Cho đi nụ cười...

Ông Nguyễn Văn Tân (57 tuổi) là người khuyết tật nhưng chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận mà luôn vươn lên sống có ích cho cộng đồng, xã hội.

Ông Nguyễn Văn Tân (57 tuổi) là người khuyết tật nhưng chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận mà luôn vươn lên sống có ích cho cộng đồng, xã hội. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Q. Thanh Khê (Đà Nẵng), nhiều năm qua ông vẫn âm thầm làm thật nhiều việc thiện. Ông Tân quan niệm rằng, cuộc đời này ngắn lắm, hãy cứ cho đi để đổi lấy những nụ cười... Với ông Tân, việc vận động trao sinh kế cho những người nghèo, yếu thế trong cuộc sống; kêu gọi hỗ trợ tinh thần, vật chất cho trẻ em khó khăn; trực tiếp chạy vạy, giải quyết thủ tục xin tiền hỗ trợ hàng tháng cho người khuyết tật... là những công việc mang lại hạnh phúc thật sự cho ông. "Người khuyết tật hay những người nghèo, hoàn cảnh bất hạnh giống như những ngọn đèn trước gió, rất dễ lụi tàn. Nếu chúng ta không quan tâm, động viên, khích lệ họ bằng những việc làm thiết thực thì họ không có động lực tiếp tục tỏa sáng, cống hiến", ông Tân tâm sự. Ông Tân trước đây vốn khỏe mạnh, có thu nhập ổn định từ công việc làm thầu xây dựng. Thế nhưng, năm 1998 một tai nạn bất ngờ ập tới khiến ông trở thành người khuyết tật với gương mặt bị biến dạng, hai mắt không còn nhìn thấy rõ. "Khoảng thời gian này có thể xem là đen tối nhất cuộc đời tôi. Sau khi chạy chữa khắp nơi tôi trở về nhà sống khép kín, ít giao tiếp với mọi người. Một thời gian sau thấy cuộc sống vô vị quá bởi có buồn, có đau đớn thì cũng không thể trở lại thành người bình thường được. Lúc này có người bạn giới thiệu tôi tham gia sinh hoạt vào Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng nên tôi đồng ý", ông Tân nhớ lại. Cũng theo ông Tân, khi tư tưởng được đả thông, ông bắt đầu tham gia vào các tổ chức từ thiện, đầu tiên là tổ chức Cứu trợ trẻ em. Dần dần ông bén duyên với công tác thiện nguyện. Đến 2013 ông về làm Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Q. Thanh Khê.

Những trường hợp đã và chưa nhận được trợ cấp đều được ông Tân lưu giữ cẩn thận để tiếp tục hỗ trợ.

Những trường hợp đã và chưa nhận được trợ cấp đều được ông Tân lưu giữ cẩn thận để tiếp tục hỗ trợ.

Nhờ sự nhiệt tình, tận tâm của ông Tân, đã có nhiều hoàn cảnh bất hạnh được giúp đỡ. Ông vận động các tổ chức trao sinh kế cho những hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, trực tiếp đi vận động những người khuyết tật khác mạnh dạn tham gia vào hội khuyết tật để hòa nhập, có cơ hội được giúp đỡ. "Người khuyết tật đa số rất tự ti nên không muốn tiếp xúc với ai cả. Tôi từng trải qua giai đoạn khó khăn đó nên hiểu rất rõ và dễ cảm thông. Vì vậy, tôi muốn bản thân đi vận động, làm gương cho những người khác noi theo. Ai cũng có giá trị riêng của mình, nếu biết vươn lên, cống hiến hết mình thì xã hội luôn ghi nhận", ông Tân quan niệm. Sau tai nạn năm đó, mắt mờ nhưng ông vẫn quyết tâm đạp xe đạp len lỏi đến từng nhà người khuyết tật để động viên, thuyết phục họ tham gia hội. Chưa dừng lại ở đó, vào hội rồi ông lại tìm cách giúp các hội viên giải quyết các thủ tục nhận tiền hỗ trợ xã hội hàng tháng để cuộc sống vơi bớt phần nào khó khăn. Hỏi động lực nào khiến ông làm nhiều việc như vậy, ông bảo: "Không có ai sinh ra đã nghĩ một ngày mình phải ngửa tay đi xin cả, phải khó lắm họ mới chấp nhận làm vậy. Có những người loay hoay mãi cả chục năm trời mà chưa giải quyết xong vì những quy định ngặt nghèo. Thế nên, khi nhận được trợ cấp ít ỏi, dù chỉ 500 nghìn đồng/tháng nhưng họ vẫn vui. Đó chính là động lực duy nhất của tôi", ông Tân trải lòng.

Hiện nay, Hội người khuyết tật Q. Thanh Khê có 140 hội viên. Trong đó, đa số đều nhận được trợ cấp hàng tháng nhờ sự giúp đỡ từ ông Tân. Những trường hợp như bà Lê Thị Cúc (58 tuổi, trú P. Xuân Hà) khuyết tật cả mắt, tay, chân; hay như trường hợp ông Nguyễn Thanh (59 tuổi, trú P. Hòa Đông), có vợ cũng là người khuyết tật nặng... giờ đã vươn lên, kinh tế ổn định và luôn mang ơn, nhớ về ông Tân như người thân đặc biệt của mình. Suốt nhiều năm âm thầm cho đi, ông Tân cũng đã được các cấp ghi nhận, Hội Người khuyết tật TP khen thưởng. Nhận xét về ông Tân, ông Phạm Sáu-Chủ tịch Hội Người khuyết tật Q. Thanh Khê cho hay: "Dù làm không lương nhưng anh Tân vẫn luôn tận tâm, cống hiến hết mình. Các hoạt động giao lưu, văn nghệ dành cho các hội viên cũng đều do anh khởi xướng, đảm trách. Có thể nói, chính nghị lực vươn lên, san sẻ với người đồng cảnh ngộ từ trong tâm của anh Tân là một câu chuyện đẹp giữa cuộc đời này...".

THÀNH DANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_204367_cho-di-nu-cuoi.aspx