Chờ đợi gì từ đàm phán thương mại Mỹ - Nhật?

Nhật Bản và Mỹ cần phải cố gắng vì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời duy trì mối quan hệ bền vững giữa hai nước.

Tổng thống Trump tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến công du đến Mỹ vào thứ Sáu vừa qua

Tổng thống Trump tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến công du đến Mỹ vào thứ Sáu vừa qua

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa qua đã cho thấy nhiều vấn đề đang tồn tại giữa hai nền kinh tế. Trong những tháng tới, cả hai bên sẽ đưa ra quyết định củng cố hoặc làm suy yếu liên minh quan trọng này.

Cho đến thời điểm hiện tại, cả hai nhà lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ. Đồng thời, hai bên đã đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại song phương mới.

Các ưu tiên cho cuộc họp Nhóm G-20 sắp tới cũng là một phần của các cuộc thảo luận. Cách mở rộng hợp tác để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và tăng cường hợp tác năng lượng, kết nối kỹ thuật số và đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Trong khi Nhật Bản hoan nghênh thỏa thuận phi hạt nhân hóa Triều Tiên, có một mối lo ngại ở Tokyo là Washington sẽ tập trung vào việc loại bỏ các tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới Mỹ và bỏ qua các loại tầm ngắn đe dọa Nhật Bản. Nhật Bản cũng muốn Mỹ tiếp tục gây áp lực với Triều Tiên để đưa ra lời giải thích đầy đủ cho việc những công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Cuộc gặp này không chỉ góp phần thắt chặt mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản mà còn giúp giải quyết những bất đồng giữa hai nước trong hoạt động thương mại song phương. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông hài lòng với quá trình đàm phán thương mại với Nhật Bản và hy vọng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại, trước khi ông có chuyến thăm tới đất nước này vào tháng tới.

Có thể thấy, Mỹ đã không ngừng gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc và châu Âu. Các chuyên gia cho rằng, nếu sự rạn nứt cũng xảy ra trong mối quan hệ Mỹ - Nhật, sự không chắc chắn về tương lai nền kinh tế toàn cầu có thể tăng hơn nữa.

Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh tại các cuộc gặp rằng Nhật Bản và Mỹ nên sớm tiến hành các cuộc đàm phán sẽ có lợi cho cả hai nước. Điều quan trọng là phải tổ chức một loạt các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng giữa hai bên để hướng tới việc thực hiện hiệp định thương mại song phương mới.

Tuy nhiên, điều này vẫn đặt ra một số nghi ngại do những khác biệt về quan điểm giữa Tokyo và Washington vẫn chưa được giải quyết. Tổng thống Trump mong muốn các cuộc đàm phán thương mại kết thúc sớm và kí kết thỏa thuận thương mại trước khi tiến hành một chạy đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2020. Trong khi đó, Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận sau cuộc bầu cử Hạ viện vào mùa hè này.

Bên cạnh đó, nội dung của thỏa thuận vẫn chưa được thống nhất khi có những lo ngại rằng bản thỏa thuận có thể gây ra tranh cãi lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng thống Trump đã không ngừng bày tỏ sự không hài lòng đối với các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi của Mỹ xuất khẩu và cho rằng Nhật Bản áp dụng thuế quan rất lớn đối với nông nghiệp.

Do Hiệp định thương mại tự do đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đã gặp bất lợi khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Do đó, có khả năng Mỹ sẽ yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường rộng hơn khi các cuộc đàm phán phát triển.

Cùng với đó, ô tô cũng là một trong những yếu tố được đem ra bàn thảo khi đây là lĩnh vực chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản. Trong cuộc họp gần đây, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về các thông báo công khai gần đây của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, bao gồm cả quyết định đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy của Mỹ.

Tổng thống Trump đã đề nghị ông Abe tiếp tục thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tạo thêm nhiều việc làm ở Mỹ khi Nhà Trắng đe dọa sẽ áp thuế lên tới 25% đối với xe nhập khẩu, với lý do an ninh quốc gia.

Lí giải điều này, giới quan sát cho biết, chính quyền Mỹ đang áp dụng mục 232 của Đạo luật Thương mại năm 1962, điều khoản cho phép các Tổng thống sử dụng biện minh an ninh quốc gia để hạn chế nhập khẩu. Trường hợp này cũng tương tự như việc Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu cho nhôm và thép.

Mỹ đang cho thấy những nỗ lực trong việc đạt được các điều khoản thỏa thuận với Nhật Bản không kém phần thuận lợi so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh bảo, nếu Tổng thống Trump tiếp tục thúc đẩy một số đề xuất như hiện tại có thể bóp méo tự do thương mại và vi phạm các quy tắc quốc tế.

Nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu ô tô, điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Nhật Bản và kích hoạt Nhật Bản tiến hành các biện pháp trả đũa gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ đang phải chịu một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thiệt hại nghiêm trọng nhất sẽ là mối quan hệ Mỹ-Nhật, tại thời điểm mối quan hệ đó rất quan trọng đối với các mục tiêu chính sách kinh tế và đối ngoại của cả hai nước. Thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản chiếm gần 30% nền kinh tế toàn cầu. Mỹ cần cẩn thận để không làm xấu đi tình hình.

Thay vì đơn phương yêu cầu những lợi thế cho Mỹ, cả hai nhà lãnh đạo cần đạt được sự đồng thuận chung để xây dựng mối quan hệ song phương mạnh mẽ giữa cả hai nền kinh tế, hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Chờ đợi gì từ đàm phán thương mại Mỹ - Nhật? tại chuyên mục Quốc tế của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cho-doi-gi-tu-dam-phan-thuong-mai-my-nhat-149337.html