Chỗ dựa của người lao động

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm công nhân lao động. Với Bác, đây là những người trực tiếp làm ra của cải cho xã hội nên cần được chăm lo tốt.

Học tập Bác, gần 10 năm nay, ông Âu Lập Dân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hung Way (Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM), luôn có các hoạt động để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống công nhân. Chính cái tình của người chủ tịch công đoàn này đã giúp công nhân xa quê thêm ấm lòng.

Ông Âu Lập Dân mua thực phẩm an toàn giúp công nhân

Trao niềm tin, nhận hạnh phúc

“Chú Dân ơi, con chị Hạnh mới phát hiện bệnh ung thư. Ngoài quê điện thoại vào cho hay. Chú có cách nào giúp chị ấy với”. Nghe một công nhân báo, ông Âu Lập Dân gấp vội quyển sổ đang ghi chép để đi xuống xưởng sản xuất, nơi chị Nguyễn Thị Hạnh đang khóc nức nở. Trấn an tinh thần chị Hạnh xong, ông Dân đi nhanh đến phòng phát thanh để phát thông báo kêu gọi giúp đỡ gia đình chị Hạnh. Chỉ trong một buổi chiều, hơn 16 triệu đồng từ sự đóng góp của người lao động công ty đã được trao đến tay chị Hạnh để chị kịp bắt chuyến tàu đêm về quê lo cho con gái.

Ở Công ty Hung Way, không chỉ người lao động được chăm lo, mà người nhà công nhân khi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo cũng được tổ chức công đoàn vận động hỗ trợ. Nhờ đó, nhiều gia đình công nhân đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Cũng chính cái tình ấy đã giữ chân người lao động gắn bó với công ty.

Hơn 8 năm trước, vào dịp cuối năm, Tổ chức tài chính vi mô Cep triển khai cho công nhân vay vốn. Nhiều người khuyên ông Dân đợi sau khi nghỉ tết vào hãy ký giới thiệu cho công nhân vay, bởi sợ ông bị mất uy tín nếu công nhân không trở lại làm việc. “Trước đó, công nhân gặp tôi có nói đang chờ vay tiền Cep để sẵn dịp về quê ăn tết sẽ trả tiền mua con bò giống, tiền nợ sửa nhà cho ba mẹ. Nghĩ tới sự thất vọng, mất đi niềm vui sum họp hiếm hoi của công nhân, tôi quyết định ký giấy giới thiệu”, ông Dân nhớ lại. Cũng có chút lo lắng, nhưng ông Dân bảo mình đã trao niềm tin thì công nhân sẽ không phụ. Thật vậy, hạnh phúc của ông Dân là sau tết, công nhân trở lại làm việc gần 100%. Nhiều người mang biếu ông ít quà quê thơm thảo rồi bảo: Con không thể phụ niềm tin của chú.

Giữ chân công nhân bằng tình thương yêu

Gần đây nhất, khi dịch Covid-19 xảy ra, công nhân than không mua được khẩu trang, nghe vậy ông Dân liền đề xuất ban giám đốc chi tiền mua khẩu trang cho công nhân. Rồi ông liên hệ các nơi để mua. Mua số lượng nhiều không được, vậy là sau các buổi làm việc, ông chạy xe máy rảo các cửa hàng để mua mỗi lần 200 cái. Nhờ chịu khó như vậy, ông đã mua được 3.000 khẩu trang vải kháng khuẩn tặng công nhân. Ông còn liên hệ các nơi đặt mua mì, trứng, mua gà, gạo sạch để công nhân có thực phẩm dùng trong thời gian giãn cách xã hội.

Ông Dân cho biết, ban đầu lãnh đạo công ty cũng có phần ngần ngại, nhưng sau đó thấy việc làm của công đoàn mang lại lợi ích cho người lao động, giúp họ gắn bó hơn với công ty, thì đã tạo điều kiện tốt nhất cho công đoàn hoạt động. Như lần ông đề xuất gắn máy lọc nước tại khu lưu trú để giúp công nhân đỡ vất vả khi mua từng thùng nước uống, ban giám đốc công ty đồng ý ngay. “Vấn đề nào thấy hợp lý, hợp tình thì mình đề xuất, khi thấy không có sự vụ lợi cá nhân trong đó, chắc chắn công ty không từ chối”, ông Dân chia sẻ.

Bằng cái tâm lo nghĩ cho công nhân, từ người không có chuyên môn hoạt động công đoàn, ông Dân mày mò học hỏi kinh nghiệm từ các công đoàn bạn, thậm chí lên công đoàn cấp trên nhờ hướng dẫn, rồi ở công ty ông luôn lắng nghe tâm tư của công nhân. Nhờ kiên trì và thấu hiểu công nhân, đến nay ông Dân có rất nhiều chương trình chăm lo tốt cho người lao động công ty mình. “Học chỗ này, chỗ kia một chút, rồi mình đúc kết lại cho phù hợp với đơn vị mình. Quan trọng là phải kiên trì và dành tâm để làm. Khi đã hiểu người lao động cần gì, mình sẽ có cách làm phù hợp để giữ chân họ ở lại”, ông Dân bày tỏ.

Cũng vì nghĩ nhiều cho người lao động, nên khi thấy khu lưu trú công nhân ít hoạt động giải trí, ông Dân đã đề xuất ban giám đốc công ty xây dựng tủ sách công nhân với hơn 1.000 đầu sách, báo, truyện đủ các thể loại. Nhờ tủ sách này, công nhân có nơi đến để thư giãn, con công nhân có điểm lý tưởng để hình thành thói quen đọc sách.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cho-dua-cua-nguoi-lao-dong-664891.html