Chỗ dựa vững chắc của bà con vùng lũ

Những ngày qua, mưa lớn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế khiến mực nước các hồ thủy điện tiếp tục dâng cao. Các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, A Lưới và TP Huế bị ngập trên diện rộng và bị chia cắt.

Tính đến chiều 13-10, 58.716 nhà đã bị ngập từ 0,5 đến 3,5m; 78/145 xã, phường, thị trấn bị ngập hoàn toàn, 26 xã bị cô lập và chia cắt; nhiều tuyến đường huyết mạch bị ngập, không thể lưu thông được; nhiều công trình thủy lợi, dân sinh hư hỏng.

 Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên - Huế đưa nhân dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên - Huế đưa nhân dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của trận lũ lịch sử và mưa gió lớn, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế đã dồn lực giúp nhân dân ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Các đồn biên phòng ở địa bàn vùng biển đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp dân neo cột, chằng chống hơn 300 tàu thuyền bảo đảm an toàn; tổ chức di chuyển những phương tiện có công suất nhỏ lên cao; cứu hộ 17 tàu cá của ngư dân bị sóng đánh trôi tại khu neo đậu tàu thuyền cảng Chân Mây-Lăng Cô.

Ông Trần Thanh Hùng ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang vẫn chưa hết bàng hoàng, kể: “Nhà tôi 8 người đang ngủ, khoảng 1 giờ sáng thì các chú bộ đội gọi, đập cửa, tỉnh dậy thấy nước đã ngập đến giường. Bộ đội vừa trấn an, vừa giúp gia đình tôi và các gia đình xung quanh kê cao đồ đạc, đưa chúng tôi đi sơ tán ngay trong đêm. Gia đình chúng tôi còn nợ các đồng chí lời cảm ơn chưa kịp nói...".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hồng Vân (A Lưới) dùng bao cát ngăn nước lũ sạt lở đường.

Địa bàn miền núi A Lưới đường sá vốn hiểm trở, nay bị sạt lở, gần chục cầu cống bị gãy sập nên giao thông tê liệt. Nhiều gia đình sống gần sông, suối, sát bờ vực, dù trước đó đã được cảnh báo nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao, nhưng do việc tìm vị trí tái định cư gặp khó khăn nên vẫn chưa kịp di dời. Anh Hồ Văn Nhơ, thôn A Đụt, xã Trung Sơn, huyện A Lưới chia sẻ: “Chưa bao giờ thấy con suối A Lin lại hung dữ đến thế. Căn nhà gỗ của gia đình tui đang đứng chênh vênh, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Nhà toàn người già và trẻ nhỏ, chẳng biết phải làm sao. May có anh em biên phòng đến hỗ trợ tháo dỡ đến nơi ở mới”. Trong bộ quần áo ướt sũng, Trung úy Nguyễn Minh Vũ, Đồn Biên phòng Hồng Vân (A Lưới) kể: “Rất may, trước khi xảy ra trận lũ quét, Đồn Biên phòng Hồng Vân đã huy động tối đa lực lượng để giúp dân tháo dỡ, chuyển nhà và kịp thời đưa mọi thành viên trong các gia đình lên vị trí an toàn”.

Mấy ngày qua, theo BĐBP giúp dân chống lũ, chúng tôi đã chứng kiến lũ trên sông Bồ đổ về kết hợp với triều cường dâng cao, tràn qua bãi bồi, quốc lộ... Nước lũ đục ngầu, đất đá, gỗ rừng ngổn ngang hai bên bờ; nhiều ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch giờ bị vùi lấp hoàn toàn dưới lớp đất cát. Không ít người dân thẫn thờ đứng trên nền nhà còn trơ lại móng, nhìn về phía dòng nước đang chảy cuồn cuộn mà mắt đỏ hoe, khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

BĐBP là lực lượng nòng cốt giúp huyện biên giới A Lưới phòng, chống thiên tai, đã huy động lực lượng đông nhất và nhanh nhất để kịp thời ứng cứu bà con, hỗ trợ đưa người dân và tài sản đến nơi an toàn...

Bài và ảnh: THU NGA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cho-dua-vung-chac-cua-ba-con-vung-lu-640757