Cho DN nước ngoài thuê nhà phải đăng ký kinh doanh?

Chỉ căn cứ quy định của Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì không đủ cơ sở để khẳng định cá nhân sở hữu nhà ở/bất động sản cho thương nhân nước ngoài thuê làm trụ sở của văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam phải đăng ký kinh doanh.

Chi nhánh Công ty Luật TNHH Trí Minh tại TPHCM có một số thắc mắc khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan tới Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Theo phản ánh của Chi nhánh, khi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoặc chi nhánh của thương nhân nước ngoài thuê nhà của một cá nhân để làm trụ sở và đăng ký hoạt động với Sở Công Thương thì nhận được yêu cầu về điều kiện đối với cá nhân là chủ nhà, đó là cá nhân phải tiến hành đăng ký kinh doanh căn cứ trên Khoản 1, Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP.

Theo ý kiến của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Trí Minh tại TPHCM, chủ nhà có quyền cho thuê nhà mà không cần đăng ký kinh doanh. Lý do Chi nhánh đưa ra là, việc đăng ký kinh doanh không phải là điều kiện bắt buộc áp dụng đối với bên cho thuê nhà theo quy định tại Luật Nhà ở hiện hành. Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép cá nhân cho thuê bất động sản thuộc sở hữu của mình thì không cần đăng ký kinh doanh nếu hoạt động theo quy mô nhỏ và không thường xuyên.

Đồng thời, Khoản 7, Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có hướng dẫn:

“Điều 5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bao gồm:…

7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu của mình”.

Từ những phân tích nêu trên, Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Trí Minh tại TPHCM đề nghị cơ quan chức năng xem xét xác nhận trường hợp cá nhân, hộ gia đình cho thuê nhà ở không phải đăng ký kinh doanh để thống nhất áp dụng.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

Về việc thay đổi địa điểm trụ sở văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, Khoản 6, Điều 15 Nghị định 07/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thươqg nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định cụ thể về việc thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập văn phòng đại diện khi có “thay đổi địa chỉ đặt trụ sở của văn phòng đại diện trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc trong khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý”.

Điểm b, Khoản 1, Điều 16 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ điều chỉnh Giấy phép thành lập văn phòng đại diện trong trường hợp thay đổi địa chỉ đặt trụ sở văn phòng đại diện như sau:

“Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở văn phòng đại diện; bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 28 Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan”.

Về quy định của Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Khoản 1, Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định:

“1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: Đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác”.

Như vậy, chỉ căn cứ vào quy định trên của Nghị định 39/2007/NĐ-CP, không đủ cơ sở để khẳng định cá nhân sở hữu nhà ở/bất động sản cho thương nhân nước ngoài thuê làm trụ sở của văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam phải đăng ký kinh doanh.

Việc đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đăng ký kinh doanh (Nghị định 78/2015/NĐ-CP).

Việc cá nhân, tổ chức cho thuê nhà, cho thuê bất động sản thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Do vậy, đề nghị Chi nhánh Công ty Luật TNHH Trí Minh căn cứ vào quy định pháp luật trong các lĩnh vực trên để có cơ sở giải quyết vướng mắc của Công ty về trường hợp cá nhân cho thuê nhà làm trụ sở văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.

Trường hợp Chi nhánh Công ty còn vướng mắc về quy định pháp luật trong các lĩnh vực trên, đề nghị Chi nhánh Công ty liên hệ với các Bộ quản lý ngành để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/cho-dn-nuoc-ngoai-thue-nha-phai-dang-ky-kinh-doanh/353133.vgp