Chợ làng, chợ phố và… đàn bà

Ngoài các di sản tâm linh: đình, chùa, đền, miếu… ít ỏi mà người Bắc Kỳ còn giữ được trong 'rừng nhà chọc trời', thì sự tồn tại cái chợ, một loại 'di sản thế tục' ở làng quê xưa giữa nơi đô thị tới hôm nay vẫn chứng tỏ sức sống dẻo dai của nó nhờ nết bán buôn tần tảo của những người đàn bà xứ này.

Dấu hiệu của mỗi mùa xuân mới, cận Tết, là hàng hóa ngập hè đường, những con phố hóa những dòng sông hoa muôn màu trôi chảy. Dường như cả thành phố đang do các bà, các chị chiếm giữ, biến nó thành cái chợ khổng lồ. Những ngày mà các cô Thẹn, Thêm, Thắm… phố tôi, bỗng không biết sợ công an, dân phòng, nhổm người, dáo dác, gánh hàng té chạy, như thường nhật vẫn thế.

Phố chợ tràn xuống lòng đường thành chợ phố trong dịp Tết. Ảnh: TL

Ba làng bảy chợ

Tài liệu về chợ sớm nhất có thể của Trần Phu (sứ giả nhà Nguyên) ghi năm 1293 ở Bắc Việt Nam: “Trong các xóm làng thường có chợ, cứ hai ngày họp một phiên, hàng trăm thứ hàng la liệt. Hễ cách năm dặm dựng dăm ngôi nhà ba gian bốn phía đặt chõng để họp chợ...”.

Nhiều “nhà chợ học” đã nghiên cứu mạng lưới chợ dày đặc trên vùng đồng bằng Bắc Bộ cổ xưa chứng minh cho câu “Ba làng bảy chợ”: Bình quân trên diện tích đất chừng gần 700ha có một chợ, khoảng cách giữa một làng không có chợ đến chợ của một làng khác từ 3-4km, tương quan giữa diện tích tụ cư, canh tác với dân số, kinh tế mỗi thời, sự điều chỉnh của thị trường… khiến số chợ dao động quanh một hằng số nào đó.

Tất nhiên khi họ nói đến chợ làng, không có nghĩa chỉ nói đến cái chợ của một làng thường rất nhỏ bé (lắm khi nó chỉ là bãi đất trống, không có đến cả vài túp lều xiêu vẹo, họp nhanh một lúc sáng sớm hay chiều hôm với vài gánh hàng vặt, mấy thúng gạo, dăm mớ cá vừa đánh bắt được… dưới bóng cây gạo đầu làng), mà đã xét tới các loại hình chợ nông thôn.

Chợ quê xưa. Ảnh: TL

Tựu chung các nghiên cứu sử kinh tế, văn hóa, định cư con người… đều cho thấy đồng bằng này lắm chợ, đa dạng loại hình, như theo quy mô: chợ làng, chợ hàng huyện, chợ tỉnh..; theo vị trí: chợ bến sông, bên đường bộ, trên đê...; theo sở hữu, kiến trúc: chợ đình, chợ chùa (chợ tam bảo), chợ cầu, chợ quán...; theo chuyên doanh: chợ làng nghề, chợ gia súc; theo phong tục: chợ âm - dương (nơi người sống gặp người chết), chợ mua may, bán rủi…

Nghe thế có người tưởng xưa lập chợ dễ như “xin làm thủy điện nhỏ”?. Thưa không, thủ tục nhiêu khê đấy. Thoạt đầu các kỳ hào lý dịch thay mặt dân làng họp chán chê và tìm đất “lập dự án xin mở chợ” trình quan huyện, huyện trình quan tỉnh phê duyệt (có tài liệu nói từ thế kỷ XV phải do vua hay cơ quan do vua ủy nhiệm duyệt). Tức là, nhà nước kiểm soát chặt và dự án chợ buộc phải làm từ dưới lên, cả làng nhất trí mới được cắt vài mẫu đất công của làng ra làm chợ.

Vị trí đất ấy, theo Pierre Gourou (nhà địa lý nhân văn Pháp 1990 - 1999) phải ở rìa làng, cạnh đường cái (hoặc đường sông)… do dân làng không muốn người ngoài nhòm ngó cuộc sống của họ, để bọn đầu trộm đuôi cướp không vượt lũy tre vô quấy nhiễu, tiện cho khách thập phương đến bán mua, không lẽ mở chợ cho mỗi người làng mình?… Chẳng học quy hoạch, nhưng các cụ xưa vẫn khôn hơn khối vị quy hoạch bây giờ.

Những người đàn bà An Nam đi đến chợ. Tranh của Joseph Inguimberty (Pháp)

Những người đàn bà An Nam đi đến chợ. Tranh của Joseph Inguimberty (Pháp)

Luôn tiện nói mở chợ khó còn do theo lệ lập chợ thời Hồng Đức (1470 - 1497): “Một xã đã lập chợ thì không được cản trở sự thành lập các chợ mới khác. Miễn là các phiên họp của chợ mới không được họp chung với chợ đã có trước để tranh khách”.

Trong mục quan chế thời Lê có các chức quan liên quan đến chợ: Thị bình, thị tứ, thị trưởng, thị giám… Xin hình dung giữa mạng lưới chợ dày đặc, tìm các ngày phiên chợ cho làng mình không trùng các làng khác, thì chắc chắn họ đã phải hiệp thương với nhiều bên, rồi tối giản hóa chu kỳ họp chợ phức tạp bằng văn vần cho dễ nhớ. Thí dụ:

“Một Râu, hai Mét, ba Ngà

Từ Cầu, Năm Táng, sáu Ngà lại Râu

Bảy Ngà, Tám Mét, chín Cầu

Mồng mười chợ Táng, một Râu lại về”

(Lịch phiên của 5 chợ làng thuộc huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng)

Ý tôi rằng “xã hội công dân cổ truyền” tự nó có thể giải quyết các tranh chấp, xung đột quyền lợi khi mở chợ ở cấp huyện (chứ không chỉ trong một đơn vị làng), mà người Việt đã đạt được trong quá khứ, không cần đến bàn tay nhà nước. Làng có chợ sẽ có khán thủ đứng ra thu thuế chợ, có chức dịch của làng phụ trách trật tự trị an, có trùm chợ thường trực quản lý “ngày phiên kẻ uống rượu say, nói năng càn bậy, đánh người, quan viên phải tra xét”...

Thuế chợ thường thu (tiền tươi) theo sản vật người đem bán (có khi thu cả người mua), thu chỗ thuê lều quán (quán ngói đắt hơn mái lá) công khai. Thí dụ: hàng chuối hương nạp 6 quan tiền, hàng nếp rồng 3 quan, (lệ quán chợ xã Thịnh Liệt, Hà Nội), thậm trí “bốc hàng vặt”.

Tất nhiên chỉ người làng được miễn cả, hay một phần thuế. Thuế chợ gần như là nguồn thu tiền cho chi tiêu công duy nhất của một làng, sau trừ phần nộp nhà nước theo quy định, các khoản tiền đó sẽ thành tài sản chung của dân làng. Tức, cũng như ruộng làng, chùa, đường làng… nó nằm trong số 14 loại tài sản công hữu của làng. Điều này đặc biệt khác bên châu Âu thời trung đại, chợ do tư nhân quản lý và thu các nguồn lợi từ nó, hoặc bên Tàu - chợ thường do chính quyền, bang hội, hay dòng họ lập ra.

Tóm lại, chợ quê nước ta hình thành từ rất sớm, được quy hoạch hợp lý, có thiết chế tự quản rành mạch. Bản sắc Việt đấy chứ!

Xã hội công dân cổ truyền” tự nó có thể giải quyết các tranh chấp, xung đột quyền lợi khi mở chợ ở cấp huyện. Ảnh: TL

Hai lối nhỏ lên to…

Giả định với xuất phát điểm làng nào cũng có chợ, thì sự cạnh tranh về vị trí, giao thông, nguồn hàng, dân số… cũng sẽ dần làm biến mất hay teo tóp khối chợ bé xíu (phổ biến vậy, chúng là bộ mặt của nền kinh tế tiểu nông “không thặng dư”).

Nơi những người buôn bán chuyên nghiệp (tiểu thương) ít, phần đông những người nông dân thực hiện vai trò kép đi bán sản vật của nhà lấy tiền mua cái gì đó nhà mình đang cần. Đại loại như họ bán thúng thóc mua vuông vải, thông qua đơn vị đồng tiền để trao đổi vật này lấy vật khác, chứ thúng thóc chưa thừa ra so với nhu cầu, mà vuông vải đang là nhu cầu cấp bách hơn.

Sức sản xuất không phát triển, lương thực hàng hóa thiếu thốn là kết quả của nông nghiệp thủ công, thô sơ “con trâu đi trước cái cày theo sau hàng nghìn năm”. “Hàng nghìn năm” hầu như không có cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nào đáng kể xảy ra trên vùng nông thôn rộng lớn và đông dân nước ta được phơi bày ở những cái chợ. Tất nhiên còn nhiều lý do nữa khiến đời sống nông thôn nghèo khó lâu, khiến những cái chợ quê vẫn chỉ sôi động ồn ã một chốc lát lúc buổi mai hay chiều hôm, và lại lều quán xơ xác bãi chợ vương đầy lá rác… khi tan chợ.

Rồi sự tiến hóa với đô thị là động lực mới khiến các chợ nhỏ có khuynh hướng sáp nhập thành một chợ lớn hơn. Lướt qua tài liệu chợ Hà Nội, thấy chợ Đồng Xuân vốn hợp từ các chợ Bạch Mã, Cầu Đông; chợ Hàng Gà, Đông Thành Thị cộng thành chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam gom chợ Đình Ngang , chợ Yên Thọ, chợ Trung Hiện nhập thành chợ Mơ… Có người tên Mơ do ở vùng trồng mai xưa, ý kiến khác bảo bởi nó họp từ tinh mơ, chiều vào phố họp thành chợ Hôm (chiều hôm), hay chợ tên Bắc Qua là nhận hàng từ bắc sông Hồng qua Hà Nội sau sự kiện Pháp xây cầu Long Biên (1898 - 1902).

Chợ Đồng Xuân xưa và nay, 132 năm (1889 - 2021). Ảnh: TL

… Hai kiểu to về nhỏ

Đầu tiên là chính sách. Có thể lấy mốc năm 2007 “đồng loạt thôn tính chợ” với việc chính quyền thành phố Hà Nội chuyển 13 chợ, trong đó có các chợ lớn: Hàng Da, Cửa Nam, Hôm - Đức Viên, Ngã Tư Sở, Mơ…, và TP.HCM cũng với rất nhiều chợ lớn: chợ Bà Chiểu, chợ Nguyễn Văn Trỗi, chợ Văn Thánh, chợ cá Chánh Hưng, chợ cá Xóm Củi, chợ sân cá 50 Phan Văn Khỏe, chợ 252 Trần Văn Kiều… thành siêu thị, trung tâm thương mại. Một khởi đầu mạnh nhất cho quá trình thu nhỏ không gian chợ.

Như đã nói, chợ vốn là một loại tài sản chung, và khi người làng đã mất sức cấu kết do sở hữu, thì nó cũng như các tài sản chung khác, rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, dễ bị chính quyền thâu tóm mà ít gặp sức kháng cự như tài sản tư.

Tiếng là vẫn giữ “chợ truyền thống”, nhưng hầu hết các chợ được/bị chui xuống hầm, nằm dưới những siêu thị, trung tâm thương mại. Mất các không gian lớn, họp dưới lòng đất ngột ngạt, hôi thối, không tiện cho người mua, chợ mất khách, co lại lèo tèo vài mặt hàng… Hàng vạn tiểu thương đành “ngoi lên mặt đất” phân tán thành các “chợ cóc” dưới lòng đường, trên vỉa hè, chui vào các hẻm, ngõ… Đó là một kiểu nhỏ đi thứ nhất của chợ, do chính sách.

Cao ốc Pearl Plaza xây dựng trên phần đất của chợ Văn Thánh xưa. Ảnh: TL

Còn theo quy luật thị trường, các loại bất động sản lớn: biệt thự, sân golf, siêu thị… giảm dần. Rõ nhất là các đại siêu thị, để giảm cự ly tiếp cận của người mua, nó phải vỡ ra thành nhiều siêu thị mini (nhiều hàng tươi, gần với chợ hơn) phủ khắp thành phố. Thêm nữa, mạng lưới shipper giúp người mua ngồi nhà cũng có từ tô phở nóng, đến ký thịt bò, cái đầm thời thượng… Nói văn vẻ, kiểu nhỏ đi thứ hai “ mang tính thời đại”.

Nhưng dù đã “hóa thân giống chợ” thì minimar vẫn không thay được chợ, không chiều nổi “cái mồm thích ăn tươi của dân ta”, “Cua đang bò, cá đang bơi, gà đang gáy..”…, những mặt hàng supermarket nào cũng chào thua, chưa nói hàng chợ rẻ hơn, hợp túi tiền giới bình dân chiếm đa số ở đô thị. Còn thêm thói nhoách cái đi chợ, có ngày các bà đi vài lần, chẳng vì mua vặt, mà nó là chốn giao tiếp của họ, các mối quen biết, các địa chỉ mua bán tin cậy… cũng từ chợ mà ra.

Anh shipper Sài Gòn và chị hàng rong Hà Nội trong một triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn ở Mỹ. Ảnh: TL

Dẫu đã bị đô thị hóa nhưng hàng của chợ vẫn giữ “tiếng nói thổ nhưỡng”, ở đâu đó người mua vẫn tìm được những đặc sản từ các vùng đất: chai mắm rươi, mớ cá bống sông, mẹt bánh dợm… Nghe nói riêng Paris hoa lệ có 82 chợ thực phẩm, chúng góp vào văn hóa Pháp, ở nhiều nước giàu có cũng vậy, các tour du lịch chợ ra đời là vì thế. Nói gọn, nếu đi siêu thị tần suất tháng, minimart tuần, thì đi chợ ngày. Chúng không có lý do để loại trừ nhau.

Chợ cá ở thành phố Marseille (Pháp). Ảnh: TL

Vương quốc” của đàn bà

Tôi có mấy bạn viết văn, làm nghiên cứu, có lần than: “Xứ nông nghiệp lúa nước đàn ông ít việc độc quyền; nặng nhọc như đi cày, đắp đê, làm nhà… ít buổi là hết, mà việc ấy đàn bà cũng làm được, chỉ có chiến tranh mới đẩy vai trò đàn ông lên tý. Hy vọng trai tráng thời hiện đại được gánh vác nhiều “công to việc lớn” hơn cha ông họ”.

Phần lớn đàn ông xứ này thường chịu nhường vợ cũng vì phổ biến là không nắm tiền bạc, kiếm được đồng nào đưa vợ gần hết. Tại sao đàn ông nước Nam lại lâm vào cảnh đó? Chỉ có thể giải thích rằng từ xa xưa, chỉ các bà mới “đem của nhà đi bán, mua của thiên hạ về nhà”. Bởi chẳng gã nào chịu đem vài con gà, dăm quả bưởi nhà ra ngồi lê đầu chợ? Nên đàn bà xông ra chốn ấy. Tức là “tại cái chợ”.

Gánh hàng rong đại diện cho nền kinh tế vỉa hè Việt Nam. Ảnh: TL

Không kể tiểu thương chuyên nghiệp, mọi đàn bà nhà quê xưa đều đòn gánh đè vai, chạy chợ này qua chợ khác, mua đầu chợ bán cuối chợ. Theo nhà dân tộc học Từ Chi “họ nắm trong tay tất cả luồng tiểu thương rất phát đạt trong vùng châu thổ Bắc Bộ”. Các bà thành “nội tướng tay hòm chìa khóa” nắm mọi chi thu, phận ấy lớn lắm, một cách tự nhiên, đã điều chỉnh vai trò quyền lực đàn ông – đàn bà trong từng gia đình Việt.

Nhưng ngược lại, cụ Từ Chi cũng cho rằng nhờ chợ “người đàn bà được sống một phần kha khá thời gian của mình ngoài chợ, bên lề của khung cảnh gia đình”. Nghĩa là họ có chút tự do, ở làng không có cái club, “cái chiếu” nào cho các bà ngồi, thì các bà… ra ngồi chợ. Vui quá! Chả trách người ta nghiện đi chợ, chỉ cần gói hồ lơ băng phiến, hay có dăm quả bưởi chưa bán chưa muộn…, cũng từ tảng sáng, thít chặt khăn mỏ quạ, chân trần te tái chạy lên đê trong giá rét để hòa vào dòng chị em đi chợ sớm trò chuyện râm ran.

Sạp khô đặc sản trong chợ Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh: Hữu Nghĩa

Xưa xét theo tứ đức: “công, dung, ngôn, hạnh”, thì công là đầu, là nghề khéo của đàn bà, gồm cả nết siêng năng tần tảo buôn bán giỏi. Nay có thể người ta chuộng dung hơn (dung mạo), nhưng cái đẹp chẳng mài ăn được (tôi cũng sợ đói lắm nên vẫn quý người công, dung… vẹn toàn).

Người đàn bà xưa phải trù liệu sử dụng mọi sản vật nuôi trồng trong ruộng, vườn, ao nhà… Lấy nó chi tiêu đắp đổi cho mọi sự, mọi người, từ manh áo rét của mẹ chồng, giỗ chạp hàng năm, đến phong thuốc lào, cút rượu cho phu quân… trăm thứ vặt cho bầy con, và cả quà cho chúng lúc về chợ. Từ chốn chợ, lộ ra cái phận khiêm nhường của đàn bà xứ ta, nó đã trở nên một nét lâu bền trong nhân cách phụ nữ Việt Nam.

Cho đến tận bây giờ, giữa các đô thị phồn hoa, vẫn không thiếu cảnh một mẹ một con gái bên nhau, ở chợ. Chúng cần học nết buôn bán siêng năng với sự hướng dẫn của bà mẹ, để một cách tự giác, chia sẻ lo toan kinh tế gia đình, đi theo con đường muôn thuở của biết bao người phụ nữ nông dân tiến vào đô thị.

Đàn bà Việt, vì thế có thể là những nhân vật tiên phong kiến tạo đô thị Việt.

"Nghìn năm đòn gánh đè vai". Ảnh: TL

Một “di sản sống”

Nói chợ lưu giữ văn hóa, hẳn đã kể vào những thói tục xưa mà nay vẫn giữ, như cách mở hàng, xuống gánh, đốt vía, mặc cả..., hay hình ảnh “đòn gánh đè vai người đàn bà cả nghìn năm đến hôm nay”. Hoặc hôm nay, dẫu ta chẳng gặp lại cô hàng xén đẹp nền nã (Chợ huyện một tháng sáu phiên/gặp cô hàng xén kết duyên Châu - Trần), ông mù hát xẩm…, thì đi chợ nào của Hà Nội cũng vẫn gặp được một người “của nghìn năm trước”.

Vị thế trong ngành y của nhân vật cũ kỹ này đã suy giảm nhiều, và nếu có ai gọi họ là bà hàng lá, thì vì ít nhiều còn chưa quên vai trò chữa bệnh của các bà lang chợ chữa bệnh theo Nam y, bằng dược thảo với nhiều bài thuốc kinh nghiệm gia truyền, hoặc thất truyền. Hẳn lối chữa đó phải hiệu nghiệm, nên nhiều bà lang chợ nọ, chợ kia mới nổi tiếng đặc trị mụn nhọt, rắn cắn, đau mắt, ho gà, trẻ chậm lớn… Và bao thế hệ nông dân đã từng gửi gắm niềm tin vào các bà lang, bà mụ từng đảm đương cả việc đỡ đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh, tìm thuốc cứu người bằng vô vàn các loại lá, rễ, củ, vỏ…

Ba bà lang ở chợ Hôm (Hà Nội)

Tất nhiên cùng những bồ lá lẩu, các bà lang chợ đã “thua” các phòng khám, chữa bệnh, các phạc-ma-xi từ lâu. Nên họ không còn chế biến thuốc dạng bánh, viên (để uống) bột, nước (để tra bằng nõn tre, lông ngỗng), hoặc đồ (đắp thuốc, dán cao...), mà chỉ bán dược thảo tươi, khô. Nhưng chẳng ai dám nói trước về tương lai Nam y với vị thế của những người đàn bà chỉ truyền nghề cho đàn bà. Bởi họ vẫn kiên trì giữ chỗ cố định, thường xuyên, trong mọi chốn chợ. Họ đợi những kẻ dù chẳng bao giờ chịu dùng thuốc Nam, thì ít nhất cũng đến chiều 30 Tết ra chợ tìm mua: bồ kết, hương nhu, hạt mùi cho cuộc tắm tất niên theo cách… dân tộc.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ ngày giáp Tết. Ảnh: Hữu Nghĩa

Điều cuối, chúng ta đều biết phần lớn lượng thức ăn khổng lồ tiêu thụ hàng ngày trong các gia đình ở Sài Gòn hay Hà Nội không phải từ các siêu thị (đơn giản vì đắt). Vậy phải có hệ thống cung cấp đều đặn cho chúng ta với giá rẻ hơn? Đó là mạng vô vàn cái chợ - các mạng lưới hàng hóa đó ngày đêm kết nối nông thôn với đô thị, nông dân với thị dân. Quy mô của chúng càng lớn, phong phú, thì giá trị tài sản xã hội đô thị càng cao. Mạng chợ được Bary Wellmam (nhà xã hội học Mỹ, trong: Network of networks) cho rằng đó mới là giá trị phi vật thể thật sự bền vững của một đô thị, một xã hội thị dân đúng nghĩa.

Công lao ấy thuộc về, không ai khác, chính những người đàn bà xứ này, là các cô Thêm, Thắm, Thẹn… phố tôi đang được tháo khoán trong những ngày giáp Tết.

Trần Trung Chính

*Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cho-lang-cho-pho-va-dan-ba-27527.html