Chỗ dựa tin cậy của phụ nữ bị bạo hành

Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng thí điểm mô hình

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường hỗ trợ nạn nhân ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng thí điểm mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” để đảm bảo xây dựng xã hội bình yên, bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi những nguy cơ bạo lực. Mô hình tại phường Quang Trung (TP Uông Bí), đang đem lại những hiệu quả bước đầu.

Nhà tạm lánh của TP Uông Bí được đặt tại Trạm Y tế phường Quang Trung.

Nhà tạm lánh của TP Uông Bí được đặt tại Trạm Y tế phường Quang Trung.

Thời gian gần đây, các cơ quan truyền thông liên tiếp lên tiếng về những vụ bạo hành phụ nữ và trẻ em gái khiến dư luận phẫn nộ.

Theo kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Liên Hiệp Quốc mới công bố 2019, có tới 58% phụ nữ Việt Nam từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo hành.

Những vụ bạo hành chỉ xảy ra sau cánh cửa mà nạn nhân thường không muốn lên tiếng vì e ngại, vì xấu hổ, đa phần họ là phụ nữ và trẻ em. Làm thế nào để xóa bỏ quan niệm: Bạo lực gia đình là chuyện “tự đóng cửa bảo nhau” vẫn đang là vấn đề được đặt ra.

Chị N.T.T.T (huyện Hải Hà), là phụ nữ bị bạo hành trong 15 năm qua. Chị T tâm sự: Chồng tôi say rượu liên miên, về nhà đánh chửi vợ con và đập phá đồ đạc. Có khi đang đêm, 3 mẹ con phải chạy đi trốn. Sự việc cứ lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác. Sức khỏe tôi giảm sút cũng vì bị đánh đập nhiều quá.

Khi bạo lực gia đình không chỉ gây ra những nỗi đau cho gia đình và xã hội mà có những tác động nghiêm trọng, lâu dài đến thế hệ trẻ, thì sự hình thành một số mô hình phòng, chống bạo lực gia đình bước đầu góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một môi trường an toàn, bình đẳng.

Chị Vũ Thị Thúy (áo đen) nhận được sự tư vấn của cán bộ phụ nữ và cán bộ y tế phường.

Nhà tạm lánh - địa chỉ tin cậy cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành đã và đang được hình thành tại một số địa phương trong tỉnh. Tại TP Uông Bí, Nhà tạm lánh được đặt tại Trạm Y tế phường Quang Trung. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm mô hình này.

Tại đây, cơ sở vật chất và không gian an toàn có thể hỗ trợ cùng lúc cho 2 nạn nhân. Các nạn nhân sẽ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc ban đầu về y tế, sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản… Đây là mô hình hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho những phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

Chị Vũ Thị Thúy (khu 6, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí), chia sẻ: Khi vợ chồng xảy ra xô xát, mẹ con tôi bỏ đi. Được các chị em trong Hội Phụ nữ phường tư vấn, tôi đã tìm tới Nhà tạm lánh tại phường Quang Trung, để ở tạm. Thật sự rất bất ngờ trước sự chăm sóc tận tình của các chị em phụ trách ở đây. Họ hỏi han, trấn an về tâm lý và cung cấp một số nhu yếu phẩm cần thiết, phòng ở gọn gàng, sạch sẽ cho mẹ con tôi. Trong lúc chưa thuê được nhà trọ thì đây là điều kiện sống mà tôi cảm thấy vô cùng yên tâm.

Gần 2 năm đi vào hoạt động, "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh" tại TP Uông Bí đã bước đầu mang lại hiệu quả. Mô hình này cần được nhân rộng ở nhiều địa phương hơn nữa để giúp nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực.

Đồng thời, giúp họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn.

Hoài Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/cho-dua-tin-cay-cua-phu-nu-bi-bao-hanh-2476812/