Chợ nổi Cái Răng: Lênh đênh như phận thương hồ

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động theo thời gian, câu hỏi 'làm thế nào bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng' nhằm giữ lại những nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước đã thực sự trở thành câu hỏi khó.

Chợ nổi Cái Răng: Lênh đênh như phận thương hồ

Nằm cách trung tâm TP. Cần Thơ chỉ khoảng 5km đường chim bay, chợ nổi Cái Răng mang nhiều nét đặc trưng không gian mua bán “trên bến dưới thuyền” của miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh chức năng chính là “chợ”, chợ nổi Cái Răng còn là một điểm nhấn trên bản đồ du lịch, một nơi du khách cần phải đến khi có dịp đặt chân đến xứ sở phù sa.

Chợ nổi Cái Răng được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, trước khi các chợ nổi khác trong vùng xuất hiện như: Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)… sau khi công cuộc đào kênh thủy lợi của người Pháp hoàn thành vào năm 1915. Lúc mới hình thành, chợ nổi Cái Răng họp chợ tại nơi giao nhau của 04 con sông: Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé.

Do vị trí thuận lợi, nằm cách cửa sông Hậu chỉ vài cây số lại giữ vị trí trung tâm giao thông đường thủy tiểu vùng phía Tây sông Hậu nên chợ nổi Cái Răng ngày càng phát triển sầm uất. Hàng gốm sứ từ miệt Lái Thiêu (Bình Dương), hàng thủ công mỹ nghệ, trâu bò từ Tri Tôn (An Giang), khô cá bổi vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), các loại trái cây, nông sản theo các tuyến giao thông thủy như: Kênh xáng Xà No, sông Cái Lớn, sông Cái Bé… theo chân thương hồ lũ lượt hội tụ về đây.

Chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa đã định hình một không gian văn hóa đặc sệt tính cách Nam Bộ hào sảng, nghĩa tình, trọng chữ tín nên “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thế nhưng hiện nay, khi mạng lưới giao thông nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Nhà nước đầu tư mạnh mẽ, thương lái có thể đi xe tải vào tận vườn cây, ruộng lúa để thu mua nông sản của nông dân thì câu hỏi “làm thế nào để bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” đã thực sự trở thành câu hỏi khó. Bảo tồn mang nội hàm là hoạt động gìn giữ một cách an toàn khỏi sự tổn hại, xuống cấp của một hiện trạng. Ở khía cạnh nhìn nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa quốc gia thì bản thân nó đã trở thành tài sản của cả quốc gia chứ không riêng địa phương nào.

Trong thời gian qua, Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” của UBND TP. Cần Thơ đã phát huy được hiệu quả thiết thực, giữ chân được số lượng thương hồ tham gia giao thương. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội có nhiều biến động theo thời gian, giao thông đường bộ với những lợi thế như vận chuyển nhanh, chi phí thấp và nhất là đảm bảo được độ tươi ngon của nông sản khi bước lên bàn ăn của người tiêu dùng thì vấn đề đặt ra ở đây là tính cạnh tranh của chợ nổi chứ không nên duy ý chí.

Vợ chồng thương hồ La Văn Hiệp vẫn bám trụ kinh doanh tại Chợ nổi Cái Răng để giữ lại những nét văn hóa giao thương của vùng sông nước.

Anh La Văn Hiệp (SN 1978) - người sinh ra trong một gia đình có 3 đời hành nghề thương hồ ở chợ nổi Cái Răng tâm sự: “Nghề thương hồ tuy cực nhưng nếu biết chí thú làm ăn vẫn có thể có dư để tích lũy phòng thân. Sinh ra và lớn lên trên chợ nổi, nếu vì một nguyên do gì đó mà chợ nổi không còn nữa thì thương hồ như chúng tôi biết làm nghề gì khác để sinh nhai?

Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thương hồ làm ăn như: cho thương hồ vay vốn; xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX sản xuất nông sản sạch cung ứng cho chợ nổi… Tuy nhiên, khi vận tải đường thủy bị mất lợi thế cạnh tranh của vận tải đường bộ, nhìn số lượng ghe thương hồ đổ về đây trồi sụt theo xu hướng giảm khiến chúng tôi không khỏi lo lắng.”

Khi được biết trong dự án “Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ” có đoạn kè đi qua chợ nổi Cái Răng, ông Nguyễn Minh Sang - chủ vựa nông sản 6 Tèo băn khoăn: “Bờ kè xây dựng nhằm mục đích chống sạt lở, ứng phó với tình hình nước biển dâng cao là điều hết sức cần thiết. Nhưng dân mua bán như chúng tôi thì lo ngại vì nó có thể làm thay đổi tập quán mua bán, hàng hóa từ dưới ghe lên bờ (và ngược lại) gặp khó khăn, thương hồ sẽ bỏ đi nơi khác”.

Ông Vương Công Khanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Cái Răng cho biết: Đoạn bờ kè sông đi qua chợ nổi Cái Răng sẽ được đặc biệt chú trọng thiết kế sao cho phù hợp với tập quán mua bán của thương hồ. Trước mắt, trong quá trình thi công địa phương đã lựa chọn nơi lên xuống hàng hóa thuận tiện nhất theo đúng nguyện vọng của thương hồ. Sau khi hoàn thành nó vừa tạo được cảnh quan đẹp, vừa giúp thương hồ thuận tiện hơn trong giao thương. Chúng tôi luôn tâm niệm thương hồ là hồn cốt, là sự sống còn của chợ nổi nên luôn dành cho họ sự quan tâm đặc biệt.

Phía trước còn nhiều việc, nhưng với những nỗ lực của chính quyền trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa này, chúng ta hy vọng chợ nổi Cái Răng sẽ mãi là ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến Tây Đô chứ không lênh đênh như phận thương hồ.

Thụy Vũ

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cho-noi-cai-rang-lenh-denh-nhu-phan-thuong-ho-d169399.html