Cho mùa vải ngọt bội thu

Với việc chủ động xúc tiến thương mại, người trồng vải đang đứng trước một vụ mùa thành công.

Sản xuất an toàn, thu lợi nhuận cao

Những ngày này, vườn vải của gia đình ông Hoàng Ngọc Hiền (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đang cho thu hoạch. Vải đẹp, quả đỏ hồng, không sâu đầu, vị ngọt thanh và đặc biệt là vườn vải gia đình ông sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, giá vải thiều của gia đình ông Hiền có giá bán cao hơn thị trường 20-30%.

Vải thiều Lục Ngạn được đưa đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

“Với 1,3ha vải thiều sản xuất theo GlobalGAP, dự kiến vườn vải cho thu hoạch 17 tấn quả với giá từ 15 - 25 nghìn đồng/kg, tùy chất lượng. Các thương lái và một số doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Mỹ và các nước EU. Nhìn chung, từ khi triển khai trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, chất lượng quả vải được nâng lên, giá bán cũng ổn định ở mức cao, giá trị gia tăng từ quả vải hơn nhiều lần trước đây”, ông Hiền chia sẻ.

A Thảo – một thương lái Trung Quốc đã có 13 năm kinh doanh vải trên đất Lục Ngạn cho hay, anh đang thu mua vải để đưa về bán tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và việc tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc cũng rất thuận lợi. Năm 2018, A Thảo đang thu mua tại 3 điểm, mỗi ngày thu mua 50 - 60 tấn với giá từ 23.000 - 25.000 đồng/kg. A Thảo đánh giá, Trung Quốc cũng có nhiều vải, nhưng vải Việt Nam ngon, ngọt, màu sắc đẹp hơn nên rất được người Trung Quốc chuộng hơn và giá bán cũng cao hơn 50% vải Trung Quốc.

Hiện nay, trên toàn xã Hồng Giang có hơn 520 ha vải thiều, hầu hết toàn bộ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 32 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… Năm 2017, Hồng Giang có tới hơn 300 tấn vải thiều được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật. Chủ tịch UBND xã Hồng Giang Bùi Huy Tình nhận định, năm 2018 sản lượng vải toàn xã ước khoảng trên 5.000 tấn, ước tính doanh thu từ vải thiều khoảng 80 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn xã có 22 điểm cân thu mua vải.

Đánh giá chung tình hình sản xuất và tiêu thụ vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn - vựa vải lớn nhất của Bắc Giang, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2018, sản lượng vải thiều của huyện ước đạt trên 140.000 tấn. Tính đến hết ngày 16/6/2018, tổng số lượng vải đã thu hoạch tiêu thụ là trên 41 nghìn tấn, trong đó vải chín sớm là 13.560 tấn, vải thiều trên 27.440 tấn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 464 điểm cân vải, gồm các điểm cân lớn xuất sang Trung Quốc, vào miền Nam và các điểm cân nhỏ dọc các tuyến đường mang đi tiêu thụ tại các tỉnh lân cận; có 152 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc.

Cũng theo ông Bình, vải thiều Lục Ngạn hiện được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đến nay, tổng sản lượng đã xuất vào Sài Gòn Co.op là 240 tấn; vào Big C là 2,6 tấn.

Đối với thị trường nước ngoài, vải thiều chủ yếu được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, qua 2 cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai là 21.762 tấn; ngoài ra xuất sang thị trường Mỹ 1,1 tấn; Hà Lan 0,6 tấn; Úc 2 tấn; Nhật Bản 1,5 tấn...

Ngoài việc tiêu thụ vải tươi, toàn huyện còn có 168 lò sấy vải, tập trung tại các xã: Quý Sơn, Phượng Sơn, Nam Dương, Trù Hựu; các doanh nghiệp chế biến như Công ty Nafood Nghệ An, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chủ yếu thu mua để ép nước.

Doanh nghiệp vào cuộc

Ông Đinh Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất khẩu Hùng Thảo đánh giá, năm nay vải được mùa, sản lượng lớn nhưng đến thời điểm này việc tiêu thụ khá tốt. Mặc dù chưa vào được một nửa thời vụ, nhưng phía công ty đã cung cấp cho thị trường Trung Quốc khoảng 3.000 tấn, cùng với đó, công ty xúc tiến mở rộng thêm bạn hàng trong nước, trong đó, riêng chuỗi siêu thị Co.opmart tại TP. Hồ Chí Minh với số lượng trên 200 tấn.

Ông Đinh Văn Hùng dự đoán, thời gian tới giá vải thiều của Lục Ngạn sẽ tăng do Trung Quốc kết thúc mùa vải. Hiện doanh nghiệp đang thu mua xuất khẩu với giá từ 20 - 23 nghìn đồng/kg, đối với vải thu mua cung cấp cho thị trường nội địa với giá từ 13 - 15 nghìn đồng/kg.

Ông Đinh Cao Khuê - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng đã cam kết mua 10 nghìn tấn vải cho bà con nông dân với mức giá từ 16 - 20 nghìn đồng/kg. Hiện công ty cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu vải tươi với khối lượng 4.000 tấn sang Nhật Bản, số còn lại sẽ xuất tươi và chế biến cho các thị trường Anh, Đức. Ngay từ đầu vụ công ty đã triển khai hơn 10 điểm thu mua sản phẩm để xuất khẩu tươi, đóng hộp, ép nước.

“Chúng tôi tin tưởng, với sự quyết tâm của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sản lượng thu mua sẽ đạt và vượt kế hoạch, giá thành vải thiều cũng được thu mua ổn định ở mức cao”, ông Khuê nói.

Vụ vải đã đi được nửa chặng đường, trong chuyến đi thực tế kiểm tra về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở Lục Ngạn mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm 2018, tỉnh Bắc Giang đã phát huy rất tốt kinh nghiệm trong tiêu thụ vải thiều từ những năm trước, làm tốt công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, để chuẩn bị cho tiêu thụ vải, huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Thông qua đó, đã thu hút được đông đảo doanh nhân phía Trung Quốc. Đồng thời, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn về một số thủ tục hành chính như: đăng ký mã vùng trồng, hải quan, thông quan, kiểm dịch, kho vận...

Cùng với đó, huyện cũng tập trung vào các trung tâm đầu mối mới lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung; chủ động làm việc với các nhà phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu như Big C, Co.opmart, Hapro… để phân phối vào hệ thống các siêu thị lớn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện Bắc Giang mới thu hoạch xong được vải sớm, còn vải chính vụ bắt đầu bước vào tâm điểm thu hoạch vải, do vậy tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng cần tiếp tục tập trung các nhóm giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến vải đến các dịch vụ đi kèm trong mùa thu hoạch vải thiều, đảm bảo giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo một vụ vải thiều “được mùa, được giá”.

“Tôi đề nghị tỉnh tiếp tục làm quyết liệt hơn để đảm bảo năm nay chúng ta có một mùa vải trọn vẹn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, với sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương trong công tác xúc tiến thương mại, cùng với sự thay đổi tập quán canh tác, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trái vải Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung đã và đang trở thành mũi nhọn đột phá về cây ăn quả của vựa trái cây miền Bắc.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh cũng cần quyết tâm và có những giải pháp đồng bộ để hướng đột phá mũi nhọn của Lục Ngạn sẽ trọng tâm vào ngành kinh tế cây ăn quả chứ không chỉ đơn thuần là trồng cây ăn quả.

Hà Sơn

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cho-mua-vai-ngot-boi-thu-76930.html