Chờ đợi cuộc gặp Trump – Tập, chứng khoán Mỹ dè chừng

Thị trường chứng khoán Mỹ đã đảo chiều khi đóng cửa thấp hơn vào thứ Năm, do các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp cuối tuần này giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh xuất hiện một số hoài nghi, liệu hai nhà lãnh đạo có thể đạt được sự nhất trí về thương mại.

Các chỉ số chính trước đó đã duy trì mức tăng điểm trong vài giờ sau khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) công bố biên bản cuộc họp, tái khẳng định quan điểm "hiếu chiến" của ngân hàng trung ương này về kế hoạch tăng lãi suất, đồng thời cho biết Ủy ban thiết lập chính sách sẽ duy trì tính linh hoạt.

FED vẫn giữ nguyên quan điểm về lãi suất

Chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt 27,59 điểm, tương đương 0,1%, xuống 25.338,84 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 rớt 5,96 điểm, tương đương 0,2%, đóng cửa tại 2.737,83 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,51 điểm, tương đương 0,3% và khép phiên tại 7.273,08 điểm.

Trước đó, trong phiên giao dịch hôm thứ 4, chỉ số Dow và S&P 500 đã ghi nhận ngày giao dịch tốt nhất kể từ 26.3, khi lời bình luận từ Chủ tịch FED Jerome Powell được diễn giải theo khuynh hướng “bồ câu” đã thúc đẩy lực mua mạnh từ các nhà đầu tư.

Biên bản của FED từ cuộc họp tháng 11 của ngân hàng trung ương này công bố hôm qua cho thấy, hầu hết các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đều cảm thấy thoải mái với việc tăng lãi suất “khá sớm”, miễn là thị trường việc làm và dữ liệu lạm phát phù hợp với kỳ vọng. Thông tin này đã thúc đẩy kỳ vọng cho đợt tăng lãi suất khác vào tháng 12.

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng "chính sách tiền tệ không phải luôn cố định như dự kiến", mà luôn cần có sự linh hoạt cần thiết theo diễn biến thực tế, nhất là với chính sách tiền tệ vào năm 2019.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, Bộ Lao động cho biết, số người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên 234.000 đơn trong tuần trước, mức cao nhất trong 6 tháng qua, và vượt xa con số 220.000 dự báo của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, những con số này vẫn ở mức thấp.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 10 tăng 0,6%, trong khi thu nhập tăng 0,5%, cao hơn ước tính của các nhà kinh tế.

Hiệp hội các nhà môi giới quốc gia báo cáo rằng doanh số bán nhà chờ ở Hoa Kỳ giảm xuống 2,6% trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2014.

Hướng mắt đến cuộc họp Mỹ - Trung đang tới gần

Ngoài ra, các nhà đầu tư hy vọng rằng ông Trump và ông Tập sẽ có thể tiến tới một thỏa thuận, hoặc ít nhất là đạt được một khuôn khổ cho phép các cuộc đàm phán tiếp theo, sẽ trì hoãn việc áp đặt các mức thuế mới hoặc tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc đã bị đánh thuế như những gì Tổng thống Trump đe dọa liên tục trong năm nay.

Phát biểu trước các phóng viên, ông Trump cho biết ông "đang tiến rất gần đến việc phải làm điều gì đó với Trung Quốc, nhưng ông không chắc mình có muốn làm điều này hay không", ý muốn ám chỉ đến doanh thu đạt được từ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Hôm qua ông Trump cũng đã chia sẻ trên Twitter rằng "hàng tỷ đô la" đang đổ vào Kho bạc Hoa Kỳ từ các hàng rào thuế quan và cho biết sẽ còn "một chặng đường dài để đi". Ông cũng cảnh báo “nếu các công ty không muốn bị đánh thuế, hãy xây dựng nhà máy và hoạt động sản xuất ở Hoa Kỳ. Còn không, hãy để cho quốc gia của chúng tôi giàu có hơn bao giờ hết”.

Ông Trump tweet chia sẻ về những lợi tích thu ngân sách mà Hoa Kỳ đạt được từ việc đánh thuế nhập khẩu

Ryan Nauman, chiến lược gia thị trường tại Informa Financial Intelligence, cho rằng sự sụt giảm của thị trường trong phiên hôm qua đến từ 2 yếu tố: các nhà đầu tư đánh giá lại bài phát biểu hôm thứ Tư của chủ tịch FED Powell và lo lắng về cuộc họp Trump - Tập.

Nauman chia sẻ: “FED vẫn có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm tới và vẫn đang trong lộ trình đã đặt ra". Theo Nauman, điểm yếu của thị trường cũng liên quan đến căng thẳng thương mại của Hoa Kỳ.

Ông nói tiếp: "Nếu chúng ta nhận được một số dấu hiệu về khả năng tạm dừng các hàng rào thuế mới, đó sẽ là tuyệt vời cho thị trường. Nhưng nếu chúng ta không nhận được gì nhiều từ cuối tuần này, bạn sẽ thấy sự biến động tăng lên. Có một mối lo ngại lớn về sự tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, và mức thuế mới sẽ chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu”.

Mike O'Rourke, kinh tế trưởng tại JonesTrading, cho rằng lãi suất tăng là một cản trở cho thị trường, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, mà còn là vấn đề thương mại cũng như sự suy yếu của nhiều cổ phiếu. Ông viết: “"Dù FED có ngừng tăng lãi suất cũng sẽ không thúc đẩy doanh số bán iPhone nhiều hơn, hoặc làm giảm sự tăng trưởng chi phí của Facebook, giúp số lượng người đăng ký Netflix tăng lên, gia tăng doanh số bán hàng của Amazon hay kết thúc cuộc chiến thương mại”.

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á kết thúc cao hơn vào hôm qua, theo sau sự dẫn dắt của thị trường Mỹ vào hôm thứ Tư. Chỉ số Nikkei của Nhật tăng 0,4%, đánh dấu phiên tăng thứ 5 liên tiếp, trong khi các thị trường Hàn Quốc và Úc cũng ghi nhận sắc xanh.

Ngược lại, chứng khoán Trung Quốc thể hiện sự tiêu cực, với chỉ số Hang Seng của Hồng Công giảm 0,9%, chỉ số Shanghai sàn Thượng Hải mất 1,3% khi các nhà đầu tư lo lắng cuộc họp thượng đỉnh của ông Trump và ông Tập sẽ không được như kỳ vọng và tiếp tục khiến nền kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán cũng phần lớn đi lên, với chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 0,2%.

Giá dầu thô WTI hôm qua phục hồi nhẹ sau khi chìm sâu về dưới 50 USD/ thùng lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua. Giá vàng gần như không thay đổi trong khi chỉ số USD Index ít biến động.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/cho-doi-cuoc-gap-trump-tap-chung-khoan-my-de-chung-19243.html