Chợ nổi Cái Răng

Nếu bạn đến thành phố Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam bộ, mà chưa đến chợ nổi Cái Răng thật là đáng tiếc, bởi không được chiêm ngưỡng và thưởng thức nét văn hóa chuyên biệt của vùng đất Tây Đô này.

Xuồng nhỏ bán trái cây tiếp thị khách du lịch trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Vân Minh.

Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Khách du lịch khi đi thăm chợ thường xuất phát từ bến Ninh Kiều. Tại đây có rất nhiều ghe du lịch lớn nhỏ, trung bình mỗi ghe có khoảng 20 ghế cho khách đoàn, cũng có những chiếc xuồng nhỏ chở ít người hơn với quy mô gia đình hay khách lẻ đi tham quan.

Chợ nổi Cái Răng cách bến Ninh Kiều khoảng 4km, mất chừng 30 phút chạy ghe trên sông Hậu. Chợ họp từ mờ sáng đến khoảng 8-9 giờ là vãn, do vậy, khách muốn đi thăm chợ phải dậy thật sớm, đến chợ tầm 6 giờ đến 6 giờ 30 phút là lúc đông đúc, nhộn nhịp nhất.

Khi bình minh lên, đôi bờ sông Hậu hiện rõ, một bên bờ trù phú cây trái, nhà cửa xen lẫn, ẩn hiện, một bên là thành phố Cần Thơ với những trụ sở rộng rãi, nhà cao tầng soi bóng xuống dòng sông. Chợ nổi Cái Răng có đầy đủ đặc trưng của một chợ mà bất kỳ địa phương nào cũng có, đó là sự nhộn nhịp, đông đúc của người mua, kẻ bán, là hàng hóa trao đổi từ nhiều nơi tụ lại; song cái khác cơ bản là, chợ họp trên sông, cho nên người đến chợ phải đi bằng ghe hoặc xuồng.

Chợ tấp nập với đủ loại ghe xuồng lớn, nhỏ chở các loại sản phẩm hàng hóa để trao đổi. Những chiếc ghe gỗ mui kín dài hàng chục mét chất đầy đồ, những chiếc ghe "mui trần" xếp hàng hóa đầy ăm ắp, có cả xuồng nhỏ, xuồng to. Anh bạn đồng nghiệp báo Cần Thơ giải thích, ghe to thường là của các thương lái mua gom hàng mang đi các nơi tiêu thụ, thậm chí còn ngược dòng sang tận Cam-pu-chia, xuồng nhỏ của bà con quanh khu vực mấy tỉnh Tây Đô mang sản phẩm của mình đến trao đổi.

Quan sát tại chợ nổi trên sông, hàng hóa khá đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là trái cây và nông sản như dưa hấu, cam, xoài, khoai lang, hành tỏi, bí ngô... Chợ họp cũng được phân chia thành các khu vực bán hàng riêng như khu trái cây, khu nông sản, các ghe, xuồng cứ cập mạn vào nhau sang hàng, chuyển sản phẩm.

Một đặc trưng biệt khá thú vị mà chúng tôi nhận thấy, ở đầu mỗi ghe, xuồng có những chiếc sào được dựng lên, trên đó chủ ghe treo lủng lẳng rất nhiều thứ nông sản gồm bí ngô, dưa hấu, tỏi, khoai lang hay dứa, xoài. Những cây sào này người chợ nổi gọi là cây bẹo, khách mua bán chỉ cần nhìn cây sào treo sản phẩm là biết ghe, xuống bán loại gì để mua.

Theo quan sát, chợ nơi đây bán buôn là chính, do đó hàng hóa nếu có đóng túi cũng phải 5-10kg như khoai lang, hành tây, tỏi... Có những chiếc ghe chuyên mua một loại sản phẩm như dưa hấu, dứa, cam... chất đầy ghe tới cả chục tấn, tương đương một chiếc ô tô tải của các thương lái thường chở từ Nam ra Bắc trên đất liền. Chợ họp nhộn nhịp, lao xao tiếng người mua bán, rộn ràng tiếng máy khua nước của các ghe, xuồng trên sông.

Chợ nổi Cái Răng không chỉ có khách hàng đến đây mua bán, mà còn thu hút rất nhiều du khách, trong đó có cả khách nước ngoài. Họ đến chợ nổi để cảm nhận nét văn hóa sông nước riêng biệt của vùng đất Tây Nam bộ và để hòa mình vào cuộc sống của những người dân làm nghề sông nước, coi ghe là nhà. Có rất nhiều gia đình đều ăn, ở, sinh hoạt trên ghe.

Chính vì thế, họ cũng cần có những bữa cơm, các nhu cầu sinh hoạt khác. Thế nên tại đây thường xuất hiện những chiếc ghe nhỏ chuyên cung cấp các thực phẩm, đồ uống cho các ghe, xuồng lớn như thịt, cá, rau, nước uống, hàng hóa mỹ phẩm, xăng dầu... Ngoài các hoạt động mua bán, chợ còn xuất hiện "đội quân" dịch vụ như bán cà phê, trái cây bằng xuồng, cập vào các ghe chở khách mời mọc. Giá cả ở đây tương đối rẻ (5 quả bưởi Năm roi chỉ mua với giá 60.000 đồng), người dân ở rất nhiệt tình nhưng không đeo bám để chèo kéo du khách như một số nơi.

Có một điều gây ấn tượng đối với tôi là, mặc dù các ghe, xuồng chất đầy hàng hóa nhưng ghe nào cũng có vài ba chậu cây xanh, cây hoa. Thế mới biết, dù sống ở đâu, trên đất liền hay sông nước, biển cả, con người cũng không thể thiếu màu xanh nguyên thủy của sự sống.

Trải nghiệm văn hóa của chợ nổi, chúng tôi cảm nhận rõ hơn nét đặc sắc của vùng đất Tây Đô, không chỉ bởi là chợ trên sông nước, mà còn bởi tính cách phóng khoáng đậm đà tình cảm con người nơi đây. Chợ nổi Cái Răng xứng đáng để du khách đến Cần Thơ tới thăm và cảm nhận, có lẽ không chỉ một lần.

Vân Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cho-noi-cai-rang/