Chờ đến bao giờ?

Điện ảnh Việt trong vài năm trở lại đây đang có tốc độ phát triển tốt cả về số lượng phim ra rạp, số lượng cụm rạp, cũng như tổng doanh thu toàn thị trường. Tuy nhiên, có một nghịch lý, cho đến nay, chúng ta chưa có một quỹ điện ảnh chính thống để hỗ trợ các nhà làm phim.

Ekip đoàn phim "Người vợ ba" trên sân khấu nhận giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP Toronto 2018

Mới đây nhất, bộ phim Người vợ ba (đạo diễn Nguyễn Phương Anh) đã ít nhiều gây chú ý khi tham gia một số giải thưởng điện ảnh quốc tế. Để có thể hoàn thành, bộ phim đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều quỹ điện ảnh, đặc biệt tại các liên hoan phim (LHP), giải thưởng điện ảnh trên thế giới.

Có thể nhận thấy, con đường đi của Người vợ ba cũng như nhiều phim thuộc dòng nghệ thuật, phim độc lập, thời gian gần đây như: Đập cánh giữa không trung, Bi đừng sợ… đều là đi đường vòng. Tức là các phim phải “chu du” xin kinh phí từ các quỹ điện ảnh trên thế giới, với rất nhiều vòng thử thách khác nhau, trước khi hoàn thành và được trình chiếu cho khán giả trong nước.

Các quỹ điện ảnh quốc tế, từ chính thống cho đến của các tổ chức phi lợi nhuận, mỗi năm đã hỗ trợ cho rất nhiều dự án từ khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là tiền đề góp phần phát hiện, bồi dưỡng và mở đường cho nhiều tài năng có cơ hội đi đường dài trong điện ảnh. Để có tác phẩm đầu tay ra mắt, nhiều nhà làm phim độc lập trẻ Việt Nam hiện đang tiếp tục đi theo con đường tương tự.

Tại Việt Nam, thời gian qua có 2 quỹ điện ảnh được ra mắt, đã thắp lên hy vọng cho các nhà làm phim. Đầu tiên là Quỹ Đầu tư giải trí Việt Nam (Vietnam Entertainment Fund - VEF) do 5 nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước: Yeah1CMG, R&D Capital Group, Surfing Holdings, MBC Studio và Green International hợp sức, với số tiền quỹ lên đến 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng).

Quỹ sẽ hỗ trợ cho các dự án với số tiền từ 5% - 45% trên tổng kinh phí sản xuất thông qua các vòng thẩm định của các chuyên gia. Một số dự án đã được quỹ này cấp vốn như: Trường học bá vương, Thiên linh cái, Táo quậy phiêu lưu ký, Thánh nữ…

Hay như mới đây, Tập đoàn Landmark Asia Holdings (Hàn Quốc) cũng chính thức đầu tư vào một công ty giải trí trong nước theo hình thức vừa góp vốn cho các dự án điện ảnh, vừa hỗ trợ về máy móc, công nghệ, nhân lực, phát hành phim… Tuy nhiên, cả 2 quỹ trên đều của tư nhân và có yếu tố nước ngoài.

Câu chuyện về việc thành lập quỹ điện ảnh ở Việt Nam cũ đến mức nhiều người hoạt động trong nghề không muốn bàn đến nó. Nhiều hội thảo chuyên ngành về điện ảnh từ chục năm nay đã đề cập vấn đề này. Dự thảo xây dựng quỹ cũng được phía Cục Điện ảnh trình lên Chính phủ 2 lần, nhưng chưa được thông qua vì chưa xác định nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của quỹ.

Chúng ta cũng đã rút kinh nghiệm, tham khảo ý kiến từ nhiều nước trong việc thành lập quỹ để tạo ra sự tối ưu, hiệu quả cao nhất khi đưa vào hoạt động và duy trì sự bền vững. Nhưng tất cả đều mới chỉ dừng lại trên giấy tờ.

Điện ảnh Việt hiện hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của các đơn vị tư nhân. Trong đó, thị trường phía Nam gần như chiếm tỷ lệ tuyệt đối về số lượng phim ra rạp mỗi năm. 3 năm sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mới lại có một dự án được Nhà nước cấp kinh phí sản xuất với số tiền chiếm 70%.

Phim nhà nước đã hoàn toàn mất đi thế độc tôn vốn có, một phần cũng bởi câu chuyện ngân sách. Nếu có một quỹ điện ảnh do Nhà nước đứng ra thành lập, quản lý, có lẽ sự điều tiết thị trường ít nhiều cân bằng hơn.

Thông tin mới nhất, đầu năm 2019, một quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam sẽ được thành lập.

Trong đó, số vốn được lấy từ nhiều nguồn khác nhau: Chính phủ cấp, trích tỷ lệ phần trăm giá vé xem phim, các khoản đóng góp, viện trợ, tài trợ hợp pháp…

Nhưng cho đến thời điểm này, thông tin đó chưa được xác thực một cách chắc chắn rằng, khi nào quỹ sẽ đi vào hoạt động. Trong lúc chờ đợi, các nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim độc lập vẫn phải tự thân vận động.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cho-den-bao-gio-548665.html