Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Bộ GD-ĐT hứa sẽ có hướng dẫn

Bên cạnh việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Chiều 30-9, tại buổi họp báo bàn về những vấn đề nóng gần đây của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã dành khá nhiều thời gian phản hồi những băn khoăn về quy định từ ngày 1-11, học sinh (HS) được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học để phục vụ cho việc học tập tại Thông tư 32/2020/TT-BGDDT.

Không phải muốn là được sử dụng

TS Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh cần phải hiểu rằng không phải cứ muốn là HS được sử dụng ĐTDĐ trong lớp học. "HS được sử dụng ĐTDĐ trong lớp nhưng có điều kiện, có kiểm soát và phải vì mục đích học tập" - ông Trần Quang Nam khẳng định.

Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết để quản lý việc sử dụng ĐTDĐ trong giờ học của HS, sắp tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học.

Trước lo ngại của nhiều phụ huynh (PH) và một số chuyên gia về việc sử dụng điện thoại có thể gây mất tập trung trong giờ học, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết với quy định mới, giáo viên (GV) cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học. Xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Khi đã dạy học qua internet thì phải có phương tiện cho HS truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, ĐTDĐ và các công cụ khác... Quy định mới này sẽ hỗ trợ HS trong trường hợp cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của GV.

Phân tích lợi và hại khi sử dụng ĐTDĐ trong lớp học, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, khẳng định sẽ là có lợi khi HS có kỹ năng thông tin hay kết hợp bài giảng có phần mềm hỗ trợ học và dạy như tài liệu có nội dung số. Việc sử dụng điện thoại cũng giúp HS dễ dàng tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho bài học, đặc biệt có những mô phỏng các bài thực hành vật lý hay hóa học giúp dễ hiểu bài hơn. Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh lưu ý việc sử dụng điện thoại sẽ khiến HS lơ đãng, giảm tương tác với nhau để học hỏi và hình thành thói quen hợp tác - vốn là năng lực rất cần cho người học và người lao động tương lai. Quá lạm dụng công nghệ rất có thể dẫn đến làm nghèo tư duy của người học, mất khả năng đào sâu suy nghĩ vì có "mì ăn liền".

"Nói chung, công cụ nào được đưa vào sử dụng để học tập đều có mặt lợi và mặt hại. Vì thế, GV phải làm chủ được công nghệ, có phương pháp sư phạm tốt, dạy trẻ tăng cường kỹ năng thông tin như tìm kiếm, phân tích, tổng hợp, cất giữ và truy xuất khi cần hơn là chỉ thực hiện bài học một cách đơn điệu qua ứng dụng điện thoại" - ông Hoàng Ngọc Vinh nói.

Giáo viên phải kiểm soát học sinh

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững, cho rằng công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho con người, bao gồm cả trẻ em. Việc HS dùng điện thoại cho việc học ở trường, được tiếp cận không giới hạn kho tàng kiến thức trên mạng sẽ giúp việc học hiệu quả. Tuy nhiên, nếu GV không kiểm soát và hướng dẫn tốt, những HS không tự giác có thể sử dụng điện thoại vào làm việc riêng, chơi game, xem các chương trình không phù hợp. Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), hiện nay các trường đang triển khai chương trình giáo dục mở, internet phát triển và nguồn học liệu cũng rất phong phú. Do đó, không nên cấm mà làm sao để HS sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích phục vụ cho việc học.

"Bộ GD-ĐT có quy định cởi mở, GV có quyền cho HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học nhưng phải có năng lực để quản lý. PH cũng phải giáo dục con sử dụng điện thoại thay vì lo lắng" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói thêm.

Đồng ý với việc cho HS sử dụng ĐTDĐ trong một số môn học đòi hỏi tra cứu, tìm thông tin trên mạng, chụp lại bài giảng..., song ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), lưu ý cái khó là GV phải kiểm soát được việc sử dụng điện thoại của HS trong giờ học, đặc biệt là vào giờ kiểm tra, nếu không sẽ dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực.

Trong khi đó, GV chủ nhiệm lớp 12 một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), lo lắng không phải lúc nào GV cũng kiểm soát được việc liệu HS có dùng ĐTDĐ phục vụ học tập hay không; nhất là việc HS có thể ghi âm, quay phim, chụp ảnh, lướt web... là nỗi lo có thật. GV này đề nghị để giải tỏa lo lắng của GV, PH và HS trước quy định được coi là cởi mở này, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn thực hiện việc này một cách thống nhất. Dựa vào đó, GV xây dựng quy chế sử dụng điện thoại trong giờ học, nếu HS nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc để dần hình thành cho HS thói quen chấp hành tốt nội quy.

Phải thận trọng

Kinh nghiệm từ mấy năm tổ chức thực nghiệm việc sử dụng ĐTDĐ trong học toán ở trường THCS và THPT, PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chia sẻ việc sử dụng điện thoại thông minh trong dạy và học cần nhưng chỉ có thể triển khai khi có sự đồng bộ. Ví dụ trong một lớp học mà em có, em không có ĐTDĐ thì việc tổ chức sử dụng không ổn. Bên cạnh đó, các phần mềm được cài đặt cũng phải đồng bộ.

"Vì chỉ cần sự khác biệt giữa các nền tảng, cho ra những kết quả khác nhau, gây tranh cãi thì việc đi giải quyết nó còn nhọc hơn việc không dùng nó. Tôi cũng cho rằng nếu chỉ để tra cứu thông tin thì không nên dùng điện thoại. Trong học tập, thử thách nhớ, kết nối thông tin đáng để trải nghiệm. Còn những thông tin phạm vi rộng, có thể tự do đọc, tìm kiếm ngoài giờ học, không cần thiết phải làm trong giờ" - PGS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.

PGS Chu Cẩm Thơ nói thêm ở các lớp đang thực nghiệm sử dụng ĐTDĐ trong giờ học thì các trường học đó đã là "trường công nghệ". HS và GV đều thành thạo và tuân thủ an ninh mạng, được giám sát khi nhà trường đầu tư hạ tầng tốt.

Nói Tiếng Việt 1 nặng là "chưa có cơ sở"

Cũng tại buổi họp báo chiều 30-9, liên quan đến việc nhiều PH lên tiếng chương trình tiếng Việt mới nặng hơn chương trình hiện hành khiến PH, HS đều vất vả, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng nhận định này là chưa có cơ sở và chưa đúng thời điểm. Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức từ GV, cơ sở giáo dục, nhà khoa học về chuyện đó. Cũng theo ông Thái Văn Tài, chương trình lớp 1 có sự điều chỉnh ở chỗ "trẻ cố gắng đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt", để có điều kiện chọn những môn khác. Với Tiếng Việt 1, nội dung kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành, thời lượng môn học được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết. Cũng theo ông Tài, "có lẽ PH so sánh số tiết học Tiếng Việt nên nghĩ rằng môn học nặng".

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nói chương trình lớp 1 có 9 môn học. Tiếng Việt 1 có 5 bộ sách, được thiết kế theo những cách khác nhau. Khung chương trình đã được hội đồng quốc gia thẩm định, thử nghiệm, lấy ý kiến. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, nếu có đầy đủ căn cứ khoa học, đánh giá nhiều mặt về việc này thì sẽ điều chỉnh.

"Đây là tính linh hoạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới" - ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết sắp tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ họp và đánh giá lại toàn bộ quá trình 6 năm đổi mới về thi THPT quốc gia (2015-2020) cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua. Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025, trên quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời những băn khoăn về việc tuyển sinh và đào tạo "chui" ngành dược của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và liên kết đào tạo của Trường ĐH Thái Bình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), thông tin Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường báo cáo. Thanh tra Bộ GD-ĐT chủ trì và phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH thực hiện các bước tiếp theo trong xử lý sai phạm một cách nghiêm minh, đúng quy định.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cho-hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-lop-bo-gd-dt-hua-se-co-huong-dan-2020093022400761.htm