Chó hoang biết hát tái xuất

Mặc dù bị coi là đã tuyệt chủng từ 50 năm trước, loài chó hoang biết hát quý hiếm New Guinea bất ngờ xuất hiện trở lại và cung cấp thêm thông tin cho nghiên cứu thuần hóa chó.

Chó hoang biết hát New Guinea - một giống chó với tiếng hú độc đáo, đã bị coi là tuyệt chủng trong tự nhiên.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hôm 31/8 cho biết vẫn còn những cá thể hoang ngoài tự nhiên của loài này dựa trên ADN mới thu thập được. Phân tích của họ, vừa được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Hiện có những quần thể giống chó này được lai tạo trong các vườn thú hoặc được nuôi làm thú cưng. Chúng không xuất hiện trong tự nhiên trong hơn nửa thế kỷ, cho đến năm 2012 khi một hướng dẫn viên du lịch sinh thái chụp được bức ảnh về một con chó hoang ở vùng cao nguyên thuộc tỉnh Papua, Indonesia.

 Hình ảnh về chó hoang biết hát New Guinea. Ảnh: Anang Dianto.

Hình ảnh về chó hoang biết hát New Guinea. Ảnh: Anang Dianto.

Cho đến năm 2016, đoàn thám hiểm của James McIntyre - Chủ tịch Tổ chức Chó hoang Cao nguyên New Guinea, đã tìm kiếm và chụp được 149 bức ảnh của 15 cá thể chó hoang.

Vào năm 2018, ông McIntyre đã trở lại Papua và lấy ADN từ 2 con chó hoang.

Kết quả ADN đã cho thấy những con chó vùng cao mà ông McIntyre tìm thấy không phải là chó làng, mà dường như thuộc về dòng dõi tổ tiên của loài chó biết hát.

"Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi cho rằng loài chó biết hát New Guinea đã tuyệt chủng trong tự nhiên", chuyên gia Heidi G. Parker thuộc Viện Y tế Quốc gia, chia sẻ. Vị chuyên gia này đã nghiên cứu mẫu ADN mà ông McIntyre mang về, cùng các nhà nghiên cứu từ Indonesia và các quốc gia khác.

"Chúng không tuyệt chủng", ông nói. "Chúng thực sự vẫn tồn tại trong tự nhiên".

Những con chó biết hát vùng cao có khoảng 72% gen giống với những con bị nuôi nhốt. Chúng cũng có nhiều biến thể di truyền hơn, điều thông thường với một quần thể hoang dã. Trong khi đó, những con được nuôi nhốt trong các trung tâm bảo tồn đều có nguồn gốc từ 7 hoặc 8 tổ tiên hoang dã.

28% khác biệt có thể do sự lai giống với chó làng hoặc từ tổ tiên chung của những con chó được đưa đến khu bảo tồn. Những con chó bị nuôi nhốt có thể đã mất đi rất nhiều biến thể mà những cá thể chó hoang có.

Elaine Ostrander, đồng tác giả của báo cáo và là một nhà điều tra nổi tiếng của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho biết phát hiện này cũng có ý nghĩa trong việc tìm hiểu thêm về quá trình thuần hóa chó.

Chó biết hát New Guinea có họ hàng gần với chó dingo ở Australia, đồng thời cũng có quan hệ với chó châu Á đã di cư cùng con người đến châu Đại Dương cách đây khoảng 3.500 năm. Có thể những con chó biết hát tách ra từ một tổ tiên chung mà sau này sinh ra các giống như Akita và Shiba Inu.

Tuy nhiên, chính xác khi nào và ở đâu mà những con chó trở nên hoang dã và “nhóm nào hoang dã, nhóm nào nuôi trong nhà” vẫn là những câu hỏi hóc búa mà dữ liệu có thể giúp giải quyết.

Cheo cheo nghi tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện sau 30 năm ở Việt Nam Một con cheo cheo lưng bạc, hay cheo cheo Việt Nam, bị các nhà khoa học nghi tuyệt chủng do không nhìn thấy trong gần 30 năm, đã lọt vào ống kính máy quay ở khu rừng Việt Nam.

Việt Linh Nguyễn
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cho-hoang-biet-hat-tai-xuat-post1126517.html