'Chợ người' tại Libya

Không phải một chiếc xe đã qua sử dụng, một mảnh đất hoặc đồ nội thất, cũng không phải bất kỳ loại hàng hóa nào mà là 2 người đàn ông bị rao bán với giá 400 USD/người.

Đó là hình ảnh cuộc đấu giá nô lệ được quay bằng điện thoại hồi tháng 8-2017 mà đài CNN có được và công bố hôm 14-11.

Một trong 2 thanh niên trong đoạn video là công dân Nigeria, khoảng 20 tuổi nhưng không rõ danh tính. Theo lời người đấu giá (không xuất hiện trong đoạn video), người Nigeria này thuộc "một nhóm thanh niên khỏe mạnh" bị đấu giá để làm việc nông.

Sau khi kiểm chứng tính xác thực của đoạn video, phóng viên CNN đã đến Libya để điều tra thêm. Tại một địa điểm ở ngoại ô thủ đô Tripoli hồi tháng trước, phóng viên CNN chứng kiến hơn 10 người bị bán đấu giá trong vòng 6-7 phút.

Những người di cư bị tạm giữ tại Trung tâm Treeq Alsika ở thủ đô Tripoli - Libya chờ hồi hương Ảnh: CNN

Đoạn video trên cũng được giao cho giới chức trách Libya và họ hứa điều tra đầy đủ. Trung úy Naser Hazam thuộc Cơ quan Chống nhập cư trái phép Libya nói với đài CNN rằng dù chưa tận mắt chứng kiến một cuộc đấu giá nô lệ nào nhưng ông thừa nhận bọn tội phạm có tổ chức đang điều hành những đường dây buôn người tại Libya.

Ông Hazam cho biết: "Những kẻ buôn người không quan tâm điều gì khác ngoài tiền trong khi người di cư có thể đến được châu Âu hoặc chết trên biển".

Mỗi năm có đến hàng chục ngàn người vượt qua biên giới Libya với hy vọng đến châu Âu để chạy trốn xung đột hoặc tìm cơ hội đổi đời. Đa phần họ bán hết tài sản để có tiền lộ phí qua Libya rồi vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát chặt chẽ gần đây của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya khiến ngày càng ít tàu thuyền được ra khơi, đẩy số phận nhiều người di cư vào tay bọn buôn người và trở thành nô lệ.

Ông Anes Alazabi, hiện giám sát một trung tâm tạm giữ người di cư sắp bị trục xuất ở Tripoli, cho biết đã nghe rất nhiều câu chuyện tồi tệ về bọn buôn người.

Anh Victory, một trong những người di cư bị giữ tại đây, kể mình từng bị bán tại một cuộc đấu giá nô lệ. Sau khi rời bỏ nhà cửa ở Nigeria, Victory mất khoảng 1 năm 4 tháng mới đặt chân đến Libya rồi bị cầm giữ trong điều kiện khắc nghiệt cùng những người di cư khác, như bị bỏ đói và ngược đãi.

Đến lúc không còn một xu dính túi, Victory bị bọn buôn người đem bán để làm việc trả nợ. Chưa hết, bọn tội phạm còn yêu cầu gia đình anh nộp tiền chuộc trước khi thả người.

Trong lúc ở nơi tạm giữ chờ được trả về Nigeria, Victory kể với đài CNN rằng bản thân đã tốn khoản tiền tương đương 2.780 USD, trong lúc mẹ anh phải vay mượn tiền để cứu con.

Khi tuyến đường di cư qua Bắc Phi ngày càng trắc trở, nhiều người đã từ bỏ giấc mơ đến châu Âu. Trong năm nay, hơn 8.800 người đã tự nguyện trở về nhà trên các chuyến bay hồi hương do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cho-nguoi-tai-libya-20171115214925359.htm