Chợ nón thắp đèn dầu mua bán từ nửa đêm

Phiên chợ đặc biệt nằm khuất trong một con hẻm ở Phù Cát, Bình Định, diễn ra vào lúc nửa đêm nên phải dùng đèn dầu hoặc đèn pin lấy ánh sáng để mua bán.

Đồng hồ điểm 0h, những chiếc xe đạp, xe kéo lục đục đổ về chợ nón lá Phù Cát (Bình Định) để kịp bắt đầu phiên mở hàng. Phiên chợ đặc biệt này nhộn nhịp ngay từ nửa đêm.

Đồng hồ điểm 0h, những chiếc xe đạp, xe kéo lục đục đổ về chợ nón lá Phù Cát (Bình Định) để kịp bắt đầu phiên mở hàng. Phiên chợ đặc biệt này nhộn nhịp ngay từ nửa đêm.

Những bó lồ ô được sắp xếp gọn gàng để chuẩn bị họp chợ. Người dân cho biết trước kia, tại Bình Định cũng có chợ nón lá khác tên là Gò Găng (thị xã An Nhơn) họp thường nhật, nhưng về sau, người ít, chợ nghỉ, họ chuyển sang họp tại đây.

Mặt hàng nổi bật ở phiên chợ này là những chiếc vành nón, khung nón, lá hoặc những bó cước. Mỗi hàng bán một loại nguyên liệu, ngoài ra còn có cả nón thành phẩm.

Chợ họp về đêm, nhưng điều đặc biệt là ở đây mặc nhiên người bán không dùng điện mà sử dụng ánh sáng của đèn dầu hoặc đèn pin để xem hàng, trao đổi. Dưới ánh sáng vàng ấy, những chồng nón trắng được bày xếp gọn gàng cùng nụ cười móm mém của các bà, mẹ, phiên chợ tạo nên nét văn hóa riêng của người Bình Định, nó hiện lên nét mộc mạc, chân chất của những phận người dung dị, lam lũ.

Chợ nằm ở khuất trong một con hẻm. Tiếng là chợ nhưng không quá ồn ào, không có tiếng cãi cọ. Mọi người nói với nhau vừa đủ nghe, ánh sáng vừa đủ thấy và nụ cười cũng xuất hiện nhiều cả ở người mua kẻ bán.

Những tiểu thương nơi đây chủ yếu là người vùng quê Phù Cát hiền lành, chân thật, có cuộc sống giản dị. Chị Nguyễn Thị Thanh ôm chồng nón cho biết tổng cộng 35 chiếc, tự tay chị và các con làm trong hơn một tuần. Làm nón lâu năm, nữ tiểu thương này chủ yếu bán cho khách quen nên chẳng sợ ế. Chừng ấy năm vẫn những gương mặt quen thuộc nên mọi người đối đãi với nhau như người nhà.

Bà Năm gắn bó với nghề này từ thời con gái. Mỗi phiên chợ là một niềm vui khó bỏ của bà. Lúc trước, nhà còn đông người thì chằm nón mang ra chợ bán, sau chuyển sang thu mua của các hộ làm nón để buôn. Mỗi đêm bà bán trên dưới 100 chiếc.

Những bó nứa không thể thiếu trong kết cấu của chiếc nón được tập kết ở một góc riêng trước cổng chợ. Nó được mang về từ vùng núi xa xôi của huyện An Lão.

Ở một góc tối khác, người phụ nữ ngồi chờ khách với những bó lá cọ khô xâu thành từng chuỗi.

Hàng bán khuôn nón riêng, giá mỗi khuôn 60.000 đồng, người mua chủ yếu là dân làm nghề nên đã quá rành, không có sự mặc cả. Bà Nguyễn Thị Tý (quê ở Cát Tân) cho biết bà đã gắn bó với chỗ ngồi này 19 năm. Bà cũng là người duy nhất bán khuôn nón ở chợ.

Cảnh giao dịch diễn ra lặng lẽ, không có cảnh chào mời, giữa những người bán cũng không có chuyện tranh giành khách lẫn nhau.

Bà Tám (quê ở Cát Tiến) cẩn thận sắp xếp sao cho những bó cước không bị rối để người thợ thuận lợi khi chằm nón.

Phía ngoài chợ là nơi bán các nguyên liệu làm nón. Khu vực này có ánh đèn điện nên các tiểu thương không phải thắp đèn dầu như bên trong.

Võ Việt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cho-non-thap-den-dau-mua-ban-tu-nua-dem-post979003.html