Chợ không nói thách, không mặc cả: Mỗi năm chỉ 1 phiên mồng 2 Tết

Không giống một phiên chợ thông thường, chợ Đình Cả (Hải Dương) mỗi năm chỉ họp phiên duy nhất vào mùng hai Tết, người bán không được nói thách và người mua không được mặc cả mà đến chợ để tìm kiếm sự may mắn cho năm mới.

Tô điểm thêm nét đặc sắc văn hóa

Được bồi đắp bởi phù sa Sông Luộc, huyện Ninh Giang, Hải Dương là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, với nhiều đền, chùa nổi tiếng linh thiêng, thu hút được đông đảo khách tham quan với mục đích tâm linh, lại có thêm phiên chợ Đình Cả càng thêm cuốn lòng du khách vào những ngày xuân.

Chợ Đình Cả mỗi năm chỉ họp phiên duy nhất vào mùng hai Tết.

Chợ Đình Cả mỗi năm chỉ họp phiên duy nhất vào mùng hai Tết.

Chợ Đình Cả có từ thời Thái Hòa (1676 - 1679) gắn liền với sự tích của Đình Cả và sự tồn tại của làng Bói. Qua bao biến thiên lịch sử, phiên chợ được lưu truyền như nét riêng của cư dân vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, ăn sâu vào tiềm thức. Từ giữa tháng Chạp, nhiều người đã chuẩn bị hàng để đi chợ. Điều này được thể hiện rõ qua câu chuyện của các bà, các chị: Luống rau cần này em cố chăm cho tốt, cho đẹp để mồng 2 bán ở chợ Đình Cả; có ít gạo ngon đây để làm mấy yến bún, rồi ao cá của nhà chị bớt lại một ít cá to bán chợ mồng 2.

Dân làng Bói ít ruộng nên lấy nghề buôn làm chính, quanh năm xuôi ngược chợ gần, chợ xa nên càng mong đến phiên chợ Đình Cả để gặp gỡ, để du xuân, buôn bán cầu may. Ngày thường bán gì thì bán nhưng riêng ngày chợ phiên mồng 2 thì phải lựa những thứ ngon nhất, đẹp nhất, sạch nhất để bán. Đặc biệt hơn nữa, ở phiên chợ này người ta không nói thách hay mặc cả lấy một lời.

Ở phiên chợ này, người bán không được nói thách và người mua không được mặc cả mà đến chợ để tìm kiếm sự may mắn cho năm mới.

Khi trời còn chưa rõ mặt người, người dân trong xã đã nô nức kéo nhau về khu vực Đình Cả để tham gia phiên chợ. Càng về sáng chợ càng đông vui, thu hút hàng nghìn người đến tìm mua các mặt hàng. Dù mua hay bán thì người ta cũng cảm nhận được niềm vui, đều hy vọng may mắn đến với mình cho cả năm. Và cũng không như các phiên chợ thông thường, sau khi mua hàng xong, mọi người lại vào đình làng để dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, dựng làng lập ấp mang lại ấm no cho dân làng".

Bên cạnh ý nghĩa về "mua sự may mắn đầu năm" thì người dân tại đây cũng muốn sắm cho mình những thứ mà do bận rộn buôn bán cuối năm mà chưa kịp sắm sửa cho Tết. Nên phiên chợ này cũng để người ta mua sắm đồ biếu người thân. Vậy nên những hàng đẹp, hàng ngon càng được nhiều người lựa chọn.

Chợ Đình Cả như sợi dây tình cảm, kết nối cư dân.

Chợ Đình Cả như sợi dây tình cảm, kết nối cư dân, nên không chỉ dân làng mà những người xa quê cũng cố về phiên chợ, dù chỉ họp từ lúc sáng sớm đến quá trưa đã tan nhưng thu hút thật đông du khách. Dù nhà có đủ đầy rồi nhưng đến chợ mỗi người cũng phải mua 1 thứ đồ nào đó, để cầu may mắn, cầu an lành cho năm mới. Cứ như vậy, chợ đình Cả như thể một phiên chợ trấn trạch, là nơi giao hòa gặp gỡ của hiện thực và quá khứ. Để chuẩn bị cho phiên chợ, trước Tết, nhân dân địa phương tự bảo nhau kẻ vạch, nhận chỗ bán hàng của mình ngay trước cổng Đình Cả. Trong quá trình phiên chợ diễn ra, người bán, người mua đều thể hiện sự tôn nghiêm, không to tiếng và ai cũng vui vẻ hòa đồng. Thời điểm phiên chợ đông nhất vào khoảng 7 giờ sáng, lúc này có đến hàng nghìn người tìm đến chợ để du xuân và mua hàng. Không ai bảo ai, từ người trẻ đến già không chen lấn xô đẩy mà tuần tự nhích dần từng bước đi qua các gian hàng được lập tạm ven đường. Phiên chợ trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm trong địa phương với nhau.

Đến với sản vật Ninh Giang

Bánh gai là đặc sản của vùng đất Ninh Giang.

Du khách muôn nơi về chơi chợ Đình Cả cũng không quên mang về cho mình những sản vật của vùng đất Ninh Giang. Đó là đặc sản bánh gai. Dân gian cho rằng ông tổ làm nghề bánh gai là Yết Kiêu, danh tướng thời Trần, Đệ nhất Bộ đô soái thủy quân trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Trong khi nằm phục giặc ở ven sông, ông đã phát hiện ra lá cây gai ăn được. Khi về vùng này, ông cho dân lấy gạo nếp, lá gai ninh nhừ, luyện đều, gói thành bánh ăn. Qua sự kế thừa và sáng tạo của nhiều thế hệ, kỹ thuật làm bánh gai được cải tiến dần và ngon như ngày nay. Nguyên liệu chính để làm bánh gồm: lá gai, gạo nếp, đậu xanh, đường mía (mật), dừa nạo, mỡ lợn, vừng, đường kính trắng, mứt bí đao, mứt sen và dầu chuối. Kỳ công như vậy nên bánh gai Ninh Giang nức tiếng xa gần và cũng là mặt hàng quen thuộc ở chợ Đình Cả.

Vào năm Sửu, càng không thể không nhắc đến thịt trâu Ninh Giang. Đó là thịt của con trâu khỏe mạnh, khi chế biến không ra nhiều nước, xào không đảo nhanh tay thì sẽ dính chảo và dễ bị cháy. Cách thưởng thức thịt trâu cũng khác biệt. Bởi thịt trâu là phải ăn nóng. Vì thế khi về Ninh Giang thực khách sẽ được thưởng thức từng món nóng hổi của nhà hàng được chế biến từ thịt trâu tươi ngon, vừa ăn vừa chờ vài phút để được thưởng thức món mới.

Phiên chợ chỉ họp duy nhất vào sáng mùng hai Tết, với nét riêng và những sản vật đặc trưng đã trở thành điểm du xuân cho khách muôn phương.

Lâm Linh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/du-lich/cho-dinh-ca-chi-hop-mung-2-tet-712772.html