Cho nhân viên tạm nghỉ vì COVID-19, trả lương thế nào...đúng luật?

Do kinh doanh khó khăn trong mùa dịch Covid -19, một số doanh nghiệp đã phải cho nhân viên tạm nghỉ. Dư luận đặt câu hỏi về việc trả lương thế nào cho đúng luật trong trường hợp này?

Mới đây, 1 video ghi lại cảnh nữ quản lý chuỗi khách sạn 3 sao Hanoi Emerald Waters Hotel ở Hà Nội bật khóc khi thông báo cho nhân viên nghỉ việc vì không cầm cự được trong mùa dịch Covid -19 nhận được sự chú ý của cộng đồng.

Theo nội dung đoạn video, nữ quản lý nói rằng, nhiều tháng qua, khách sạn, chuỗi nhà hàng của công ty… không có khách đặt. Mỗi ngày doanh thu của cả hệ thống chỉ được từ 1-3 triệu, trong khi chỉ riêng chi phí tiền điện, nước đã là 200-300 nghìn/ ngày.

Đáng chú ý, thông tin từ nữ quản lý cho thấy, những người nghỉ việc về quê nhưng cam kết sẽ quay lại làm việc được công ty này hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ tháng, với những người không có quê hoặc vì một lý do nào đó không thể về quê, thì được hỗ trợ mức là 4 triệu đồng/ tháng.

 Nữ quản lý khách sạn thông báo, những người nghỉ việc về quê nhưng cam kết sẽ quay lại làm việc được công ty này hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ tháng, với những người không có quê hoặc vì một lý do nào đó không thể về quê, thì được hỗ trợ mức là 4 triệu đồng/ tháng.

Nữ quản lý khách sạn thông báo, những người nghỉ việc về quê nhưng cam kết sẽ quay lại làm việc được công ty này hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ tháng, với những người không có quê hoặc vì một lý do nào đó không thể về quê, thì được hỗ trợ mức là 4 triệu đồng/ tháng.

Từ sự việc này, dư luận đặt câu hỏi, cho nhân viên tạm nghỉ vì COVID-19, trả lương thế nào...đúng luật?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Lê Thu Hằng, Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư Hà Nội nêu ý kiến, thời điểm xảy ra đại dịch, hầu hết các ngành công nghiệp dịch vụ, điển hình dịch vụ lưu trú du lich, khách sạn, nhà hàng đều đóng băng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Đây là một sự kiện mà không chỉ du lịch, bất kể các ngành nghề đều không thể lường trước được.

Những ngày qua, cư dân mạng chia sẻ rộng rãi thông tin một doanh nghiệp (người sử dụng lao động) kinh doanh dịch vụ khách sạn – nhà hàng, tạm thời cho nhân viên (người lao động) nghỉ làm trong 4 tháng, và hỗ trợ lương thất nghiệp 1,5tr/tháng, được thanh toán vào thời điểm đi làm lại; đối với người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì chi trả 4tr/tháng không phân biệt chức vụ.

Trong bối cảnh không chỉ ngành du lịch, dịch vụ đang gồng mình chống dịch và chịu thiệt hại vô cùng lớn, gian nan thử sức người, khó khăn thử thách doanh nghiệp.

Việc một khách sạn ở Hà Nội trước những thiệt hại của đại dịch Covid – 19, đã có động thái hết sức văn minh, mời toàn thể người lao động họp để giải quyết những khó khăn doanh nghiệp cũng như hỗ trợ đời sống của người lao động.

Tuy giải pháp là thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm với người lao động của doanh nghiệp, nhưng mức lương hỗ trợ (tạm gọi) mà doanh nghiệp đưa ra chưa thực sự phù hợp với các quy định của pháp luật.

Luật sư Lê Thu Hằng cho rằng, cần phân tích rõ quãng thời gian doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ là thời gian “tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động” hay thời gian “ngừng việc”.

Trong trường hợp người sử dụng lao động mời người lao động thỏa thuận về việc “tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động” theo quy định tại Khoản 5 Điều 32 Bộ luật Lao động 2012, thì về nguyên tắc, doanh nghiệp không phải trả lương và đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động, như doanh nghiệp (clip đã chia sẻ) đang thực hiện.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động này phải được lập thành biên bản. Việc người lao động ký biên bản ngừng việc và nhận hỗ trợ được xem là thỏa thuận “tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động” có hiệu lực.

Trong trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận với nhân viên về việc “ngừng việc”, tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, trong trường hợp ngừng việc do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Cụ thể, vùng I: 4.420.000đồng/tháng, Vùng II: 3.920.000đồng/tháng; Vùng III: 3.430.000đồng/tháng, Vùng IV 3.070.000đồng/tháng.

Do đó, mức lương 1,5 triệu (thanh toán sau khi đi làm lại) mà doanh nghiệp thỏa thuận với nhân viên là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài ra, trong thời gian ngừng việc, doanh nghiệp vẫn phải đóng các khoản bảo hiểm cho nhân viên.

Đối với khoản lương 4 triệu đồng/tháng chi trả cho những người lao động vẫn đang làm việc theo đề nghị từ phía doanh nghiệp. Phải xem xét rằng, doanh nghiệp chịu rất nhiều thiệt hại và vô cùng khó khăn trong mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, trường hợp dịch bệnh xảy ra, doanh thu sụt giảm cũng không phải điều khoản để hạ thấp mức lương của người lao động. Bản chất, doanh nghiệp vẫn phải thanh toán lương cho người lao động theo hợp đồng lao động.

Clip nữ quản lý khách sạn thông báo cho nhân viên tạm nghỉ việc:

Tuy nhiên, đối với trường hợp khách sạn xem xét người lao động chỉ làm việc 18 ngày/tháng, những ngày còn lại được xem xét là thời gian ngừng việc. Như vậy, doanh nghiệp vẫn phải thanh toán cho nhân viên lương theo hợp đồng lao động cho 18 ngày làm việc bình thường cộng với mức lương thỏa thuận ngừng việc những ngày không làm việc như đã phân tích.

Một khi hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động có hiệu lực, người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ và trách nhiệm thanh toán lương với người lao động. Dịch bệnh xảy ra được xem như là sự kiện mà doanh nghiệp không lường trước được. Thiệt hại của doanh nghiệp lúc này không phải là căn cứ xem xét là điều kiện hợp pháp để cắt giảm lương của người lao động.

Trong trường hợp người sử dụng lao động quá khó khăn, cần thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự, người sử dụng lao động vẫn có quyền thanh lý hợp đồng lao động với người lao động bằng cách đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Luật sư Lê Thu Hằng, Công ty TAT Law Firm.

Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do dịch bệnh mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Tuy nhiên doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết trước 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Người sử dụng lao động vẫn phải trả lương theo hợp đồng cho người lao động trong thời hạn này, mặc dù người sử dụng lao động đã cho người lao động nghỉ làm cho đến khi có quyết định thanh lý hợp đồng lao động.

Có thể nói, dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn, doanh nghiệp thiệt hại, người lao động trong doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để một doanh nghiệp tiến xa và mở rộng, yếu tố quan trọng nhất là niềm tiên và lòng trung thành của người lao động trong doanh nghiệp. Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với nhân viên của mình trong quãng thời gian khó khăn nhất, cùng nhau gồng gánh vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, đại dịch xảy ra, thiệt hại là vô cùng lớn, do đó, Nhà nước cũng có nguồn ngân sách dự phòng Trung ương trong công tác khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/cho-nhan-vien-tam-nghi-vi-covid-19-tra-luong-the-naodung-luat-1348311.html