Chỗ dựa vững chãi của nhân dân

LTS: Song hành với hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, liên tục nhiều năm qua, Quân đoàn 1 trở thành điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT), chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường. Hơn thế, mỗi khi dân cần, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 lại trở thành chỗ dựa vững chãi giúp dân vượt cơn nguy khó.

Kỳ 1: "Lính chiến" giữa thời bình

Điều đáng tiếc nhất khi chúng tôi đến với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299, Quân đoàn 1 là không có cơ hội theo chân các anh tham gia làm nhiệm vụ. Có hai lý do cơ bản: Thứ nhất, địa bàn đang thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 ở rất xa đơn vị; thứ hai là những yêu cầu, quy định hết sức nghiêm ngặt trong khi thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với “dân nghiệp dư” như chúng tôi. Bởi, đó là nhiệm vụ đối mặt với “thần chết”-xử lý ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, mà nói nôm na như Thượng tá Đào Văn Sảnh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 299, là nhiệm vụ của "lính chiến" giữa thời bình.

Chưa cần nghe Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 299 giới thiệu, tôi đã có thể cảm nhận phần nào về con người Thượng tá Đào Văn Sảnh. Bởi, khuôn mặt anh là khuôn mặt của "lính chiến", trên đó hằn sâu sự kiên định khi đối mặt với những trái bom, quả đạn sót lại sau chiến tranh có thể nổ bất cứ lúc nào. Trên đó cũng có cả nét sương gió của một người từng lăn lộn từ Bắc chí Nam, nhưng vẫn không mờ đi sự điềm tĩnh đầy ấm áp.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 gặt lúa chạy lũ giúp dân tại xã Gia Phú (Gia Viễn, Ninh Bình).

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 gặt lúa chạy lũ giúp dân tại xã Gia Phú (Gia Viễn, Ninh Bình).

Nói đến “chuyện bom mìn”, dẫu bên bàn trà, anh Sảnh chợt như biến thành người chỉ huy đang thực hiện nhiệm vụ. Nét mặt anh sinh động hẳn lên, đôi mắt phóng ra như bao quát cả hiện trường. Anh kể, xử lý ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh luôn là nhiệm vụ rất phức tạp, gian khổ, nguy hiểm, thậm chí còn phải sẵn sàng hy sinh. Theo sự phân công, địa bàn thực hiện nhiệm vụ của lữ đoàn rộng khắp từ Bắc vào Nam, mà trọng điểm là khu vực rừng núi.

Giữa thời bình, nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 vẫn luôn đối mặt với những hiểm nguy của bom đạn. Mà chưa hết, ngoài chuyện xa nhà thường xuyên, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đối với các đội xử lý ở hiện trường, “doanh trại” chủ yếu là… nhà bạt; “thao trường” là núi rừng. Không chỉ thế, mỗi ngày thực hiện nhiệm vụ, các anh phải hành quân bộ, trèo đèo, lội suối hàng cây số. Vất vả là thế, điều kiện sinh hoạt ở vùng sâu, vùng xa còn luôn là thử thách. Mỗi cân gạo, hạt muối, nắm rau xanh đều thấm đẫm mồ hôi của những “anh nuôi”. Ăn đã khó, ở còn khó hơn. Nơi “thường trú” của các anh là lều bạt. Nóng, ẩm, nhớp nháp là thứ những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 phải đối mặt thường xuyên. Mà đâu chỉ thế, vào những lúc thời tiết cực đoan, mưa nắng thất thường, việc “tồn tại” được ở địa bàn rừng núi đã là một thử thách không nhỏ.

Thế nhưng, vượt qua tất cả khó khăn, cả những hiểm nguy rình rập, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đem lại những vùng đất sạch cho nhân dân lao động, sản xuất. Xin lấy vài báo cáo tổng kết trong thời gian gần đây để minh chứng cho điều này: Năm 2018, nhiệm vụ quan trọng nhất của Lữ đoàn 299 là thực hiện Hợp phần khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn dự án Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Lữ đoàn đã tổ chức lực lượng 3 đội khảo sát và 4 đội thi công, cùng ban chỉ huy công trường tại Bình Định để thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tính chung cả năm 2018, Lữ đoàn 299 đã và tiếp tục thi công 13 dự án trên địa bàn cả nước với tổng diện tích mặt bằng hơn 413ha. Mới nhất, quý I-2019, lữ đoàn đã và đang thi công hai dự án với tổng diện tích 312ha. Tính trung bình, mỗi năm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 “làm sạch” khoảng 400-500ha đất, những năm cao điểm tới 700-800ha. Và, sau mỗi héc-ta đất được xử lý, màu xanh của ruộng vườn lại vươn lên mơn mởn.

Một nhiệm vụ khác của Lữ đoàn 299 cũng gian khổ, hiểm nguy không kém là bao so với xử lý ô nhiễm bom mìn là phòng, chống lụt bão.

Lữ đoàn 299 được phân công làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão trên địa bàn 3 tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình và Hà Nam. Để chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ, hằng năm, lữ đoàn đều cùng 3 tỉnh này hợp đồng về quân số, trang bị, phương tiện để khi có tình huống xảy ra là có thể ứng cứu kịp thời. Điển hình là vụ cơn bão số 3 năm 2018, gây mưa lớn, uy hiếp đập Lạc Khoái ở huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ngay khi nhận được lệnh, Lữ đoàn 299 đã tổ chức đội hình với gần 100 cán bộ, chiến sĩ cấp tốc lên đường.

Thượng tá Đào Văn Sảnh, người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng cứu đập Lạc Khoái nhớ lại: Hôm đó, khi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 đến nơi thì trời đã sẩm tối. Ngay lập tức, các anh bắt tay vào việc giúp bà con đưa gia súc, gia cầm, thóc lúa lên những nơi an toàn. Nửa đêm, đơn vị nhận nhiệm vụ ứng cứu tại địa điểm Bến Đế, nơi bờ đập rất mỏng, nguy cơ vỡ rất cao. Nếu không kịp thời, bờ đập vỡ, những xã vùng trên của huyện Nho Quan sẽ chìm trong nước lũ.

Không một chút đắn đo, do dự, lực lượng của Lữ đoàn 299 lao vào việc. Bỏ quên mưa lạnh, quên nỗi mệt nhọc của chuyến hành quân gấp gáp, cán bộ, chiến sĩ chuyền tay nhau từng khối đá, bao cát đắp vào củng cố bờ đập. Tính đến 4 giờ sáng, khối lượng đắp đập của họ đã lên tới 400m3. Bờ đập tạm an toàn, cán bộ, chiến sĩ mới ngừng tay nghỉ ngơi, ăn sáng. Để rồi, 7 giờ sáng, họ lại tiếp tục gia cố bờ đập cho thật vững chãi. Trắng một đêm ngăn dòng nước lũ, sự mệt mỏi thấm trong từng thớ thịt, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều thấy lòng nhẹ nhõm. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Và hơn thế, họ thêm một lần trở thành chỗ dựa vững chãi của nhân dân trong những cơn "nước sôi lửa bỏng".

Theo Thượng tá Lê Văn Sơn, động lực chính khiến cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299 luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, vượt khó khăn, gian khổ, đối mặt với hiểm nguy là việc đem lại sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, để các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn luôn sâu sát các đơn vị đầu mối, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người để kịp thời giải đáp, xử lý. Mặt khác, để có được thành tích liên tục nhiều năm qua luôn bảo đảm an toàn trong thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 299 xác định công tác giám sát, chỉ đạo, kiểm tra là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động rà phá bom mìn, từ đó gắn trách nhiệm an toàn với lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp thi công. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, lữ đoàn luôn tổ chức thi công chặt chẽ, chính quy theo đúng quy trình, không chủ quan, đơn giản làm tắt các bước. Cũng không chạy theo năng suất mà làm ẩu, để sót bom, mìn, vật nổ.

Tạm biệt những chiến sĩ công binh Lữ đoàn 299, ấn tượng đậm nét nhất trong tôi chính là những gương mặt cương nghị của những người đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy rình rập. Vượt lên tất cả, từng ngày, họ đang vá những vết thương chiến tranh, đem lại màu xanh cho Tổ quốc.

(còn nữa)

Bài và ảnh: NGUYỄN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cho-dua-vung-chai-cua-nhan-dan-575674