Cho đi là còn mãi!

'Việc chia sẻ tấm áo, đồng tiền, bát gạo… với những cảnh đời bất hạnh là vô cùng trân quý. Nhưng bố thí Nội tài-tức là sẵn sàng hoan hỉ hiến từ giọt máu hồng đến bộ phận cơ thể của mình để đem lại sự sống cho người khác, là việc làm với tâm vô ngã vị tha cao cả nhất', đó là chia sẻ của Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Từ thiện xã hội-Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Ngày hội Hiến máu cứu người.

Để “Hành Bồ Tát đạo”, tại ngày hội hiến máu đã có hơn 500 tăng, ni sinh và phật tử đăng ký tham gia hiến máu và 150 người đã đăng ký hiến mô, tạng.

Sau khi hiến xong những giọt máu đào, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã đăng ký hiến mô, tạng. Ngài bày tỏ: “Cuộc sống thật hạnh phúc và ý nghĩa biết bao khi biết chắc chắn rằng đâu đó trên cuộc đời này, một phần cơ thể hay dòng máu của ta đang hòa chung vào sinh mệnh, vào nhịp thở của ai đó đã từng được ta cứu sống”.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-truyền máu Trung ương cho biết, mặc dù phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ra phát triển muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, cả nước đã vận động và tiếp nhận gần 1,6 triệu đơn vị máu (trong đó trên 98% là người hiến máu tình nguyện), tương đương với gần 1,8% dân số hiến máu.

Tì kheo Thích Khai Văn, chùa Trình-Yên Tử, Quảng Ninh đăng ký hiến mô tạng, thanh đới và xác cho y học khi qua đời. Ảnh:V.H

Tì kheo Thích Khai Văn, chùa Trình-Yên Tử, Quảng Ninh đăng ký hiến mô tạng, thanh đới và xác cho y học khi qua đời. Ảnh:V.H

Kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh. Hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống. Kết quả này có sự đóng góp lớn của các tăng ni, phật tử trong cả nước, có thể kể đến như: Thiền viện Sùng Phúc, phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội tổ chức mỗi năm 1 lần vào dịp Lễ Vu Lan từ năm 2012. Qua 7 năm tổ chức, đã có gần 1.000 đơn vị máu được hiến tặng từ các sư thầy và phật tử tại Thiền viện; chùa Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội tổ chức 3 ngày năm 2013 tiếp nhận hơn 70 đơn vị máu; chùa Khai Nguyên, thị xã Sơn Tây, Hà Nội tổ chức hiến máu từ năm 2014 đến nay. Mỗi đợt tổ chức hiến máu tiếp nhận được khoảng 300 đơn vị máu.

Tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chùa Pháp Vân tổ chức hiến máu từ năm 2017, mỗi năm tổ chức 1 đợt và tiếp nhận được khoảng 100 đơn vị máu; chùa Tứ Kỳ tổ chức hiến máu từ năm 2015, mỗi năm tổ chức hiến máu từ 1 đến 2 lần, mỗi lần tiếp nhận được khoảng 350 đơn vị máu.

Tại TP HCM, tại chùa Giác Ngộ, quận 10 có tổ chức ngày hiến máu Hành trình Đỏ tiếp nhận 445 đơn vị máu. Đây là lần thứ 27 Chùa tổ chức hiến máu, từ tháng 10-2018 đến nay, chùa đều tổ chức 1 ngày hiến máu/tháng. Đến nay, tại chùa Giác Ngộ đã có gần 7.000 người tham gia hiến máu.

Các chùa Cổ Am tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tổ chức Chủ nhật Đỏ tiếp nhận gần 200 đơn vị máu; CLB Tâm yêu thương trực thuộc chùa Vĩnh Lai, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tổ chức được 4 đợt hiến máu từ năm 2018 đến nay, tiếp nhận được gần 600 đơn vị…

Bên cạnh nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Theo thống kê năm 2006 của ngành y tế khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (dân số Việt Nam lúc đó hơn 85 triệu người) thì có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận và trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc (trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc) và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi.

Nhấn mạnh tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, hiến mô/tạng là việc làm nhân đạo và khoa học đích thực, cứu giúp người bằng cách đăng ký hiến mô, tạng là việc làm đầy ý nghĩa nhân văn.

Thời gian gần đây, công tác vận động hiến mô tạng đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Nếu năm 2014 chỉ vận động được hơn 200 người đăng ký hiến mô, tạng (chủ yếu là lãnh đạo, cán bộ của chính Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia và một số y bác sỹ) thì đến năm 2018 tổng số người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não lên đến 19.300, góp phần quan trọng vào việc cứu chữa người bệnh hiểm nghèo.

Để đạt được kết quả này là có sự đóng góp rất lớn của các tăng ni phật tử tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người-Cho đi là còn mãi. Mới đây nhất, tháng 5-2019, gần 600 tăng ni, phật tử đã đăng ký hiến tặng mô, tạng tại chùa Giác Ngộ. Trước đó, Quỹ đạo Phật ngày nay-chùa Giác Ngộ đã 4 lần tổ chức đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học.

Tham gia hiến máu tình nguyện và đăng ký hiến mô tạng, hiến xác, thanh đới, Tì kheo Thích Khai Văn, chùa Trình-Yên Tử, Quảng Ninh hoan hỉ: Trong tất cả các pháp thì thân pháp là quý nhất, việc thí pháp là thí thân pháp. Chính vì thế đức Phật luôn giữ gìn, ngài tu và thân xác của ngài thành những xá lị.

“Hi vọng những giọt máu này khi đến với ai đó thì làm ơn cho hãy tôi gửi lời chào và hãy nói rằng tôi mong muốn họ cũng noi tấm gương của đức Phật, họ cũng trở thành tự bồ tát, những thí pháp.
Tôi được đào tạo về thanh đới nên đã đăng ký hiến thanh đới (benganto) và hiến xác, nội tạng. Mong rằng có ai đó may mắn nhận được, biết đâu có thể thay đổi được giọng hát của ai đó phục vụ chúng sinh…”, Tì kheo Thích Khai Văn nói thêm.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cho-di-la-con-mai-157894.html