Cho mùa lễ hội an toàn

Quảng Ninh có khoảng 80 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào đầu xuân với những lễ hội lớn như: Lễ hội Yên Tử (Uông Bí), lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), lễ hội chùa Long Tiên, lễ hội chùa Lôi Âm, lễ hội Đức ông Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long)... Những lễ hội này thường thu hút rất đông du khách, kéo theo nhu cầu ăn uống tăng cao. Vì vậy, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt.

Đoàn kiểm tra, giám sát của Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) kiểm tra khu vực cấp nước cho các ki-ốt tại đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả).

Những ngày đầu xuân, dòng người nườm nượp đổ về chùa Lôi Âm (TP Hạ Long) chiêm bái. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, ATTP, vệ sinh môi trường... ngay từ giữa tháng 1/2019, phường Đại Yên (TP Hạ Long) đã xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho lễ hội chùa Lôi Âm, trong đó công tác đảm bảo ATTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ông Đinh Xuân Bền, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên, cho biết: “Phường có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chủ yếu là gà nướng và tập trung tại khu vực đường lên chùa Lôi Âm. Để giám sát việc chấp hành quy định về VSATTP và vệ sinh môi trường, phường bố trí lực lượng thường trực, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ sở có biểu hiện vi phạm. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gia cầm nhập, tình hình dịch bệnh và hoạt động giết mổ gia cầm tại các nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, không để xảy ra tình trạng giết mổ gia cầm sống tại khu vực kinh doanh và các khu vực giáp ranh gây tiềm ẩn mất VSATTP”.

Tương tự, tại đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), trong khu vực đền đã được bố trí sắp xếp một khu riêng biệt cho các hộ kinh doanh, nằm trong khu vực trông giữ xe. Cửa Ông cũng là địa phương rất quyết liệt trong việc xử lý vi phạm về VSATTP. Năm 2018, phường đã xử phạt 45 cơ sở, với tổng số tiền hơn 42 triệu đồng. Đầu năm 2019 đã kiểm tra, nhắc nhở 8 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, phường cũng đã tổ chức ký cam kết đảm bảo VSATTP với tất cả các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn, trong đó có các cơ sở kinh doanh tại khu vực đền Cửa Ông.

Sơ chế thức ăn chay tại nhà bếp chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn).

Nhìn chung, tình hình VSATTP tại các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ hơn so với những năm trước. Qua kiểm tra đột xuất của các đoàn liên ngành, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực lễ hội trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm túc các quy định về ATTP, nhiều mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, công tác đảm bảo VSATTP mùa lễ hội vẫn gặp phải một số bất cập, tồn tại. Do tính chất mùa vụ, điều kiện chế biến, vệ sinh còn hạn chế dẫn đến vi phạm như trang thiết bị, dụng cụ chưa đảm bảo vệ sinh, còn kinh doanh thực phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, một số cơ sở sử dụng giấy khám sức khỏe quá hạn, số nhân viên khám sức khỏe chưa đầy đủ với số thực tế làm việc, một vài cơ sở nhỏ lẻ chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định về VSATTP...

Để tăng cường công tác đảm bảo VSATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2019, ngay từ cuối năm 2018, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ công tác, đoàn kiểm tra trong việc chấp hành quy định về VSATTP. Chỉ trong tháng 1/2019, đoàn kiểm tra liên ngành của 3 cấp đã thanh, kiểm tra trên 1.600 lượt cơ sở, phát hiện 261 cơ sở vi phạm về VSATTP, xử phạt 176 cơ sở với số tiền trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, các lực lượng của Ban Chỉ đạo 389, lực lượng công an, biên phòng, hải quan tăng cường kiểm soát thực phẩm qua biên giới một cách quyết liệt, qua đó đã bắt giữ, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Đoàn kiểm tra, giám sát của Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) kiểm tra khu vực nhà bếp chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn).

Ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) cho biết: “Bên cạnh tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng đến người dân, cùng với thanh kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở, nhằm ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội xuân 2019, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các sản phẩm, thực phẩm ăn ngay tại các chợ trung tâm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các bệnh viện, trạm y tế xã, phường đã xây dựng phương án, tổ chức lực lượng ứng trực cấp cứu bệnh nhân nói chung, trong đó có cấp cứu, điều trị ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra. Ngay trước Tết Nguyên đán, Chi cục đã tổ chức đoàn thanh tra phối hợp cùng phòng y tế các huyện kiểm tra, giám sát việc triển khai của các địa phương, việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ cho mùa lễ hội...”.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201902/cho-mua-le-hoi-an-toan-2422099/