Chợ hoa 'nhà giàu' Hà Nội chiều 30 Tết: Giá nào cũng bán

'Giá nào cũng bán', 'giảm giá 70%', 'xả lỗ', thậm chí đại hạ giá 10 nghìn/cành... nhưng chợ hoa lan chiều 30 Tết vẫn trong cảnh ế ẩm.

Liên tục hạ giá vẫn ế

Chơi hoa lan dịp Tết là một trong những thú chơi “sang chảnh”. So với các loại hoa chơi Tết khác, lan thuộc mặt hàng xa xỉ và cũng kén người mua. Tuy nhiên, đó không phải là lý do khiến chợ hoa lan nổi tiếng đất ngoại thành Hà Nội rơi vào cảnh ế ẩm như năm nay.

Đường Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội) nhiều năm trở lại đây nổi lên là nơi bán hoa Tết với đủ chủng loại, trong đó hoa lan là nhiều nhất, với hàng trăm gian hàng lớn nhỏ, từ vài chục mét vuông tới cả trăm mét vuông, kéo dài hơn 1km.

Nhiều quầy hoa sẵn sàng giảm giá lên tới 50%, nhưng vẫn ế

Nhiều quầy hoa sẵn sàng giảm giá lên tới 50%, nhưng vẫn ế

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, dân lái buôn thuê mặt bằng để dựng khung, mắc bạt. Hoa được chở bằng máy bay từ Đà Lạt ra, được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, sẵn sàng cho một mùa Tết bội thu...

Thế nhưng, vụ đầu tư hoa lan của hầu hết các lái buôn đều sớm phá sản khi dịch Covid-19 quay trở lại. Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm 10 ngày trước Tết, chợ lan thường nhộn nhịp nhưng năm nay lại ế ẩm chưa từng có. Người xem thì nhiều mà mua chẳng bao nhiêu.

Đến chiều 30 Tết, có những quầy vẫn còn cả trăm chậu lan với đủ kích cỡ, đủ mức giá. Một chủ cửa hàng hoa "Dương hồ điệp" cho biết trong chục ngày qua, quầy liên tục giảm giá, ban đầu là 20%, sau đó 30%, 50%, và 70% nhưng vẫn ế. Những quầy khác cũng dùng đủ chiêu hạ giá để gây chú ý, nhưng lan ế vẫn hoàn ế.

"Năm nay dịch Covid-19 nên buôn bán "toang" cả. Người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi bình thường mọi năm người về các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh qua đây rất đông để mua hoa, nhưng năm nay thì vắng bóng", một lái buôn cho biết.

Nhiều quầy sau khi hạ giá mạnh vẫn không bán được hoa. Chủ quầy đã thu dọn, nghỉ bán từ 28-29 Tết

Theo ghi nhận, chiều 30 Tết, một chậu lan có giá gốc gần 10 triệu được rao bán khoảng 3 triệu. Nhiều chủ cửa hàng đã phải tách nhỏ cành lan bán theo kiểu đổ buôn, giá thậm chí xuống tới 10 nghìn/ cành loại nhỏ, 50-70 nghìn/cành to.

Do ế ẩm, nhiều lái buôn đã thu dọn từ 28-29 Tết để về quê, còn ai ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận vẫn cố bán tới chiều tối 30 Tết, với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đó.

Lan đẹp không bằng... có lộc

Trung bình một lái buôn phải bỏ ra 100-200 triệu đồng để buôn hoa lan mùa Tết. Với những lái buôn chơi lớn, có thể đầu tư 500 triệu đến 1 tỷ, bởi riêng tiền thuê mặt bằng khoảng 1000m vuông đã mất tới 100 triệu đồng, chưa kể phải bốc thăm để có vị trí đẹp, nhân công, vận chuyển, điện nước...

Đầu tư lớn nhưng không bán được hoa, các lái buôn cũng chỉ biết than... ông trời vì dịch bệnh bùng phát đúng vào dịp Tết. Tuy nhiên, nhờ may mắn và có bí quyết kinh doanh hợp lý, vẫn có những chủ quầy lan bán hết sạch hàng, dù tiền thu về chỉ đủ vốn.

Cánh xe ôm chở thuê cũng thất thu

Bà Sinh (Chương Dương Độ, Hoàn kiếm, Hà Nội), chủ 2 quầy lan Thiên Hà có diện tích 300m2 là một trong số ít lái buôn không bị lỗ ở mùa Tết năm nay. Đến 11h sáng 30 Tết, chậu lan cuối cùng có giá 800 nghìn đã được "khách bế đi".

Bà Sinh cho biết thêm, năm nay mình chủ yếu nhập lan loại rẻ, nên bán cũng rẻ hơn so với các quầy khác. Nhưng quan trọng là bán hàng cũng phải có cái duyên, cái lộc, khi khách đã hỏi mua thì phải chân thành, nhiệt tình, thậm chí có "free ship".

"Đúng là buôn bán phải có lộc. Tôi có hai quầy đều bán hết, còn quầy bên cạnh của người khác vẫn còn gần như nguyên, dù ở vị trí đắc địa", bà Sinh hồ hởi nói.

Bà Sinh bán chậu lan cuối cùng cho khách, với giá 800 nghìn đồng

Ở chợ hoa lan Cổ Linh, những người bán được hết hoa như bà Sinh là hiếm, vậy mà cũng chỉ nói là may không bị lỗ, chứ khó lãi. Bà Sinh chấp nhận làm không công quần quật suốt 1 tháng vì đã kinh doanh phải có rủi ro, chờ năm sau hết Covid-19 rồi "phục thù".

"Covid-19 ảnh hưởng quá lớn đến chuyện kinh doanh, nhưng chúng tôi đâm lao phải theo lao thôi, vì hoa đã mua cả rồi. Năm hết Tết đến, tôi cũng chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, để người buôn có lãi, để lan được trả lại đúng giá trị chứ không bán rẻ như cho thế này, xót lắm!", bà Sinh chia sẻ.

Lan ế, về đâu?
Chiều 30 Tết, hàng chục chiếc ô tô tải đỗ hàng dài trên đường Cổ Linh để chở lan ế về nơi “tập kết”. Một chủ quầy lan từ chối tiết lộ hoa ế sẽ được xử lý thế nào, tuy nhiên những chậu hoa có giá trên dưới 10 triệu đồng nhiều khả năng được tách nhỏ để dễ chăm sóc và tiêu thụ hơn.
Đến 26-27 mà những chậu lan lớn không ai quan tâm thì xác định ế, vì bình thường mọi năm, trước cả tháng các công sở, những người mua biếu sếp luôn sẵn sàng chi tiền để mua. May là lan có thể chơi 1-2 tháng, nên chúng tôi vẫn còn cơ hội để bán vào những dịp ra Tết”, một chủ lái buôn cho biết.

Một số hình ảnh chợ hoa lan chiều 30 Tết:

Nhiều quầy hoa được đầu tư cả tỷ đồng rơi vào cảnh ế ẩm

Đến chiều 30 Tết, người mua chủ yếu xem và chỉ "chốt hạ" khi có giá rẻ

Một chậu hoa lan Hồ Điêp giá gốc 5,5 triệu được giảm 50% vẫn không có ai quan tâm

Người mua rất thưa thớt

Những chậu lan lớn thường tiêu thụ chậm vì chủ yếu đại gia, hoặc các công sở, người mua biếu sếp quan tâm

Những chậu lan đắt tiền vứt chỏng chơ khi lái buôn thu dọn để nghỉ bán

Nhiều người vẫn chờ giá rẻ hơn nữa mới quyết định mua

Cảnh ế ẩm ở quầy thu tiền

Một quầy hoa quyết định bán giá sốc: 10 nghìn/cành, chấp nhận gần như lỗ trắng vụ đầu tư hoa lan mùa Tết Tân Sửu.

Song Ngư

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cho-hoa-nha-giau-ha-noi-chieu-30-tet-gia-nao-cung-ban-712549.html