tổ chức, cá nhân có cơ hội tham gia đầu tư xây dựng chợ nông thôn.

Theo chúng tôi, để thực hiện đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn một cách bền vững để thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì các địa phương không chỉ đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ mà cần đổi mới phương thức quản lý từ tổ quản lý chợ thuộc UBND xã sang mô hình HTX quản lý chợ. Đặc biệt, thực hiện việc xã hội hóa hoạt động quản lý chợ thay cho mô hình Nhà nước quản lý chợ như truyền thống.

QUANG PHÚC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_192642_cho-nong-thon-moi-bai-toan-hoc-bua-cho-nhieu-dia.aspx